Bí quyết mua sắm thông minh

0

Lên danh sách cụ thể trước khi mua sắm, chỉ chọn những món hàng thật cần thiết, thử trước khi trả tiền... sẽ giúp người tiêu dùng sở hữu các sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo và phát huy hết công dụng của chúng.

Kinh nghiệm của chị Hạnh, ở quận 7, TP HCM là lên sẵn danh sách các thứ cần mua và chỉ chọn những món đồ thật cần thiết, không mang quá nhiều tiền mỗi lúc mua sắm. Rất nhiều lần chị chọn tràn lan, đôi khi mua mà không có lý do nào cả.

"Cách đây một tháng, tôi ưng ý bộ váy ở shop thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 nhưng tới khi mang về cất trong tủ mới phát hiện nó giống hệt cái đã có cả về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc", chị Hạnh tiếc khi bỏ ra gần cả triệu đồng để sở hữu bộ váy thực chất mình đã có.

Còn tiêu chí chọn đồ của chị Lan ở quận 1 là "phải thử trước khi mua", chứ không chỉ duyệt bằng mắt. Trong tủ quần áo của chị có nhiều cái trông rất đẹp và sang nhưng mặc vào lại không hợp với vóc dáng, làn da chỉ vì không thử trước.

"Tôi phải cho không cô hàng xóm, dù bỏ ra 350.000 để sở hữu một cái áo, chứ thực chất không thể nào diện khi ra ngoài. Tốt nhất khi mua giày hay quần áo đều phải thử qua một lần, nếu thấy phù hợp mới chọn để tránh tốn tiền vô ích", chị Lan chia sẻ bí kíp mua sắm.

Chị tiết lộ thêm, khi shopping nên ăn mặc sao cho dễ phối đồ. Ví dụ, nếu muốn mua áo phông rộng, ngay từ nhà, chị sẽ mặc loại quần khá ôm, kiểu dáng đơn giản để thuận tiện chọn chiếc áo phù hợp.

Để có được chiếc áo quần ưng ý, người tiêu dùng nên mặc thử trước khi mua. Ảnh: Hồng Châu

Chị Lan cũng đặt nặng tiêu chí chất lượng sản phẩm, hơn là giá cả món hàng. Bởi mua một sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” sẽ dùng được lâu dài, thậm chí chỉ vứt bỏ khi hàng bị rách, vỡ, chứ màu sắc vẫn còn nguyên vẹn như lúc mới mua.

Có lần chị bỏ ra 400.000 đồng mua chiếc quần jean trong cửa hàng thời trang lớn ở quận 3 và dùng 2 năm vẫn còn như mới. Màu sắc vải quần vẫn khá ổn và không bị giãn rộng. Trong khi đó, chị mua cũng một cái quần jean giá 170.000 đồng tại chợ đêm ở quận Gò Vấp, nhưng mới 5 tháng đã phai màu.

"Tôi thường mua một cái tốt, giá đắt còn hơn mua cả 4 cái dởm mà lại mặc không được", chị cho biết.

Chị Thuận, giúp việc cho một gia đình tại quận Bình Thạnh cũng rút kinh nghiệm  không nên mua sắm chịu. Bởi lẽ, khi mua chịu, chị sẽ không được toàn quyền lựa chọn những món đồ đẹp hoặc trả giá.

Chị kể, tuần trước có ý định mua áo khoác ở một cửa hàng quen với giá 250.000 đồng. Sau một hồi trả giá, người chủ bớt cho chị 30.000 đồng nhưng chị nói cho nợ vài hôm, khi nào nhận lương sẽ trả thì chủ cửa hàng lại không bớt đồng nào.

"Vì tôi thích chiếc áo đó nhưng sợ tới khi nhận lương có người mua mất nên phải đặt cọc trước với mức giá chẳng ưu đãi chút nào", chị chia sẻ.

Chị cũng lưu ý, khi mua đồ không nên tỏ ra quá thích thú và đừng thể hiện mình là "dân quê". Khi đó, người bán dễ nâng giá và tâng bốc chất lượng sản phẩm, còn người mua cũng khó kỳ kèo trả giá.

Lưu ý những cảnh báo trên nhãn sản phẩm là cách giúp chị Hạnh, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại quận Phú Nhuận chọn được hàng tốt và dùng lâu. Ví dụ, khách hàng cần xem sản phẩm đó giặt ở chế độ nào là phù hợp, nhiệt độ khi ủi cũng là một yếu tố đáng lưu tâm nếu muốn giữ độ bền cho quần áo.

Theo chị, người tiêu dùng cũng nên quan tâm đến chính sách mua hàng, đặc biệt là đổi và trả hàng. Bởi lẽ, có những cửa hàng không hoàn lại tiền mà chỉ cho đổi từ món này sang món khác hoặc không cho đổi.

Hồng Châu

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]