Người Trung Quốc cổ đại từng liệt "đuôi cá chép" vào một trong "bát trân" (8 cái quý), ngang với chân gấu. Kinh Thi viết: "Khởi kỳ thực ngư, tất hà chi" (Muốn ăn cá, tất phải ăn cá chép ở sông). Đào Hoàng Cảnh, nhà y học thời Hậu Lương (Trung Quốc) đã gọi cá chép là "chư ngư chi trưởng, vi thực phẩm thưởng vị" (đứng đầu các loại cá, là loại thực phẩm đứng đầu vị).
Đối với phụ nữ, cá chép càng hữu ích. Dân gian Trung Quốc coi loại cá này là "ích mẫu hà tiêu" (thuốc tiên chữa bệnh phụ khoa) vì nó có tác dụng nổi bật trong lĩnh vực này. Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
- An thai: Phụ nữ mang thai dễ có các triệu chứng khí huyết yếu kém, tâm tính không yên. Nên lấy một con cá chép nặng khoảng nửa cân, để cả vảy, mổ bỏ ruột, trộn thêm nửa lạng gạo nếp, ít vỏ quýt, gừng sống. Đổ tất cả vào nồi ninh chín, thêm ít muối, ăn 5-7 lần sẽ có hiệu quả.
- Chữa nôn mửa: Phụ nữ thời kỳ đầu mang thai thường xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt..., y học cổ truyền gọi là "nhiên thần ác trở" (triệu chứng xấu khi mang thai). Nguyên nhân là tỳ vị suy yếu, mạch đập mạnh... Lấy một con cá chép nặng khoảng 250 g, đánh vảy, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, cho thêm 6 g sa sâm đập nhỏ, 10 g gừng tươi thái mỏng. Bỏ cả hai thứ vào trong bụng cá, hầm chín, ăn trong ngày.
- Làm tăng lượng sữa: Sau khi sinh, nếu không có sữa hoặc ít sữa, có thể dùng một con cá chép nặng khoảng 250 g, một chân giò lợn (loại bé), 3 g thông thảo, hầm thật nhừ, ăn dần 1-2 ngày, sẽ có nhiều sữa.
- Chữa bệnh ứ huyết: Phụ nữ sau khi sinh có thể bị chứng khí huyết ứ trệ, đau bụng dưới, máu xấu không kịp bài tiết ra ngoài... Nên lấy vảy cá chép tán nhỏ, cho vào ít nước, đun sôi, uống với ít rượu nếp.
- Làm tăng công năng dạ dày: Dạ dày của phụ nữ sau khi sinh có thể thay đổi cường độ co bóp. Nên dùng một con cá chép nặng nửa cân, làm sạch vảy và ruột, cho vào nồi nấu canh. Khi cá chín nhừ, cho thêm ít gia vị, hồ tiêu, muối. Ăn cả nước và cái.