Cận thị học đường bệnh có thể tránh!

Theo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP. Hồ Chí Minh, chỉ số ít học sinh bị cận thị di truyền, còn hầu hết do ảnh hưởng trong quá trình học tập, sinh hoạt như đọc sách thiếu ánh sáng, kích thước bàn ghế không phù hợp, tư thế sai, tiếp xúc máy tính nhiều...

31.2023

Theo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP. Hồ Chí Minh, chỉ số ít học sinh bị cận thị di truyền, còn hầu hết do ảnh hưởng trong quá trình học tập, sinh hoạt như đọc sách thiếu ánh sáng, kích thước bàn ghế không phù hợp, tư thế sai, tiếp xúc máy tính nhiều...

Bậc học càng cao càng... cận

Viện Mắt TP. HCM cho biết, gần 40% học sinh thành phố đang bị tật về khúc xạ, đặc biệt là cận thị. Tỷ lệ học sinh TP. HCM cận thị đang phát triển theo hướng năm sau cao hơn năm trước khoảng 3%, theo tính toán của cán bộ y tế học đường các trường tại thành phố. Không chỉ ở cấp THCS, THPT, tỷ lệ học sinh tiểu học bị cận thị cũng đang gia tăng đáng kể.

 Ở Hà Nội và TP. HCM, tỷ lệ học sinh bị cận khá cao. Ảnh: B.A
 
Ví dụ, Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình) có gần 200 em cận thị, chiếm hơn 13%. Tại Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), tỷ lệ này ở học sinh lớp 1 là gần 12%, và lớp 5 là 23%. Ở trường Trần Đại Nghĩa, tỷ lệ học sinh cận thị của trường tăng đáng kể trong vòng 4 năm gần đây. Đơn cử, năm học 2004 - 2005, tỷ lệ học sinh khối 6 trường này bị cận thị là 65%, khối 10 là 68%, khối 12 gần 73%. Nhưng tới năm học 2006 - 2007, con số này ở khối 6 tăng lên gần 78%, và khoảng 88% ở khối 10. Các cán bộ phụ trách y tế học đường đều có chung nhận xét, cận thị luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh học đường và tỷ lệ này sẽ tăng 2 - 3 lần khi các em bước vào bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh ngoại thành TP. HCM bị cận thị ít hơn các em ở nội thành 5 - 15%.Sở dĩ như vậy là do điều kiện sống của các em ở thành phố tiếp xúc quá nhiều với tivi, máy vi tính, sách, truyện... khiến mắt phải điều tiết quá tải. Học sinh ngoại thành có tỷ lệ cận thị thấp hơn là do các em phải làm việc nhiều hơn sau giờ học, hơn nữa, các trường ở ngoại thành không gian rộng, nhiều ánh sáng tự nhiên.

Tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh cận thị đang ở mức khá cao. Năm học vừa qua, Bệnh viện Mắt Hà Nội tổ chức khám mắt cho 18 nghìn học sinh của 24 trường tiểu học, THCS, kết quả có đến 25% trong số đó bị tật khúc xạ, chủ yếu là loạn thị và cận thị. Tỷ lệ cận thị ở các trường nội thành cao hơn ngoại thành đến 2-3 lần. Càng các lớp chuyên, lớp chọn, trường chuyên, tỷ lệ học sinh bị cận thị càng cao, có nơi chiếm đến 60% tổng số học sinh.

Bước vào năm học 2008-2009, Hà Nội đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để thực hiện dự án tăng cường chiếu sáng học đường. Nhiều nơi còn tính đến cả việc tăng cường hệ thống chiếu sáng chống cận cho bậc học mầm non như quận Ba Đình. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất được cải thiện không đi đôi với việc tỷ lệ học sinh mắc các bệnh học đường, đặc biệt là tật về mắt càng gia tăng. Thực trạng này vẫn khiến các nhà quản lý và các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.

Cần sớm nhận biết để điều trị

Nguyên nhân đưa ra thì có nhiều, học sinh phải đeo kính cận sớm là do tư thế ngồi học sai, do đọc truyện tranh giấy đen, chữ nhỏ, do xem tivi quá nhiều, có học sinh còn tranh thủ đọc trộm truyện tranh dưới ngăn bàn hay chỗ thiếu ánh sáng... Thêm vào đó là hiện có đến 3/4 cơ sở trường học không đạt yêu cầu về quy chuẩn. Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội đã sử dụng đèn chống cận, bảng chống lóa, bàn ghế được đóng theo đúng kích cỡ, tuy nhiên, có một số học sinh bé so với tuổi nên bàn ghế thành quá kích cỡ. Hơn nữa, số trường làm được đồng bộ như vậy không nhiều.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu, khi xem tivi hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy, hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn; kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ. Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa; dụi mắt mặc dù không buồn ngủ; sợ ánh sáng hoặc chói mắt; không thích các hoạt động liên quan tới thị giác như vẽ hình, tô màu hay tập đọc; khi đọc hay bị nhảy hàng, hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ.

Các bác sĩ chuyên ngành mắt cho biết, lứa tuổi mắc cận thị nhiều nhất là 11- 16. Nếu không phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tật cận thị sẽ nặng hơn, thậm chí dẫn đến lác và nhược thị. Với trẻ em, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ bởi 80% lượng thông tin mà não thu nhận được là qua mắt. Do cận thị không phải là bệnh gây tác hại tức thì nên bị nhiều phụ huynh, giáo viên xem nhẹ. Tuy nhiên, về lâu dài, bệnh này có thể khiến trẻ học hành sút kém, thể lực yếu, dễ bị tai nạn trong sinh hoạt... ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai.

Bình An

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]