Cận thị: Những điều cần biết

Cận thị hiện nay đã trở thành một tật rất phổ biến ở hàng triệu trẻ em ở nước ta cũng như trên thế giới. Từ khi trò chơi điện tử và máy vi tính ra đời thì cận thị đã phát triển nhanh hơn, đặc biệt tại các thành phố lớn và các trường chuyên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt và học tập.

15.5921

Đọc E-paper

Cận thị và điều trị

Các nguyên nhân được tìm thấy do trẻ ngày nay ít vui chơi, vận động ngoài trời mà dành quá nhiều thời gian cho việc dùng mắt để học, chơi điện tử. Trẻ học nhiều và đọc sách truyện, xem tivi, ngồi trước màn hình máy tính liên tục, tư thế không đúng do bàn ghế ngồi không thoải mái, bảng lóa, ánh sáng đèn phòng đọc, phòng học không đủ hoặc không phù hợp, hay do thói quen đọc sách gần của trẻ không được sửa ngay từ đầu. Cận thị do di truyền cũng khá cao.

Khi cận thị mà không đeo kính thì mắt trẻ khi nhìn, đọc phải tập trung cao độ để điều tiết độ sáng sẽ làm cho mắt bị cận thị nặng hơn. Vì vậy, khi đã cận thị, được bác sĩ nhãn khoa chỉ định đeo kính cận thì mỗi khi đọc sách hay học bài, xem tivi... đều phải đeo kính, còn những lúc vui chơi bên ngoài thì không cần đeo. Tuy nhiên, nếu bị cận thị nặng thì việc đeo kính thường xuyên là bắt buộc để bảo đảm an toàn.

Tùy vào độ cận và sự tiến triển, thời gian cận, độ tuổi cũng như các bệnh lý bất thường kèm theo mà bác sĩ nhãn khoa sẽ quyết định cách thức điều trị. Có thể là đeo kính có độ cận phù hợp (kính sát tròng hoặc kính ngoài), phẫu thuật khi có chỉ định như cận nặng trên 5 độ và trên 23 tuổi.

Phòng tránh bệnh cận thị

- Không nên xem sách báo, viết chữ dưới trời nắng, dưới ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu.

- Không đọc sách hay viết liền trong một thời gian dài. Sau 1 giờ đọc hoặc viết thì nên nghỉ một lát, nhìn ra xa cho mắt nghỉ ngơi. Cũng không nên xem tivi, sử dụng vi tính suốt 2 - 3 giờ liền.

- Không đọc sách hay viết chữ quá gần mắt, khoảng cách tối ưu là từ 30 - 50cm, tối thiểu 25cm. Chú ý bàn ghế vừa tầm. Khi xem tivi, khoảng cách giữa mắt và màn hình tốt nhất là trên 2m.

(Hướng dẫn của ngành y tế về kích cỡ bàn ghế học sinh: Bàn ghế phải rời nhau, ghế phải có thành tựa. Chiều cao bàn bằng 42% chiều cao cơ thể. Chiều cao ghế bằng 26% chiều cao cơ thể. Chiều ngang tối thiểu cho một chỗ ngồi là 0,4 - 0,5m).

- Tư thế ngồi học tập ngay ngắn. Không nên để đầu nghiêng ngả khi viết. Tránh nằm đọc sách hoặc vừa đi vừa đọc, không nên đọc sách khi đi tàu xe.

- Cần hình thành thói quen thường xuyên làm động tác khép nhẹ mắt sau những lúc đọc sách, viết bài.

- Bố trí ánh sáng đèn trắng, đủ sáng, không chiếu thẳng vào mắt hay màn hình, phải rọi thẳng vào sách vở, mặt bàn, lưu ý không được thấy bóng của bàn tay cầm viết trên sách, vở.

- Dinh dưỡng bổ mắt: Ăn nhiều rau lá xanh, củ quả vàng đậm, trái cây tươi, tối thiểu 2 bữa cá mỗi tuần, gan, trứng, dầu nành, dầu mè... để đủ vitamin A, vitamin C, vitamin E, acid béo thiết yếu omega-3, omega-6...

Khi thấy các em hay dụi mắt, nheo mắt, cúi đầu sát xuống tập, sách, xem tivi gần, đưa vật lên nhìn quá gần mắt, hay nhức đầu sau khi học... thì nên nghĩ đến việc đã bị cận thị, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám mắt và điều chỉnh các nguyên nhân gây ra cận.

Vitamin A: "Thức ăn" cho mắt

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển xương, sinh sản, sự phân bào, sự sao chép gen. Vitamin A còn giúp điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách tạo bạch cầu chống lại vi trùng và vi rút gây bệnh. Chức năng đặc trưng nhất của vitamin A là tác dụng lên võng mạc mắt.

Bình thường, mắt có thể thích nghi với sự thay đổi sáng - tối một cách nhanh chóng, khi thiếu vitamin A thì mắt dễ bị lóa và mất thời gian lâu mới điều chỉnh được.

Vitamin A còn giúp thúc đẩy sự phát triển và biệt hóa tế bào biểu mô ở da, mắt, hô hấp, tiết niệu và ống tiêu hóa. Tế bào biểu mô liên tục được thay thế bằng các tế bào mới nên vitamin A cần được cung cấp thường xuyên cho cơ thể.

Những mô nhạy cảm nhất với sự thiếu vitamin A là da, đường hô hấp, tuyến nước bọt, mắt và tinh hoàn. Do đó, khi thiếu vitamin A dễ dẫn đến sừng hóa biểu mô giác mạc có thể gây loét và mù lòa (gọi là bệnh khô mắt).

Retinol là một dạng hoạt chất của vitamin A được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt, cá, trứng, sữa toàn phần và một số thức ăn bổ sung. Tiền vitamin A carotenoid là những sắc tố sậm màu ở thực phẩm có nguồn gốc thực vật, có thể được chuyển thành vitamin A, có nhiều trong rau quả xanh và vàng đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…).

Thiếu vitamin A làm cho trẻ chậm lớn, dễ bị nhiễm trùng nặng ở đường hô hấp, tiêu hóa như viêm mũi họng, viêm phổi, tiêu chảy, quáng gà, nhiễm siêu vi như sởi... Khi thiếu vitamin A nặng gây ra bệnh khô mắt, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

Trẻ dưới 5 tuổi dễ bị thiếu vitamin A, đặc biệt là trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Cho trẻ bú mẹ sớm trong 30 phút đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu và kéo dài 18 - 24 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được cung cấp vitamin A qua nguồn sữa mẹ quý giá.

Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm (từ lúc 6 tháng) và ăn đầy đủ, thường xuyên những thực phẩm giàu vitamin A như thịt, cá, trứng, gan, sữa; các loại rau lá có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau lang, rau dền; các loại củ quả màu vàng cam hay đỏ đậm như gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, cam, cà chua...

>
>
>

BS. ĐÀO THỊ YẾN THỦY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]