Cách nào để chống 'nhạc nhái'?

Hơn 20 giáo sư - nhạc sĩ hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp có mặt trong buổi tọa đàm "Nhạc nhái trong nhạc trẻ - thực trạng và giải pháp" ngày 27/5, đã đưa ra nhiều ý kiến trái ngược nhau có nên hay không chuyện đạo nhạc? Tuy nhiên, mọi đánh giá vẫn chỉ nằm trên lý thuyết.

0

Quang Dũng - ca sĩ thành công với ca khúc Còn ta với nồng nàn (Quốc Bảo). 

Đại diện Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM và nhiều nhạc sĩ trẻ, những người có nhiều ảnh hưởng trong buổi tọa đàm, lại vắng mặt không lý do. Ông Đinh Phong - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: "Lẽ ra buổi tọa đàm này phải thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý là Sở VHTT và Sở phải trực tiếp đứng ra tổ chức".

Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, người đề dẫn buổi tọa đàm, đã nêu hai ý kiến cần tranh luận: "Nhạc trẻ phải nhái, nếu không nhái không thành nhạc trẻ" và "Đã là âm nhạc không cần phân biệt nước nào, miễn hay là được". Ông cho rằng đây là sự bế tắc của người sáng tác nhạc trẻ.

Theo giáo sư nhạc sĩ Thế Bảo, sáng tác âm nhạc phải "mới mẻ, hiện đại và có tính dân tộc". Ông không hài lòng khi mới đây trên một tờ báo, nhạc sĩ Quốc Bảo đã viết: "Âm nhạc VN non nớt như trẻ nít nên phải dựa vào âm nhạc thế giới, phải bắt chước". Ông nhắc nhở: "Âm nhạc truyền thống VN có lịch sử lâu đời vô cùng phong phú và đáng tự hào".

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích cho rằng không chỉ trong sáng tác mới có nhái mà cả trong hòa âm cũng nhái. Ông đưa ra dẫn chứng cụ thể ba ca khúc có hòa âm nhái là Còn ta với nồng nàn (Quốc Bảo) nhái nhạc Tchaikovsky, Bản tango xa rồi (Hoài An) nhái một nhạc khúc tango nổi tiếng thế giới và Tình xót xa thôi (Lê Quang) nhái một ca khúc nổi tiếng nước ngoài. Theo ông, kiểu nói "hiểu biết rộng là đưa âm nhạc hay của thế giới vào nhạc Việt" là ngụy biện.

Nhạc sĩ trẻ nhất có mặt tại tọa đàm Trần Minh Phi đã gây sốc cho cử tọa khi khẳng định: "Nhà báo lên tiếng về nhạc nhái nửa vời. Thuốc uống không đủ liều, không đến nơi đến chốn". Theo anh, nhà báo là người quyết định nhạc nhái tồn tại hay không. Anh nêu ra ý kiến cho rằng: "Khi ca khúc được quần chúng yêu thích thì quần chúng là người quyết định sự tồn tại của tác phẩm". Khi quần chúng lên tiếng thì họ lại gạt đi và nói: "Tôi không muốn nghe quần chúng nữa mà phải có hội đồng thẩm định".

Về giải pháp, Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần nêu ra bốn vấn đề. Đầu tiên, tự thân người sáng tạo phải biết kiềm chế bản thân: "đã muốn chôm thì không có biện pháp nào ngăn chặn được". Cạnh đó là trách nhiệm của hội phải bồi dưỡng hội viên về nghề nghiệp và trách nhiệm với nghệ thuật.

Thứ hai, ông nhắc đến vai trò của khán giả và công chúng, phải được hướng dẫn thẩm mỹ để biết từ chối nhạc nhái.

Thứ ba là vai trò của quản lý nhà nước cần được nhấn mạnh vì "quản lý để phát triển chứ không phải cấm cái này dẹp cái kia". Và cuối cùng là "sự tiếp nhận". Âm nhạc là nghệ thuật của sự tiếp nhận, ở đó vai trò của công chúng rất lớn. "Nhạc nhái giống như thực phẩm bị ô nhiễm".

Nhạc sĩ Bích Hợp đề nghị: "Khi phát hiện các ca khúc đoạt giải thưởng của bất kỳ một đơn vị, cơ quan nào "nhái nhạc" thì cần phải rút ngay lại giải thưởng".

Tuy nhiên, các giải pháp phần lớn chưa rõ ràng và chưa thống nhất. Ngoài nhạc sĩ Ca Lê Thuần và nhạc sĩ Bích Hợp, còn lại hầu như không đưa ra được giải pháp nào cụ thể. Sau hơn 2 giờ diễn ra buổi tọa đàm, câu trả lời vấn nạn đạo nhạc vẫn nằm trên lý thuyết, vô cùng mơ hồ.

(Theo Tuổi Trẻ)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]