Cải cách hành chính chưa chuyển biến nhiều

Nhiều đại biểu đề nghị HĐND TPHCM cần quyết liệt hơn với việc truy trách nhiệm các sở, ngành và UBND TP trong từng nhiệm vụ cụ thể Làm sao để hoạt động lãnh đạo, điều hành của HĐND, UBND TP hiệu quả hơn, thực chất hơn trong năm 2008 là vấn đề được các đại biểu (ĐB) thảo luận sôi nổi vào ngày 6-12, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 12- HĐND TPHCM khóa VII.

15.5757
Phải có những hội nghị chuyên đề ĐB Nguyễn Thế Dũng đề xuất: “Có 5 vấn đề trọng tâm mà HĐND TP cần tổ chức chuyên đề để ĐB bàn bạc, tranh luận và cùng đưa ra giải pháp thực hiện: Xã hội hóa giáo dục, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy họach và cải cách hành chính (CCHC)”. Theo ông Dũng, sau khi thống nhất cách làm, UBND TP cần thông tin cụ thể cho HĐND và người dân được biết. ĐB Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị ngay trong quý I/2008, HĐND TP phải tổ chức hội nghị chuyên đề về quy trình tổ chức đấu thầu, thi công các dự án để ĐB biết vướng ở đâu để “trị bệnh” công trình chậm trễ. “Tại sao chỉ một gói thầu số 7 dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà lãnh đạo TP phải mất nhiều thời gian giải quyết đến thế?”, ĐB Quang than phiền.
“Tôi thấy những chất vấn mà ĐB đặt ra với UBND TP thường bị buông trôi. Vì vậy, HĐND TP phải làm cách nào đó để UBND TP giải quyết những vấn đề tồn tại quá lâu”.

(Đại biểu Đặng Văn Khoa)

Nhiều ĐB cũng cho rằng HĐND TP cần quyết liệt hơn với việc truy trách nhiệm các sở, ngành và UBND TP trong từng nhiệm vụ cụ thể. Nếu không, các nghị quyết HĐND TP đã ban hành cũng chỉ là hình thức và bị xem nhẹ. Năm 2008: Tiếp tục năm CCHC Nên chọn năm 2008 tiếp tục là năm CCHC, vì liên tiếp hai năm 2006 và 2007, kết quả CCHC TP chưa có chuyển biến nhiều - ý kiến này được rất nhiều ĐB đặt ra. ĐB Nguyễn Văn Quang đề nghị HĐND TP cần có hội nghị để đánh giá lại 2 năm thực hiện CCHC, vì năm nay chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM đã tụt 3 hạng so với năm trước do những hạn chế của thủ tục hành chính. ĐB Nguyễn Văn Bạch dẫn chứng: “Qua lấy ý kiến nhân dân về cán bộ chủ chốt, dù có 228 cán bộ là chủ tịch UBND, HĐND phường, xã có số phiếu tín nhiệm trên 50% nhưng không ít người vẫn còn hạn chế về phẩm chất, năng lực. Đã có 43 cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách đến thôi việc do tiêu cực”. Vì vậy, theo ĐB Bạch, TP cần quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức cán bộ công chức hơn nữa, nếu không sẽ làm mất lòng tin trong nhân dân. “Tiếp sau chủ tịch UBND quận Gò Vấp, gần đây chủ tịch UBND huyện Hóc Môn lại tham nhũng phải ra tòa”, ĐB Bạch lo lắng. ĐB Nguyễn Việt Dũng góp ý: “HĐND TP nên quan tâm hơn về chính sách lương bổng, chế độ cho cán bộ để làm sao thu hút cán bộ có năng lực làm việc”. Trợ giá xe buýt: Tiền hậu bất nhất
... và Nguyễn Văn Quang bức xúc trước thực trạng cải cách hành chính ở TP chưa chuyển biến nhiều. Ảnh: T. THẠNH
Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là việc trợ giá xe buýt. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, cho biết: “UBND TP đề xuất mức trợ giá xe buýt năm 2008 là 450 tỉ đồng so với 540 tỉ đồng năm 2007. Việc trợ giá xe buýt còn rất nhiều vấn đề như chi tiền trợ giá chưa rõ ràng do thiếu sổ sách chứng từ, cách tính tiền trợ giá giữa Sở GTCC và Sở Tài chính không thống nhất”. ĐB Lê Như Ái đặt câu hỏi: “Năm nào cũng chi tiền trợ giá xe buýt nhưng không thấy quyết toán là thế nào? Tôi kiến nghị bổ sung vào chương trình giám sát của HĐND TP năm 2008 nội dung về chi tiền trợ giá xe buýt”. N gay cả mức trợ giá đưa ra cũng bị các ĐB cho là tiền hậu bất nhất. Ông Nguyễn Minh Hoàng dẫn chứng: “Năm 2007 Sở GTCC đưa ra mức trợ giá 650 tỉ đồng nhưng sau khi được chỉ đạo tìm cách giảm, sở lại đưa ra con số 540 tỉ đồng”. Ông Hoàng so sánh: Năm 2007, Hà Nội chỉ chi 150 tỉ đồng trợ giá cho 350 triệu lượt hành khách, trong khi số lượt hành khách dự đoán trong năm 2008 của TPHCM là 335 triệu lượt mà tiền trợ giá lại nhiều hơn. “Thiếu báo cáo của các sở, ngành cộng với việc chưa có một sơ kết về trợ giá xe buýt nên HĐND TP chưa đủ cơ sở để cắt giảm trợ giá xe buýt”, ông Hoàng kết luận. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC TPHCM, ngành sẽ cắt giảm dần các tuyến xe buýt trợ giá khi lượng khách đã ổn định. “Năm 2008, UBND TP tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu giảm mức trợ giá bằng cách đấu thầu các tuyến xe buýt. Vì vậy, dù số lượt hành khách tăng 13% nhưng trợ giá năm 2008 lại giảm 12% so với năm 2007, chỉ còn 450 tỉ đồng”, ông Phượng giải thích.
Thông qua 4 nghị quyết

Chiều 6-12, HĐND TPHCM đã thông qua 4 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về tổng quyết toán ngân sách năm 2006, Kế hoạch biên chế sự nghiệp hành chính năm 2008, Quy định về một số chính sách hoạt động của HĐND TP và Chương trình giám sát của HĐND TP năm 2008.

Riêng dự thảo Nghị quyết về dự toán và phân bổ ngân sách năm 2008 được dời lại đến buổi họp sáng 7-12 để thảo luận thêm.

QUÝ HIỀN - MỸ NHUNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]