Chị không tay nuôi em bệnh tật

15.5967

Để rau cháo và thuốc thang nuôi nhau, 2 chị em đi bán vé số dạo, chị Lan trở thành trụ cột chính nuôi em. Không còn đôi tay từ bé do chiến tranh, Mạch Thị Lan làm mọi việc bằng đôi chân. Nhà càng nghèo hơn khi em gái Mạch Thị Hoa mắc bệnh tim và bị chấn thương cột sống không còn sức lao động. Để rau cháo và thuốc thang nuôi nhau, 2 chị em đi bán vé số dạo, chị Lan trở thành trụ cột chính nuôi em.

Phải qua rất nhiều con đường, cây cầu nhỏ cheo leo trên những kênh rạch chằng chịt của thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi mới đến được căn nhà tạm trong ấp Mỹ Hiệp, xã Tân Tiến, nơi cư ngụ của hai chị em Mạch Thị Lan. Đón khách bằng nụ cười ngượng nghịu, chị Lan kể rằng hôm nay đi bán vé số về sớm vì có một số người đã mua ủng hộ. Vừa run run dùng đôi chân đổ hết đống tiền trong túi rồi đếm, xếp lại, chị Lan vừa cho biết, không mấy khi đếm tiền trước mặt người lạ nên rất mất bình tĩnh. Mấy trăm ngàn đồng trong túi cũng là số tiền lớn nhất mà chị được cầm từ trước đến nay.

Thực ra, Mạch Thị Lan không mang dị tật bẩm sinh. Năm Lan lên 6 tuổi, Mỹ – quân đội Sài Gòn tràn xuống địa phương càn. Gia đình đông anh em, khá nheo nhóc. Người anh trốn quân dịch, vắng nhà. Tai họa giáng xuống Mạch Thị Lan. Khi tỉnh lại, đôi cánh tay của cô đã vĩnh viễn không còn.

Thời gian làm vết thương lành nhưng mất mát thì không bù đắp được. Gia đình lại nghèo. Thương con nhưng cha mẹ Mạch Thị Lan nhất định bắt Lan học sử dụng đôi chân làm những công việc thông thường. Trẻ con, làm bằng tay đã khó, huống chi đôi chân. Loay hoay mãi không xong, nhiều lúc đôi chân co quắp, đã có lúc Lan bỏ cuộc. Khi ấy, người cha lại thủ thỉ động viên con cố gắng. Cái lý của ông rất đơn giản rằng: Lan phải tập làm, tự lo được những sinh hoạt tối thiểu cho bản thân thì ông mới yên tâm bởi không có cha mẹ nào sống mãi được với con và lo cho con được đến hết cuộc đời…

Thương cha, Lan tiếp tục học làm các việc lặt vặt bằng chân. Đầu tiên chỉ là những công việc vệ sinh cá nhân, tự tắm, thay quần áo rồi cầm cây lược chải đầu. Dần dà, cô dùng đôi chân giúp đỡ mẹ cha làm được những việc nhà đơn giản như giặt giũ, nhặt rau, nấu cơm…

Chị Mạch Thị Lan và em gái Mạch Thị Hoa trước căn nhà tình thương ở Hậu Giang.

Thân sinh mất. Nhà nghèo càng nghèo hơn. Người em gái Mạch Thị Hoa kém Lan 6 tuổi nhưng không lấy chồng, ở nhà làm thuê làm mướn để chị em rau cháo có nhau. Chưa được bao lâu thì Hoa phát hiện bị bệnh tim. Những người đàn ông theo đuổi chị dần cao chạy xa bay.

Tai họa tiếp tục giáng xuống trong một lần Mạch Thị Hoa bị tai nạn, chấn thương cột sống. Tuy không đến nỗi bán thân bất toại nhưng sức lao động không còn. Căn nhà lá dựng tạm của hai chị em càng xác xơ hơn.

Ngoài hơn trăm ngàn tiền trợ cấp cho người tàn tật, chi phí hàng ngày của cả hai chị em dựa cả vào công việc hái rau mọc hoang ở các khu vực gần nhà mang ra chợ bán. Nhưng rau hái mãi rồi cũng hết. Thiếu tiền thuốc thang, những cơn co giật, ngất xỉu của Hoa ngày càng nhiều hơn. Đúng lúc ấy có người bày cho hai chị em đi bán vé số. Hàng ngày, không kể mưa hay nắng, cứ đúng 5h sáng, Lan lại trở dậy, lội bộ vượt gần 2km ra đường chính, đi nhờ xe lên khu vực trung tâm lấy vé số đi bán dạo.

Cách bán vé số của chị Lan cũng khá đặc biệt. Vì không còn đôi tay, chị thiết kế một chiếc túi vải nhẹ để đựng tiền và một chiếc túi nhựa trong suốt để đựng vé số. Khách đồng ý mua vé cứ việc đưa tay vào túi chọn vé rồi lại tự động bỏ tiền vào túi vải cho chị.

Đi khắp hang cùng ngõ hẻm từ sáng đến chiều mới về đến nhà, việc bỏ bữa trưa với Mạch Thị Lan đã trở thành chuyện bình thường. Chị bảo rất ngại khi phải dùng đôi chân đưa thức ăn lên miệng giữa chốn đông người, hơn nữa, như thế còn tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ cho hai chị em. Ngày bán được ít thì mang về được 20.000 đồng, nhiều thì 50.000 đến 60.000 đồng. Trang trải sinh hoạt tạm ổn nếu biết tằn tiện và mỗi ngày không mất một vài chục ngàn tiền thuốc cho hai chị em.

Để tạo thêm thu nhập và việc làm vừa sức với Hoa, hai chị em tính toán mua heo về nuôi, làm đơn đề nghị chính quyền xã hỗ trợ vay vốn theo tiêu chuẩn dành cho hộ nghèo. Heo chưa kịp bán thì gặp dịch, lăn ra chết. Tiền mua giống, mua thức ăn theo đó tiêu tan. Nợ chồng nợ. Chị Lan cho biết, hiện tại hai chị em vẫn nợ ngân hàng 7 triệu đồng và người quen 3 triệu đồng.

Gần đây sức khỏe yếu hơn nên những cơn đau đầu, chóng mặt cứ đến triền miên. Chị Lan chỉ ước, giá như có một chút vốn, chị sẽ mở một quầy vé số nho nhỏ và mua mấy con heo giống về cho em gái cùng phụ nuôi, tạo thêm thu nhập, đỡ rong ruổi ngoài đường mà có tiền trang trải cho em và cho chính mình. Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở những điều ước bởi nợ cũ vẫn còn, không ai dám cho hai chị em vay thêm.

Ước muốn của chị có trở thành hiện thực? Hy vọng, số phận sẽ mỉm cười với hai chị em chị Mạch Thị Lan qua tấm lòng thơm thảo của bạn đọc xa gần trên cả nước. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Tòa soạn Báo CAND 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 0438222157

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]