Cận thị - Bệnh học đường phổ biến nhất

GiadinhNet - Tật khúc xạ là bệnh học đường phổ biến nhất và đang có xu hướng gia tăng tại các trường học Việt Nam trong những năm gần đây.

15.5734
Kết quả khảo sát của BV Mắt TƯ về tật khúc xạhọc sinh phổ thông, thực hiện tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng trên tổng số 2.280 học sinh cho thấy, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh là 26,4%, trong đó tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh thành thị là 26,9%, nông thôn là 14,4%.

Tại Hà Nội, nghiên cứu của BV Mắt Hà Nội năm 2008, thực hiện tại 4 quận, huyện cũng cho thấy, tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học và THCS khá cao: 27,86% học sinh thành thị bị cận thị, ở khu vực nông thôn là 17,95%.
 
(Ảnh minh họa: VnExpress)

TS Nguyễn Chí Dũng, BV Mắt TƯ cho biết, nguyên nhân của thực trạng này là do nhu cầu sử dụng thị lực nhìn gần trong học tập và sinh hoạt ngày càng tăng cao; cường độ học quá nhiều, quá căng thẳng; kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn; tư thế ngồi học không đúng;  thiếu ánh sáng...

Hiện cả nước có trên 36.000 trường học thuộc các cấp học khác nhau, với gần 25 triệu học sinh, sinh viên, chiếm khoảng 26% tổng dân số. Do đó, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này là rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống y tế học đường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, khó khăn lớn nhất cho công tác này là thiếu kinh phí, cán bộ. Nhiều trường vẫn chưa có cán bộ làm công tác y tế học đường, ngay cả những trường đã có cán bộ thì phần lớn là những người chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ y tế. Hầu hết các phòng y tế trong trường học còn thiếu thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, thậm chí còn rất nhiều trường không có phòng y tế, trạm y tế...

Ngay tại các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện, mạng lưới cán bộ làm công tác y tế trường học cũng còn thiếu nhiều về số lượng và chất lượng; không có đủ các thiết bị máy móc để đánh giá các yếu tố nguy cơ trong trường học ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh, sinh viên.

Trong giai đoạn 2010-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh học đường sẽ tập trung can thiệp cho học sinh các bậc tiểu học, THCS và THPT trong cả nước. Đây là lứa tuổi đang phát triển và hoàn thiện về thể chất, tinh thần trong khi lại phải đối phó nhiều với nguy cơ bệnh tật. 
 
Quảng Hà
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]