Chồng mắc "bệnh lỳ"

Hoa nhờ chồng: "Anh mang cái vỏ chăn phơi giúp em" rồi đi chợ; nửa tiếng sau, cô vẫn thấy anh xã ung dung ngồi xem tivi, còn cái vỏ chăn ở nguyên trong chậu.

15.5963

Hoa bực mình, gắt gỏng: “Anh không phơi nhanh, tranh thủ nắng” thì Lâm - chồng Hoa chống chế: “Mới hơn 9h sáng, nắng nôi gì”. Hoa càng càu nhàu thì Lâm càng lỳ lợm, quyết không nhấc người khỏi ghế. Những lúc như thế, Hoa thường tiện tay làm luôn, khỏi nhờ vả chồng, cho đỡ tức.

“Lần nào nhờ gì, chồng cũng đủng đỉnh. Có khi nói mỏi mồm, anh ấy vẫn trơ ra” – Hoa than thở. Có lúc để quên chìa khóa xe máy trên phòng riêng, Hoa đứng dưới nhà gọi với lên: “Anh ơi, cầm hộ em chìa khóa xe xuống đây. Em để trên bàn ấy” thì anh xã cũng chẳng “À, ừ’ lấy một tiếng. Năm phút trôi qua không thấy động tĩnh nào của Lâm, Hoa tiếp tục gọi: “Anh ơi” thì chồng cáu nhặng: “Biết rồi, có điếc đâu”.

Hoa kể tiếp: “Nhờ gì, ông ấy chẳng bao giờ ‘ừ’ và cũng chẳng nói: ‘Để đấy, tý anh làm’; có khi cũng làm đấy nhưng cứ phải đợi đến cả giờ đồng hồ sau, nghĩ mà tức”.

Lần ấy, Hoa phải cơm nước, đãi mấy người bạn của bố chồng trong khi mẹ chồng vắng nhà. Bận túi bụi với tay xào, tay nấu, Hoa nhờ chồng đi rửa giá đỗ nhưng Lâm vẫn "dính chặt" với mấy trò game. Lúc chảo mỡ đang sôi "xèo, xèo", bị vợ giục lấy giá đỗ, Lâm mới cuống cuồng làm. Lúc sau, Hoa thấy giá đỗ vương vãi từ chậu rửa bát, trên đoạn đường từ sàn nhà đến mặt bếp ga. Thì ra trong lúc bị vợ giục, Lâm vội đổ giá đỗ trong túi nilon vào cái rổ thưa nên mới thế.
 

"Bốc thuốc" chữa lỳ cho chồng

Nguyên nhân khiến chồng lỳ có thể là do anh ấy cho là việc vợ nhờ vả không quan trọng. Vì không quan trọng nên lát nữa làm cũng có sao. Vì thế, nếu người vợ có nhờ chồng quét nhà hay phơi quần áo thì cũng mỏi mồm.

Thứ hai, người chồng đang say mê với tivi (máy tính hoặc bận bịu công việc) nên ngại dừng lại để giúp vợ.

Thứ ba, do bản tính thích chống đối kiểu nửa đàn ông nửa trẻ con. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong mỗi người đàn ông đều có bản tính của một em bé. Anh chồng luôn muốn chống đối lại “mệnh lệnh” của vợ để chứng tỏ cái tôi của bản thân. Nếu vợ vừa nhờ: “Anh, lấy cho em cốc nước” mà lại nhanh nhẹn làm theo thì với không ít anh chồng, đó là dấu hiệu “sợ vợ”. Để chống lại điều này, anh ấy cố kéo căng thời gian thực hiện yêu cầu từ vợ để cho vợ thấy “không phải việc gì sai anh cũng được”…

Đứng trước một anh chồng lỳ, không ít người vợ có tâm lý: “Thôi, tự làm cho nhanh. Nhờ vả chồng chỉ tổ bực mình”. Suy nghĩ như thế thường khiến chồng lỳ mắc thêm “bệnh lười”. Khi đó, mọi việc lớn - nhỏ trong nhà lại bị đẩy vào tay vợ. Đến một lúc nào đó, người vợ sẽ bị quá tải, mệt mỏi, cáu gắt, cảm thấy bất công, không được chồng yêu thương, san sẻ, dẫn tới chán chồng. Tâm lý bất mãn này của vợ ít được chồng ngó ngàng tới; bởi lẽ, chồng lười đã quen nên không thể tự nhiên chăm lên được. Hơn nữa, người chồng dễ có suy nghĩ “Từ trước đến nay, vợ đã quen làm nấy. Sao giờ tự nhiên sai khiến chồng?”. Người chồng sẽ cho là, vợ lười hoặc lắm điều nên không thể thay đổi theo ý muốn của vợ.

Vì thế, dù chồng có lỳ đến mấy, người vợ cũng không nên vội đầu hàng. Nếu nhờ chồng việc gì, cần đề nghị đơn giản, nói một lần và cho anh ấy khoảng thời gian thực hiện. Tránh hối thúc hoặc cáu gắt vì điều này chỉ khiến người chồng cứng đầu hơn. Tất nhiên, “sai khiến” chồng là một nghệ thuật, cần linh hoạt, khéo léo, làm sao để chồng không có cảm giác là tù nhân và tránh cho người vợ cảm giác bực bội vì không phải lúc nào người chồng cũng làm theo ý vợ.
 
Theo Mẹ&Bé
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]