Cách làm mâm cỗ cúng Phật và gia tiên ngày Rằm tháng Giêng

(Làm Mẹ) - Trong ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sắm hai lễ, một là cúng Phật cúng thần linh, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ.

31.2069

Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.

Cách chuẩn bị mâm cơm chay cúng Phật

Những món chay vô cùng thơm ngon, hấp dẫn, dễ làm chắc chắn sẽ khiến những tín đồ chay  mê mẩn.

Canh nấm

Canh nấm là món phổ biến trong mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng.

Nguyên liệu:

- 50g nấm hương, 50g nấm tuyết

- 1 củ su hào, 1 củ cà rốt, vài nhánh rau mùi

- hạt nêm chay, muối trắng, tiêu xay

Cách làm:

- Nấm hương, nấm tuyết ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh.

- Su hào, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái quân cờ hoặc tỉa hoa tuỳ thích.

- Cho nấm hương, cà rốt, su hào vào nấu cùng lúc, nêm muối và hạt nêm chay. Khi rau củ gần chín thì cho nấm tuyết vào đun thêm 3-5 phút, nấm tuyết chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào khuấy đều. Múc canh ra bát, rắc rau mùi và hạt tiêu.

Miến trộn

Miến trộn chế biến rất đơn giản.

Nguyên liệu:

- 250g miến

- 5 tai nấm mèo

- 50g đậu phụ trắng

- 1 củ cà rốt

- 1 thìa canh lạc rang giã nhỏ

Cách làm:

- Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh sau đó thái chỉ.

- Vo sạch miến trong nước lạnh. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi tắt lửa, cho miến vào ngâm khoảng 3-5 phút. Tuỳ từng loại miến mà thời gian ngâm khác nhau, khi miến nở vừa tới (chín nhưng không quá mềm) thì đổ miến ra rổ, rửa qua nước lọc rồi dùng đũa xóc đến khi ráo nước miến sẽ tơi ngon. Dùng kéo cắt miến thành đoạn 10cm.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi. 

- Đậu phụ cắt lát mỏng, rán vàng rồi dùng kéo cắt chỉ.

- Bắc chảo lên bếp, cho cà rốt, nấm mèo vào xào, thêm tí nước lạnh để không cháy chảo, nêm muối, đường vừa ăn. Nấm và cà rốt vừa chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào đảo đều rồi cho miến vào dùng đũa xóc đều. 

- Gắp miến trộn ra đĩa, rải đậu phụ bên trên, sau cùng là lạc rang và rau thơm.

* Với cách làm này đĩa miến trộn của bạn sẽ tơi ngon, không bị dính, gia vị được nêm vào rau xào sẽ ngấm qua cho miến có độ mặn vừa phải, người có khẩu vị mặn có chan thêm nước chấm chay chua ngọt hoặc xì dầu. 

Nem rau củ

Nem chay là món không thể thiếu trong mâm cỗ.

Nguyên liệu:

- 1 củ cà rốt, 1 củ khoai tây, 1 củ khoai lang

- 3 tai nấm mèo, 10 cái nấm hương

- 50g miến khô

- 1 tập bánh đa đậu xanh 

- 1 thìa cà phê bơ thực vật

Cách làm:

- Cà rốt, khoai tây, khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, bào nhỏ.

- Nấm tai mèo, nấm hương, ngâm nở, cắt gốc, rửa sạch, thái chỉ.

- Miến ngâm nước lạnh vài phút cho mềm rồi cắt khúc 3cm.

- Cho tất cả nguyên liệu vào thố, nêm muối, đường, mì chính theo khẩu vị gia đình, đeo găng tay nilon vào trộn đều các thứ. Ướp 15 phút rồi cuốn nem bằng bánh đa đậu xanh.

- Bắc chảo dầu lên bếp, cho thêm 1 thìa cà phê bơ thực vật để tạo hương thơm và nem có màu vàng đẹp. Rán nem trong lửa liu riu, khi nem chín giòn thì vớt ra, dựng nem đứng trong bát tô có lót giấy thấm dầu. 

* Nem rau củ chay làm theo cách này sẽ giòn lâu và thơm nức mùi bơ, dậy mùi nấm hương, bùi vị khoai, chấm nước chấm chay chua ngọt nữa thì ngon tuyệt. Món nem rau củ này sẽ làm mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng thêm hấp dẫn.

Chè trôi nước khoai tím

Mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng cũng không cần quá cầu kì, nhiều món.

Nguyên liệu:

- 2 - 3 củ khoai lang tím; 200g bột gạo nếp; 1/4 bát nhỏ đường nâu; 1 nhánh gừng; vừng rang thơm; Đỗ xanh: 200g

Cách làm:

- Khoai lang tím rửa sạch, hấp hoặc luộc chín, tán nhuyễn.

- Trộn khoai lang và bột gạo nếp vào với nhau, vì khoai lang đã ngọt bạn không cần thêm đường, từ từ đổ nước ấm tầm 60 độ C vào.

- Vừa đổ nước vừa dùng tay nhồi đến khi khoai mịn dẻo, đậy kín ủ khoảng 30 phút để bột nở, tùy theo độ hút nước khác nhau của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.

- Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho sạch, hấp chín đỗ, dùng muôi cán mịn hay dùng máy xay, xay đỗ thật mịn với đường cát trắng tùy theo độ ngọt bạn thích.

- Chia bột nếp thành từng phần bằng nhau và viên tròn.

