Cháu lập gia đình đã 9 tháng mà vẫn "đồng trinh", cháu phải làm sao?

Lúc nào cháu cũng sợ đau đớn khi bị rách màng trinh nên tuy cưới nhau được 9 tháng mà chuyện quan hệ vợ chồng của cháu chưa bao giờ thành công.

0
Chào bác sĩ!
 
Ngồi viết những dòng tâm sự này với bác sĩ mà lòng cháu cảm thấy vô cùng bế tắc, chỉ mong làm sao thoát khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt. Cháu rất mong được BS tư vấn và chia sẻ giúp cháu.
 
Cách đây 9 tháng, cháu xây dựng gia đình. Chồng cháu năm nay 42 tuổi, hơn cháu 12 tuổi. Cháu và anh ấy quen khoảng 5 tháng thì quyết định đi đến hôn nhân. Cháu lựa chọn anh ấy vì sự nhiệt tình và chín chắn. Vấn đề nghiêm trọng nhất là lúc nào cháu cũng sợ quan hệ tình dục. Phải thừa nhận là từ bé đến trước khi kết hôn, chưa khi nào cháu thực sự quan tâm đến vấn đề đó.
 
Chưa bao giờ cháu có nhu cầu về “chuyện ấy”. Ngay cả khoảng thời gian giữa chu kỳ - tức là lúc rụng trứng - cháu cũng không hề có cảm giác đòi hỏi hay ham muốn như người ta vẫn thường nói. Xem phim tâm lý hay đọc chuyện sex, cháu chỉ cảm thấy rung động một chút nhưng cũng không nhiều như những người bạn của cháu mô tả.
 
Lúc nào cháu cũng bị ám ảnh sợ đau đớn khi bị rách màng trinh lần đầu tiên nên tuy cưới nhau được 9 tháng mà chuyện quan hệ vợ chồng của cháu chưa bao giờ thành công.
 
Khi anh ấy kích thích vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể cháu, cháu vẫn không có cảm giác gì, thậm chí còn cảm thấy khó chịu. Đặc biệt vùng kín của cháu không thể tiết ra chất nhờn. Ngay cả khi cháu dùng gel bôi trơn, anh ấy cũng không thể đi sâu hơn vào bên trong.
 
Cháu luôn cảm giác có gì đó ngăn cản. Sau đó cháu có đi khám phụ khoa, bác sĩ đã nghĩ đến giải pháp nong màng trinh cho cháu. Tuy nhiên khi họ vừa đưa dụng cụ vào cháu đã khép chặt chân lại, cảm thấy khó chịu vô cùng nên cũng không thu được kết quả gì. Cháu nghe nói uống các loại thảo dược có thể làm tăng estrogen nên đã dùng sâm Angela một tháng nhưng chưa thấy tiến triển gì. Cháu cảm thấy mình đang có gì đó trục trặc, bất ổn về tâm lý.
 
Có phải cháu đã quá nhạy cảm khi tiếp nhận những kiến thức về giới tính? Cháu không còn làm chủ và điều khiển được tâm lý của mình. Không khí gia đình rất ngột ngạt và căng thẳng. Cháu đang phải chịu rất nhiều sức ép. Sức ép từ phía họ hàng buộc cháu phải sớm có con vì chúng cháu đều đã lớn tuổi. Còn chồng cháu thì rất bức xúc.
 
Cháu luôn rơi vào trạng thái lo âu nặng nề và mệt mỏi mà không biết phải làm sao. Gia đình cháu rất có nguy cơ tan vỡ. Cháu cũng đã tìm đến chuyên gia tâm lý xin tư vấn, họ nói cháu bị rối loạn lo âu trầm cảm. Họ cũng chủ động tâm sự với chồng cháu. Anh ấy có vẻ hiểu và thông cảm với cháu hơn. Chính vì vậy mà thời gian gần đây tâm lý của cháu nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Tuy nhiên khi bắt đầu sinh hoạt vợ chồng thì cảm giác sợ hãi lại xuất hiện…
 
Có những lúc cháu nghĩ rằng mình bị chứng “lãnh cảm tình dục nguyên phát” hay mình thuộc “ người vô tính”. Trước đó cháu cũng từng rung động với người khác giới, cũng khao khát được ôm hôn, được đụng chạm… nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Cháu cũng chưa phân biệt rõ hai khái niệm này. Suốt mấy tháng chúng cháu không dám nói chuyện này với ai trong gia đình trừ mẹ cháu. Nhưng mẹ cháu không phải là người tâm lý, bà không thể hiểu cháu, biết chuyện bà chửi mắng cháu làm tâm trí cháu rối loạn thêm.
 
