Thật khó để có thể “bắt” một đứa trẻ mới chập chững biết đi vâng lời bạn vì ở độ tuổi này, các bé chưa phân biệt được điều đúng sai, chưa thể hiểu rõ những cái được và không được. Nhưng các mẹ có biết rằng, chỉ bằng các biểu hiện thái độ, giọng nói, ánh mắt… mẹ hoàn toàn có thể truyền tải được thông điệp mình muốn nói và bé sẽ ngoan hơn mà mẹ không cần phải quát mắng.
Dạy trẻ 2 tuổi bằng cách nghiêm giọng thay vì la mắng
Tiến sĩ Martin J. Drell cho biết, khi bạn để cho con thấy mình giận dữ, tức là bạn đã thất bại. Vì khi bạn giận dữ, hoặc là trẻ sẽ thấy sợ, hoặc là sẽ trở nên bướng và lì hơn.
Thay vì giận dữ và la mắng, bạn hãy nghiêm giọng lại và nói với con về việc bé vừa làm là không tốt và đừng quên chỉ ra cho con những hậu quả mà bé đã gây ra.
“Tất nhiên là bé sẽ không hiểu được vấn đề như bố mẹ mong đợi, nhưng đừng vì thế mà không giải thích và nói chuyện với con về những việc bé vừa làm. Cách bạn nói, ngữ điệu, thái độ nghiêm nghị của bạn sẽ làm bé phần nào nhận ra vấn đề. Bé sẽ ít nhiều cảm thấy áy náy, hối lỗi”, Martin J. Drell cho biết.
Xây dựng môi trường làm việc ngay tại gia đình là cách dạy trẻ 2 tuổi
Các thành viên trong gia đình luôn tạo mọi cơ hội cho bé nhìn thấy các việc làm và cách thức làm việc của mình, đồng thời nên giải thích cho bé về việc đó (dù bé có hiểu hay không). Sau đó nên khuyến khích trẻ tham gia vào công việc phù hợp với khả năng.
Ví dụ: Mẹ đang nhặt rau bồ ngót để nấu canh, hãy giải thích và bảo con trai cùng làm hộ. Sau đó mẹ hướng dẫn bé cách nhặt rau, mặc dù có thể cháu làm chưa khéo, làm cho rau bị dập nhưng hãy cho cháu làm để có cơ hội rèn luyện lòng yêu thích công việc cũng như các kỹ năng làm việc nhà ngay từ nhỏ. Có thể tích cực “nhờ vặt” hay gọi là "sai vặt” để trẻ có nhiều cơ hội được làm việc thì bé mới có được kỹ năng. Lưu ý không nên đợi trẻ lớn mới dạy, thậm chí có thể dạy từ khi bé được 16 tháng tuổi, đừng sợ trẻ làm hư, làm vỡ mà làm thay.
Cho trẻ vận động nhiều, đi bộ nhiều
Trí lực của trẻ được phát triển hoàn hảo khi được kích hoạt các giác quan, vận động, ngôn ngữ ngay sau khi sinh.
Ngoài việc dạy trẻ kiến thức, chú ý cho bé vận động tay chân cũng là cách dạy trẻ 2 tuổi được nhiều người áp dụng. Ảnh minh họa
Ví dụ đối với vận động, nếu không để kĩ năng vận động của tay chân được phát huy hết mức thì trẻ không phát triển theo chiều hướng tích cực. Đứa trẻ sẽ không có chiều sâu nội tâm.
Trẻ được khoảng 1 tuổi rưỡi cần phải cho đi bộ với khoảng cách dài nhất có thể được. Nếu cứ cõng, bế, ngồi xe đẩy, xe hơi thì sẽ đánh mất khả năng đi bộ.Trẻ 2 tuổi muốn hoạt động, luôn luôn có nhu cầu vận động chân tay, cơ thể. Nếu đè nén ý muốn này nó sẽ bị ức chế.
Còn nếu biết phát huy ý muốn này, trẻ sẽ trở thành người có khả năng vận động rất tốt. Vì vậy hãy để trẻ đi bộ thật tốt khi được 2 tuổi. Đi bộ coi như bài rèn luyện hàng ngày, cũng là cách để trẻ có đầu óc thông minh hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ đi bộ trên đường bằng phẳng thì chưa hoàn hảo. Phải cho trẻ đi cả đường dốc, gập ghềnh, cầu một thanh, treo bậc thang lên xuống, trẻo bậc, nhảy bậc…
Mẹ ở xa ném quả bóng cho lăn và bảo con chạy lấy quả bóng. Mới đầu trẻ sẽ chạy theo đường quả bóng lăn, sau đó sẽ quan sát hướng đến của quả bóng và chạy đến nhặt quả bóng bằng đường ngắn nhất.
Sử dụng ánh mắt
Bạn đừng quên sử dụng “vũ khí” cực hiệu quả đó là ánh mắt nghiêm nghị. Khi nói với bé về những lỗi lầm mà trẻ vừa gây ra, hãy nhìn thẳng vào mắt con và bắt đầu câu chuyện. Ánh mắt của bạn sẽ giúp bé tập trung, thấy vấn đề là nghiêm trọng và cần phải lắng nghe.