- Đỗ xanh cũng viên tròn nhưng viên nhỏ bằng ½ viên bột nếp.

- Ấn dẹt phần bột ra lòng bàn tay, đặt nhân đỗ xanh vào giữa viên tròn lại. Lần lượt làm như vậy cho đến hết phần nguyên liệu.

- Đun 1 nồi nước sôi, khi nước sôi thả từng viên chè trôi vào đun sôi đến khi viên chè trôi nổi lên, vớt ra bát.

- Ở 1 nồi khác bạn pha khoảng 2-3 bát con nước cùng đường nâu và vài lát gừng cắt mỏng đun sôi rồi thả chè trôi vào đun khoảng 3-4 phút cho phần nước ngấm vào từng viên chè.

- Tắt bếp chút chè ra bát thêm ít vừng rang thơm lên trên.

Mâm cơm chay cúng Rằm tháng Giêng cũng không cần quá cầu kì, nhiều món, cái này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện mỗi gia đình.

Cách chuẩn bị mâm cỗ mặn cúng gia tiên

Thịt Đông

Thịt đông được làm từ thịt ba chỉ và bì lợn.

Thịt đông được làm từ thịt ba chỉ và bì lợn, hầm nhừ, sau khi nấu xong sẽ được lấy ra khỏi bếp, đậy kỹ và phơi sương một đêm. Một miếng Thịt Đông kèm một củ Dưa Hành thì thật đúng nghĩa trong ngày Rằm tháng Giêng.

Giò thủ (Giò mỡ)

Giò là món phố biến trong mâm cỗ.

Nguyên liệu:

- 2 cái tai lợn

- 2 cái lưỡi lợn

- 2 cái chân giò (bỏ xương)

- 2,5 thìa canh nước mắm

- 1 thìa đường

- 2 tép tỏi băm

- 2 nhánh hẹ băm

- 2 thìa canh tiêu đen đập vụn

- 1 nắm mộc nhĩ ngâm nước ½ giờ và để ráo

- Dầu ăn

- 2 – 3 khuôn giò hình trụ

Cách làm:

- Ngâm tai, lưỡi, chân giò sau đó cho vào nồi to luộc 45 phút, tới khi tai lợn mềm nhưng vẫn đủ độ giòn.
 
- Vớt ra và ngâm vào nước lạnh cho nguội và để thịt không bị đen.
 
- Thái mỏng tai lợn. Dùng dao cạo sạch lưỡi lợn và thái miếng mỏng. Lọc bỏ xương ở chân giò rồi thái chân giò thành từng miếng nhỏ.
 
- Trong một chảo chống dính lớn, đổ 1 thìa canh dầu ăn vào, đun nóng rồi phi tỏi, hẹ thơm. Sau đó cho tai lợn, lưỡi lợn và chân giò vào xào. Thêm tiêu, đường, nước mắm và mộc nhĩ. Xào khoảng 10 phút.
 
- Lót nylon vào đáy khuôn hình trụ. Sau đó, nhồi thật chặt tay phần nguyên liệu vừa sơ chế vào khuôn. Nếu có thể, đặt một vật nặng phía trên để nén chặt giò xào bên trong.
 
- Khi nguội hẳn, giò xào sẽ được nén chặt bên trong khuôn và bạn chỉ việc lấy ra, thái và thưởng thức.
 
Món giò thủ này sẽ bớt ngấy nếu được ăn cùng dưa hành hoặc dưa góp.

Miến xào lòng gà

Nguyên liệu:

- Lòng gà: 2 bộ

- Miến: 200 g

- Cà rốt: 1 củ

- Giá đỗ: 1 ít

- Nấm hương: 5 tai

- Mộc nhĩ: 3 tai

- Rau dăm, hành hoa

- Hành khô, dầu ăn, bột nêm, hạt tiêu, mỳ chính.

Cách làm:

- Lòng gà rửa sạch, thái miếng vừa ăn, ướp lòng gà với ½ thìa bột nêm, hành khô băm nhỏ.
 
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở rửa sạch, thái sợi; cà rốt gọt vỏ bào sợi; hành hoa, rau dăm rửa sạch cắt nhỏ, giá đỗ rửa sạch để ráo.
 
- Phi thơm hành với dầu cho lòng gà vào xào chín, cho nấm hương, mộc nhĩ vào xào cùng, thêm 1 thìa nhỏ bột nêm.
 
- Miến ngâm nước lạnh, cắt làm 3-4 đoạn nhỏ.
 
- Khi lòng gà xào chín cho tiếp miến vào xào. Xào với lửa lớn. Thêm gia vị vừa miệng.
 
- Cho tiếp cà rốt vào đảo thật nhanh.
 
- Cuối cùng là giá đỗ, ít hành hoa rau dăm.
 
- Thêm ít mỳ chính, hạt tiêu nếu thích rồi tắt bếp.

Canh măng

Canh măng cũng được nhiều gia đình lựa chọn để cúng rằm.

Nguyên liệu:

- 300g măng khô

- 1 cái móng giò

- Gia vị các loại:

Thực hiện: 

Măng khô các bạn hãy ngâm nước trước khoảng 3 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần. Tiếp đến, các bạn cho măng vào luộc, bỏ ra thái miếng và ướp chung với gia vị.

Sau đó, các bạn cho măng vào xào, cho nước, móng giò hầm đến khi chín nhừ. Khi ăn, bạn hãy múc canh ra bát, cho hành chần lên trên là hoàn thành món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Rằm.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]