Cân đo cách dạy con tại Pháp và Mỹ (P.2)

Uy lực là một trong những sắc thái ấn tượng nhất trong cách dạy con của người Pháp. Có lẽ là kỹ năng khó nhất cho các bậc cha mẹ.

0

Nói không một cách uy lực

Các phụ huynh Pháp cảm thấy khó tin rằng ở Mỹ người ta ít quan tâm tới việc dạy trẻ em biết kiên nhẫn chờ đợi. Một cặp vợ chồng người Paris kể lại cho tôi nghe kỷ niệm của họ về thời gian họ sống ở Nam California, một gia đình Mỹ mời họ tới chơi nhà. Nhiều năm sau, họ vẫn nhớ ấn tượng về những đứa trẻ Mỹ thường xuyên ngắt lời người lớn trong câu chuyện, và không thời gian cố định nào cho việc ăn vặt, bọn trẻ Mỹ bất cứ khi nào cũng có thể mở tủ lạnh và lấy đồ ăn mà chúng thích. Đối với người Pháp, trẻ em Mỹ hành xử như thể chúng mới là người chủ gia đình.

Điều người Pháp lấy làm lạ, là các phụ huynh Mỹ không biết nói ‘không’. Điều đó có nghĩa là trẻ em Mỹ không có được những khuôn phép chắc chắn, còn các bậc phụ huynh Mỹ thì bị thiếu quyền uy. Các phụ huynh Pháp thì ngược lại, họ luôn hành xử theo một khuôn phép (cadre) trong việc dạy con. Khuôn phép nghĩa là có những giới hạn rất chắc chắn mà đứa trẻ phải chấp hành theo, nhưng ngược lại, các phụ huynh Pháp giao cho con cái khá nhiều quyền tự do và độc lập, miễn là chúng cư xử trong vòng khuôn phép.

Uy lực là một trong những sắc thái ấn tượng nhất trong cách dạy con của người Pháp – và có lẽ là kỹ năng khó nhất cho các bậc cha mẹ. Nhiều vị phụ huynh Pháp mà tôi gặp có được vẻ uy lực một cách dễ dàng, tự nhiên, và bình thản trước con cái, điều khiến tôi phải ghen tị. Đó là điều khiến trẻ em Pháp thực sự phải nghe lời cha mẹ, thay vì tảng lờ, cãi lời, hoặc kỳ kèo.

Pamela Druckerman và ba con của cô. Ảnh: Emmanuel Fradin/WSJ

Một buổi sáng Chủ nhật, Frédérique, cô hàng xóm của tôi, phải chứng kiến tôi vất vả cố gắng kiểm soát con trai mình, Leo, khi đó mới 2 tuổi. Leo là đứa bé rất lanh lẹ, và khi ngồi trong công viên, nó thường xuyên tìm cách trốn ra ngoài cổng, khiến tôi phải liên tục canh chừng.

Frédérique mới cách đây 3 tháng có nhận nuôi một đứa trẻ 3 tuổi tóc đỏ từ một trại mồ côi của Nga. Nhưng chỉ cần 3 tháng trong vai trò làm mẹ, với phẩm chất cố hữu của người Pháp, cô ta đã có cái nhìn khác hẳn so với tôi về cách thể hiện uy lực.

Trong khi tôi và Frédérique ngồi trong công viên, Leo luôn tìm cách lẩn ra ngoài cổng. Mỗi lần như vậy tôi lại phải đuổi theo, la mắng, và kéo đứa bé về trong khi nó gào thét. Ban đầu Frédérique chỉ quan sát một cách im lặng. Nhưng rồi cô ta không giữ sự tế nhị nữa, và nói rằng nếu cứ lúc nào cũng chạy theo Leo, thì chúng tôi không thể nào ngồi nói chuyện yên ổn được vài phút.

‘Đúng vậy’, tôi nói. ‘Nhưng tôi có thể làm gì được?’ Frédérique cho rằng tôi nên nghiêm khắc với Leo. Tôi nói rằng đã mắng Leo trong suốt 20 phút đấy thôi.