Tuy nhiên, Martin J. Drell cũng dặn dò cha mẹ một điều, đó là “cũng như giọng điệu, bạn đừng nhìn bé với ánh mắt giận dữ mà hãy thể hiện sự nghiêm khắc đúng mực, vì bé đang “đọc” vấn đề từ ánh mắt của bạn”.
Khuyến khích kết quả tốt đẹp trẻ làm được
Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất. Cụ thể cha mẹ hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm. Cần lưu ý hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản. Thay vào đó là những lời động viên tích cực như: con đánh răng sạch quá, miệng con rất thơm vì con đã đánh răng, cảm ơn con vì đã cất dép cho mẹ, cảm ơn con vì đã xách đồ cho mẹ, con đi vệ sinh đúng nơi quy định rồi đó.
Ngoài ra, có thể động viên trẻ bằng các phần thưởng vật chất như con tự ăn cơm mẹ sẽ cho đi công viên, tự đi dép mẹ sẽ cho đi vườn bách thú. Không nên khuyến khích trẻ bằng tiền vì làm cho trẻ hiểu không đầy đủ về giá trị của lao động.
Nói đi đôi với làm
Đôi khi bạn hãy truyền tải cho bé những thông điệp có “trọng lượng”. Thông điệp này đòi hỏi sự mạnh mẽ trong lời nói, ngữ điệu và có hành động kèm theo. Ví dụ khi bạn nói: “Đã đến lúc đi ngủ rồi con yêu” thì hãy kèm theo hành động bế bé hoặc dắt bé đi vào phòng ngủ, đồng thời tắt đèn.
Bé sẽ hiểu rằng, đã đến giờ phải lên giường đi ngủ, không có gì có thể thay đổi được điều đó và sẽ làm theo ý của bạn.
Hãy hướng dẫn trẻ thật cụ thể
Khi bạn muốn bé thu dọn đồ chơi của mình sau khi chơi thì hãy hướng dẫn con thật cụ thể. Đừng bao giờ nói với trẻ dưới 2 tuổi một câu mơ hồ như: “Con hãy cất đồ chơi đi”, mà phải nói: “Con hãy cất con ốc sên màu xanh vào hộp đi”, và kèm theo đó là bạn làm cho bé thấy để ghi nhớ và tự làm lần sau.
“Bé sẽ chẳng hiểu cất cái gì và cất vào đâu vì như đã nói, ở lứa tuổi này ngôn ngữ của bé chưa hoàn chỉnh, bé đang học hỏi rất nhiều, kể cả lời nói. Vì vậy nếu muốn một đứa trẻ dưới 2 tuổi hiểu và biết nghe lời thì cha mẹ phải có hướng dẫn cụ thể”, Tiến sĩ Martin J. Drell cho biết thêm.
Không yêu cầu quá nhiều
Nếu như bạn đã yêu cầu con làm việc gì đó, nhưng bé vẫn chưa thực hiện thì bạn chỉ nhắc nhở lại 1 lần. Nếu bạn nói đi nói lại, bé dễ lầm tưởng bạn đang cáu giận và sẽ có tâm lý tránh xa bạn đấy.
Và khi bạn càng nói, bé càng không nghe thì khả năng bạn sẽ tức giận là rất cao. Mà khi tức giận thì tức là bạn đã thất bại.
Đừng mềm lòng trước ánh mắt của bé
Nhìn vào đôi mắt ngân ngấn nước của con, nhiều bà mẹ đã không thể kiềm chế được lòng mình nên đã vội vã ôm con vào lòng khi vừa mắng bé xong. Hành động đó của bạn đã vô tình xóa bỏ hết “công cuộc” dạy dỗ vừa rồi.
Tiến sĩ Martin J. Drell khuyên các mẹ sau khi răn dạy con xong, bạn hãy để bé “tự ngẫm” trong 5 phút, sau đó mới lại nựng nịu bé.
Dạy bé 2 tuổi dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn
Năng lực phân biệt đúng – sai, tốt – xấu ở lứa tuổi nhi đồng được nâng cao dần theo thời gian. Khi bé 1 – 2 tuổi là giai đoạn bắt đầu hình thành các thói quen. Trong giai đoạn này, bé sẽ dần dần học cách biết được đâu là đúng, đâu là sai, việc gì nên làm, việc gì không nên làm từ thái độ đồng tình hay phản đối của người lớn trong nhà đối với mỗi hành động của bé. Ví dụ các bé thường khóc mè nheo để mọi người chiều theo ý muốn của mình, chỉ cần “lờ” bé đi hoặc dỗ cho bé nín mà không chiều theo bé. Sau vài lần như vậy, bé sẽ tự hiểu khóc mè nheo là không đúng và sẽ không làm vậy khi muốn đòi hỏi nữa.
Từ độ tuổi 3 – 4 trở về sau, bố mẹ không chỉ dùng hành động mà cần dùng lời nói để giảng giải về đúng – sai, tốt – xấu cho bé. Bố mẹ chọn thời điểm thích hợp để giải thích cho bé hiểu vì sao khạc nhổ bừa bãi là không tốt, vì sao đánh người là không nên
Nguyễn Huyền (tổng hợp từ vnexpress, phunuso.net)