Cháu mong BS cho cháu một lời khuyên, một giải pháp "tình thế" giúp cháu vượt qua được lần đầu tiên. Cháu có thể dùng thuốc bôi tê Emla hoặc dùng thuốc ngủ, thuốc giảm đau hay loại thuốc nào đó hữu hiệu được không? Cháu có thể đề xuất giải pháp gây mê và nong màng trinh được không? Cháu muốn thoát khỏi ám ảnh nặng nề này, làm sao cháu có thể làm chủ được tâm lý của mình và nỗi lo sợ không còn nữa vì thực sự hiện tại cháu rất bế tắc.
 
Cháu xin chân thành cảm ơn! Kiểm tra nội tiết:
 
LH 20,2IU/L (giá trị bình thường 2-20 IU/L FSH 7 IU/L)
Prolactine 16,2 ng/ml (giá trị bình thường 3ng-25ng/ml)
Estradiol 92 pg/ml (giá trị bình thường 20-180pg/ml)
Testosterone 2,6 nmol/l (giá trị bình thường 0.5-2,5nmol/l)
 
Ảnh minh họa - nguồn internet
Chào em P.L,

Trước tiên em nên biết rằng tình trạng mà em đang cho là “bế tắc” không phải chỉ có duy nhất bản thân em gặp phải, do đó không cần phải quá mặc cảm và xấu hổ về mình, vô tình làm tình trạng của em trở nên phức tạp một cách không cần thiết.
 
Đối với khái niệm lãnh cảm nguyên phát hay người vô tính, cần có nhiều đánh giá tâm lý phức tạp để có thể đưa ra kết luận chứ không thể dựa vào việc bản thân không có ham muốn quan hệ tình dục hoặc không có khoái cảm tình dục để xác định.
 
Hơn nữa, em có đề cập bản thân rung động và khao khát quan hệ đụng chạm thân mật (nắm tay, ôm hôn…) với người khác giới, điều này gợi ý định hướng giới tính của em tương đối bình thường.
 
Vậy thì do đâu em “không thành công” trong quan hệ vợ chồng?

Kết quả khám phụ khoa của em không thấy có ghi nhận vấn đề gì bất thường về cấu trúc màng trinh. Trong trường hợp chồng em hoàn toàn bình thường và có đầy đủ kiến thức về quan hệ tình dục thì nhiều khả năng các khó khăn của em là bắt nguồn từ yếu tố tâm lý.
 
Trong thư em có nêu các chi tiết rằng bản thân có ấn tượng rất mạnh mẽ về việc đau đớn mang lại từ lần quan hệ đầu tiên, cảm giác “ngăn trở” khi quan hệ nhưng lại chưa đến mức gây đau, và việc em cản trở lại việc “nong màng trinh” vì khó chịu (không phải vì đau), cảm giác sợ hãi khi bắt đầu quan hệ - điều này cho thấy bản thân em có một rào cản tâm lý đối với vấn đề này.
 
Chính vì những điều này khiến cho bản thân luôn rơi vào trạng thái kháng cự một cách vô thức khi bắt đầu quan hệ - ngăn trở các phản ứng sinh lý (tiết chất nhờn, khoái cảm) trong khi hệ nội tiết không có bất thường.
 
Cảm giác sợ hãi mà em nêu trên chính là mấu chốt. Các vấn đề lo âu trầm cảm ở em là thứ phát do các “rắc rối” trên gây ra, do đó, nếu chỉ giải quyết tình trạng lo âu trầm cảm hoàn toàn không đạt được hiệu quả. Cốt lõi là phải giải quyết gút mắc của bản thân em về quan hệ tình dục, chỉ khi nào đả thông được tư tưởng này, các khó khăn tự nhiên được thu xếp.
 
Việc này đòi hỏi một quá trình trị liệu tâm lý lâu dài và kiên nhẫn, cần có sự hợp tác tối đa giữa các bên - bản thân em, gia đình và bác sĩ tâm lý. Một số đánh giá tâm lý phức tạp là cần thiết để cung cấp các thông tin có liên quan, giúp cho quá trình trị liệu được thuận lợi.

Em nên đến khám với các bác sĩ tâm lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực trên để được trị liệu phù hợp.
 
Chúc em mau khỏe!

 
BS-CK1 Lý Quốc Mai Anh
 
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: [email protected].

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]