Frédérique chỉ mỉm cười, và khuyên rằng tôi nên nói ‘không’ một cách mạnh mẽ hơn. Tôi e là Leo có thể cảm thấy sợ, nhưng Frédérique nói rằng tôi chớ có lo. Lần tiếp theo Leo chạy ra ngoài cổng, tôi ‘không’ một cách đanh sắc hơn bình thường. Nhưng nó vẫn chạy ra ngoài. Tôi đuổi theo và lôi nó về. ‘Cô thấy không?’, tôi nói. ‘Không thể trị nó được’.

Frédérique lại cười và bảo tôi đừng nên quát to, chỉ nên nói với âm điệu có trọng lượng hơn. Nhưng Leo vẫn không chịu nghe lời lần tiếp theo. Nhưng dần dần tôi cảm thấy tiếng ‘không được’ của tôi đã có vẻ thuyết phục hơn. Âm thanh vang lên không to hơn, nhưng có tính tự tin và chắc chắn hơn. Tới lần thử thứ tư, khi tôi hoàn toàn cảm thấy sự tự tin ở trong mình, Leo vẫn tới gần cái cổng – nhưng kỳ lạ thay – không mở cánh cửa ra. Nó quay lại nhìn tôi một cách đề phòng. Tôi mở to mắt ra và cố tỏ vẻ không chấp thuận. 

Sau khoảng 10 phút, Leo không còn tìm cách trốn ra nữa. Dường như nó quên mất về cái cổng và chỉ tập trung chơi với những đứa trẻ khác, trong khi tôi và Frédérique có thể ngồi duỗi chân thoải mái trò chuyện. Tôi vẫn còn sốc vì đột nhiên Leo bỗng nhìn tôi như một nhân vật đầy quyền uy.

‘Bạn thấy đấy’, Frédérique nói. ‘Vấn đề là ở sắc thái giọng nói’. Đó là lần đầu tiên, tôi được thấy con mình tỏ ra ngoan ngoãn hệt như một đứa bé Pháp.

Walter Mischel, một giáo sư 80 tuổi ngành tâm lý học của Đại học Columbia, Mỹ. Ông là chuyên gia hàng đầu thế giới về phương pháp dạy trẻ biết trì hoãn hưởng thụ. Mischel nổi tiếng với ‘thí nghiệm kẹo mềm’ hồi cuối thập kỷ 1960, khi ông làm việc ở Đại học Stanford. Trong thí nghiệm này, những đứa trẻ tầm 4-5 tuổi được dẫn vào một căn phòng, trong đó trên bàn đặt một viên kẹo mềm. Người làm thí nghiệm dặn đứa trẻ rằng anh ta sẽ phải vắng mặt một lát, và nếu khi quay lại mà đứa trẻ vẫn chưa ăn viên kẹo mềm, thì sẽ được thưởng thêm một viên kẹo mềm nữa. Còn nếu đứa trẻ ăn mất viên kẹo mềm thì sẽ không được thưởng.

Đa số các đứa trẻ thường chỉ có thể chờ trong vòng 30 giây. Cứ ba đứa trẻ thì chỉ có một đứa có thể chờ đợi đủ 15 phút. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bí quyết để đứa trẻ chờ đợi lâu như thế mà không ăn mất viên kẹo, là nhờ nó biết tự phân tán sự chú ý của mình sang việc khác.

Tới giữa thập kỷ 1980, giáo sư Mischel và các cộng sự nhận ra rằng những đứa trẻ biết trì hoãn hưởng thụ khi tham gia thí nghiệm trước đây, lúc lớn lên đã trở thành những người có khả năng tập trung và suy luận tốt hơn, và ‘không bị suy sụp khi gặp phải áp lực’.

Liệu việc dạy cho trẻ em biết trì hoãn hưởng thụ - như các bậc phụ huynh trung lưu ở Pháp vẫn làm – thực sự khiến chúng trở nên bình tĩnh hơn và vững vàng hơn? Liệu có phải điều này phần nào lý giải tại sao những đứa trẻ từ các gia đình trung lưu Mỹ, do được đáp ứng các nhu cầu ngay tức thời, nên thường ít có khả năng chịu đựng các áp lực? Giáo sư Mischel cho rằng so với ở trẻ em Pháp, dường như trẻ em Mỹ kém khả năng tự kiểm soát hơn.

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]