Chất gây ung thư được kiểm soát như thế nào?

Sản lượng tiêu thụ nước tương trên cả nước rất lớn. Vậy những người có trách nhiệm nói gì về việc kiểm soát chất gây ung thư?

15.5808

Bác sĩ Trần Văn Ký (phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN): “Không làm đến nơi đến chốn”!

* Thưa ông, năm 2001 Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã phát hiện trong nước tương có chứa chất gây ung thư. Vậy tại sao sáu năm qua nước tương vẫn tồn tại các chất này?

Vẫn tồn tại vì cơ quan quản lý không làm một cách triệt để. Ai cũng biết sử dụng hóa chất công nghiệp để sản xuất (SX) thực phẩm sẽ gây hại sức khỏe con người. Nhưng cơ quan chức năng “bỏ qua”, đến kiểm tra cũng chẳng đoái hoài gì chuyện đó cả!

* Làm sao biết các cơ sở dùng hóa chất thực phẩm hay công nghiệp để SX?

Về nguyên tắc tất cả hóa chất, nguyên liệu dùng để SX phải được công bố chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và phải là hóa chất thực phẩm. Tức là phải công bố dùng xút, acid clohydric nguồn gốc ở đâu, công bố chất lượng ở đâu, có phải hóa chất thực phẩm không.

* Vậy các cơ sở SX công bố chất lượng thế nào?

Khi công bố có cơ sở chỉ nói chung chung về công nghệ SX, thành phần gồm những gì... Cũng có nơi công bố nhưng chỉ là công bố trên... giấy, không ai kiểm soát việc công bố cả.

* Vậy ai chịu trách nhiệm về việc này?

Muốn nước tương không có chất gây ung thư, không chỉ là thay đổi qui trình công nghệ SX mà phải thay đổi cả hóa chất công nghiệp thành hóa chất thực phẩm. Trách nhiệm là của các cơ quan quản lý nhà nước. Họ biết nhưng lại không làm đến nơi đến chốn, không dứt điểm.

* Thưa ông, một số cơ sở SX nước tương cho biết họ muốn thay đổi công nghệ SX nhưng không có khả năng và không ai giúp họ?

Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM đã nghiên cứu ra công nghệ mới SX nước tương giúp làm giảm chất 3-MCPD đạt đến mức tiêu chuẩn cho phép. Công trình nghiên cứu đã được họp báo công bố. Tuy nhiên mới chỉ vài đơn vị áp dụng phương pháp đó.

* Bộ Y tế đã ban hành tiêu chuẩn hàm lượng 3-MCPD cho phép có trong nước tương (1mg/kg). Thực tế vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm, sao không thấy bị xử phạt?

Qui định có hết cả rồi. Anh quản lý khi kiểm tra thấy chất đó vượt mức cho phép thì phải thu hồi trên toàn quốc, tiêu hủy, thậm chí buộc phải ngưng SX. Nhưng từ trước đến nay chưa thấy hủy toàn bộ một sản phẩm thực phẩm nào. Phải hủy, đốt và công khai trên báo chí và truyền hình để chứng minh là đã tiêu hủy.

* Vậy chẳng lẽ người tiêu dùng phải ngưng không ăn nước tương hay sao?

Nếu anh nào tự bảo “Tôi rất sạch”, người tiêu dùng liệu có tin được? Anh khác nói “Tôi sạch nhất” cũng khó tin. Nói anh kia không đạt cũng không được. Vì vậy, cơ quan quản lý phải công khai. Ai sản xuất không đạt thì phạt, thu hồi tiêu hủy hoặc đóng cửa rồi công khai cho dân biết và ngược lại.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai (viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng): “Còn nhiều việc khác, đâu phải chỉ lo mỗi nước tương”!

* Là cơ quan có trách nhiệm giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khu vực phía Nam, vừa qua viện đã giám sát chất lượng nước tương thế nào?

Đúng là chưa thể biết được hết chất lượng nước tương. Vì khi nhà SX đem sản phẩm đến cơ quan chức năng đăng ký chất lượng luôn cố gắng SX đạt tiêu chuẩn, nhưng thực tế họ SX thế nào thì chưa ai có thể đo lường được. Việc kiểm soát một số chỉ tiêu về nồng độ đạm, kim loại nặng độc hại, các chất bảo quản... cũng còn bỏ ngỏ.

* Vì sao chưa biết được hết chất lượng nước tương, thưa ông?

Thật sự là do năng lực tài chính, nhân lực không đủ nên không thể nào làm hết được. Hơn nữa thành phố còn có nhiều việc hết sức cấp bách khác phải giải quyết trước như bệnh dịch, kẹt xe, nước bẩn... chứ đâu phải chỉ lo kiểm soát mỗi nước tương. Còn người SX thì không ai biết được họ có hay không có lương tâm, có tuân thủ hay không tuân thủ pháp luật. Không chỉ là 3-MCPD mà còn nhiều mối nguy khác trong nước tương chưa phát hiện được như Aflatoxin, các kim loại nặng độc hại, các chất bảo quản.

* Nhưng nước tương có chất gây ung thư liên quan đến sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng, thưa ông?

TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường giám sát và có nhiều cuộc họp chấn chỉnh. Chúng tôi cũng chú ý giám sát một số mặt hàng nước tương mà người dân ưa dùng. Nhất là giám sát những loại nước tương có nồng độ đạm cao. Thực tế các doanh nghiệp cũng đang cố gắng cải thiện qui trình SX. Các nhà khoa học cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu các qui trình SX để giảm thiểu 3-MCPD và nâng chất lượng nước tương lên.

* Có thông tin cho rằng ngay cả những công ty lớn cũng dùng hóa chất công nghiệp để SX nước tương?

Rất có thể và tôi cũng nghi ngờ. Tôi nghi ngờ vì xút và acid clohydric thực phẩm rất tinh khiết và có giá thành rất cao. Tuy nhiên, muốn kết luận phải có kiểm tra.

* Kiểm tra cách nào và vừa qua đã kiểm tra chưa, thưa ông?

Muốn biết chính xác phải kiểm tra nguyên liệu đầu vào, phân tích hàm lượng tạp chất, kim loại nặng có lẫn trong hóa chất dùng để SX. Thực tế lâu nay chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề này.

* Chưa kiểm soát được là vì chưa có khả năng hay do cơ quan chức năng không quan tâm?

Không phải chúng tôi thiếu kinh nghiệm, thiếu công nghệ hay không quan tâm mà chúng tôi chưa triển khai làm vì thiếu kinh phí. Nếu có kinh phí thì chúng tôi giám sát ngay.

* Chẳng lẽ vì thiếu kinh phí mà để ảnh hưởng sức khỏe người dân?

Chúng tôi nghĩ phải có chương trình Nhà nước giám sát toàn diện và phải kiểm tra những vấn đề báo chí phản ánh. Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta cứ làm đùng đùng lên thì không giải quyết được gì. Vì vậy phải nghiêm khắc chấn chỉnh nhưng không làm “nóng” xã hội.

Bây giờ nếu đóng cửa thì được đấy nhưng còn con người, gia đình, công ăn việc làm của hàng trăm cơ sở SX thế nào? Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết giải quyết nhưng phải từng bước và có kế hoạch.

Theo Lê Thanh Hà - Tuổi Tr

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]