Cách cho của mẹ

Nhà mới xây xong, con gái và con trai của chị đều có phòng riêng, tuy nhỏ nhưng khá tiện nghi. Hằng ngày, chị vẫn vào phòng các con nhắc nhở sắp đặt đồ dùng cá nhân ngăn nắp, gọn gàng

15.6
Nhiều lần, các con cứ để đồ đạc bừa bãi ra khắp phòng, chị quở trách rồi bỏ công dọn dẹp hàng giờ. Con chị phụng phịu: “Con bận học, không có thời gian…” hoặc “Món đồ đó con không dùng nữa”… Chị đặt vào góc phòng mỗi đứa một thùng giấy to, bảo món đồ nào không dùng nữa thì bỏ vào đấy.
 
Một thời gian sau, chị vào phòng hai con, kéo hai thùng giấy, trút đồ ra giữa nền nhà và bảo hai đứa phụ giúp mẹ chọn lựa, sắp xếp từng loại vật dụng cho vào từng túi riêng để tặng cho lớp học tình thương trong khu phố.
 
Hai con chị lại phụng phịu: “Cứ chở nguyên thùng đến, người ta sẽ chọn lựa mà”. Chị nghiêm giọng nói: “Của cho không quý bằng cách cho, con à! Đồ tuy cũ nhưng còn dùng được, không thể để hổ lốn mà phải xếp cho gọn gàng, đẹp mắt. Đem đến cho người nghèo dùng cũng là cách tận dụng giá trị của món đồ mà ba mẹ đã tốn không ít tiền mua sắm cho hai con”.

Hai con nghe ra, ngoan ngoãn cùng mẹ phân loại, sắp xếp những món đồ đem cho. Chốc chốc, chị cầm một món hỏi mẹ mua khi nào, nhân dịp gì… Hai con tranh nhau trả lời và kể về dịp đó, bầu không khí trở nên hào hứng, vui vẻ và mọi việc được giải quyết một cách êm đẹp, đâu vào đấy. Chị rất hài lòng, liền khen động viên hai con…

Chị tưởng tượng ra gương mặt rạng rỡ của lũ trẻ khi được chia những món đồ chơi này. Chỉ thế, chị đã cảm thấy vui rồi.
 
Theo Thiên Anh
NLĐ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]