Cách bày mâm cỗ cúng giao thừa tại tư gia

(VietQ.vn) - Giao thừa là thời khắc quan trọng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người Việt Nam xưa có phong tục cúng giao thừa với ý nghĩa mang bỏ hết mọi điều không may mắn của năm trước và đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

15.5813

Lễ cúng giao thừa hay lễ Trừ Tịch: Theo tục lệ cổ truyền thì “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ” cùng với việc cúng lễ trong nhà chuẩn bị cho người đến xông đất đầu năm và mang thần tài vào nhà.

Theo quan niệm dân gian thì lễ cúng giao thừa được cử hành ở trong nhà và ngoài trời

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Trên bàn thờ thường có 2 cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5 hoặc gấp 10 lần năm trước.

Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả, phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...

Cúng giao thừa là một nghi lễ thành kính, trang nghiêm

Cúng giao thừa là một nghi lễ thành kính, trang nghiêm. Vì vậy, khi tiến hành nghi lễ giao thừa, toàn thể thành viên trong gia đình đứng trước bàn thờ gia tiên cầu khấn cho một năm mới khỏe mạnh, vạn sự may mắn tốt lành. Lễ vật dùng để cúng giao thừa trong nhà gồm: ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh giầy, bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết. Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn (đọc văn khấn).

Mâm lễ cúng giao thừa giao thừa phải được chuẩn bị chu đáo, trang trọng với lòng thành kính. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì hoá tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng.

Hải Nguyễn (T/h)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]