Cải cách quản trị và hành chính công còn chậm

Sáng nay (14/4), tại Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã công bố kết quả nghiên cứu Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014.

15.6084
Kết quả nghiên cứu chỉ số PAPI 2014 cho thấy, cải cách lĩnh vực hành chính công còn chậm (ảnh minh họa).

Chỉ số PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, phản ánh ý kiến đánh giá và mức độ hài lòng của người dân về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

Đánh giá về thành công của PAPI 2014, bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam – cho rằng: Điểm số PAPI là tấm gương phản chiếu hiệu quả công tác thực thi chính sách pháp luật Nhà nước ở địa phương, với cung ứng dịch vụ công và quản trị có sự tham gia của người dân”.

Chỉ số PAPI đo lường 6 lĩnh vực nội dung, bao gồm: Sự tham gia của người dân, minh bạch, giải trình, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Xu thế biến đổi ở cấp quốc gia qua 4 năm từ 2011 – 2014. Trong năm 2014, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của 13.552 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên cả nước về những vấn đề sát sườn nhất với họ, là một nỗ lực bền bỉ trao cho người dân vai trò giám sát, ghi nhận những kết quả đạt được của chính quyền, đồng thời đưa ra những cảnh báo về những thiếu sót để chính quyền có thể điều chỉnh kịp thời. Đây là một thành công lớn của nghiên cứu, bởi từ đó PAPI cung cấp kho dữ liệu và thông tin lớn chưa từng có phục vụ quy trình theo dõi thực thi và điều chỉnh chính sách. Ý thức được tác dụng của PAPI như một công cụ, cho tới nay, đã có hơn 30 tỉnh và thành phố có những hoạt động phổ biến kết quả PAPI của mình xuống cấp huyện, thậm chí cấp xã, và chỉ đạo, lập ban dự án làm việc cụ thể với những số liệu có được, nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động của chính quyền và cải thiện mức độ hài lòng của người dân.

Kết quả cấp tỉnh của Chỉ số PAPI 2014 được TS Đặng Hoàng Giang trình bày cho thấy, điểm trung bình của toàn quốc có phần suy giảm ở lĩnh vực đầu và chỉ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên ở năm lĩnh vực còn lại. “So với năm ngoái 2013, sự suy giảm còn rõ rệt hơn, xảy ra trong 5 lĩnh vực, chỉ trừ lĩnh vực cung ứng dịch vụ công” – TS Đặng Hoàng Giang nói. Trên toàn quốc, chỉ 16% người dân biết tới thông tin về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương mình, mặc dù điều này đã được quy định rõ trong Pháp lệnh dân chủ cơ sở, và là một trong những mối quan tâm cơ bản nhất của người dân. Con số này đã giảm 20% so với 4 năm trước.

So với mấy năm trước, tình hình tham nhũng vặt có chiều gia tăng nhẹ. 49% người dân cho rằng phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công. 43% phải đưa phong bì để được chú ý hơn khi khám bệnh. 33% cần “bôi trơn” khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 30% phải đưa phong bì cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn.

Khác với mọi năm, PAPI năm 2014 không xếp hạng thứ tự theo tỉnh, thành phố mà phân theo các nhóm hiệu quả (nhóm đạt điểm cao nhất, nhóm đạt điểm trung bình cao; nhóm đạt điểm trung bình thấp và nhóm đạt điểm thấp nhất) trên 6 chỉ số nội dung của PAPI. Kết quả cho thấy, không có tỉnh, thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. Quảng Bình nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở 5 chỉ số nội dung, trừ chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”. Các tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Long, Nam Định, Long An, Bình Định và Quảng Ngãi có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở 4 chỉ số nội dung. Tỉnh Hà Giang có tên trong nhóm tỉnh đạt điểm thấp nhất ở 6 chỉ số nội dung. Lai Châu, Cao Bằng, Khánh Hòa là những địa phương thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở năm chỉ số nội dung. TP. Hồ Chí Minh đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”, thuộc nhóm điểm trung bình thấp ở “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và thuộc nhóm trung bình cao ở 4 chỉ số nội dung còn lại.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]