Chùa Hương mùa không lễ hội

Đã trở thành thói quen cứ đến mùa lễ hội chùa Hương khoảng từ Tết cho đến hết tháng 3 âm lịch, mọi người lại nô nức kéo nhau trẩy hội.

0

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đi vãn cảnh chùa Hương vào mùa không lễ hội đặc biệt thú vị bởi không phải chịu cảnh chen chúc, giá cả đắt đỏ mà hơn hết là cái thú của một chuyến du lịch khám phá chiêm ngưỡng khung cảnh thanh tịnh hiếm có của "Nam thiên đệ nhất động".

Non nước hữu tình

Hầu hết khách du lịch ở địa bàn lân cận khi đến vãn cảnh chùa Hương đều chọn những tuyến đi chính tuyến Hương Tích: Đền Trình - chùa Thiên Trù - động Tiên Sơn - chùa Giải Oan - đền Trần Song - động Hương Tích. Nhưng vì đi vào dịp này nên du khách có thể chọn thêm tuyến phụ khác như tuyến Thanh Sơn hoặc sang Tuyết...

Những tuyến phụ này từ xưa tới nay vốn không quá nhiều thuyền bè qua lại. Cộng thêm thời tiết nắng nóng đặc trưng của mùa không lễ hội nên suối dày đặc rong. Thứ nhất là cảm giác không vội vàng mà mặc thuyền chậm chạp thả trôi. Không gian tĩnh mịch nghe rõ cả tiếng khua mái chèo đều đặn len sâu vào các hẻm núi quanh co dắt lên động Hương Đài.

Theo những lối mòn, leo qua khoảng hơn trăm bậc đá thì tới cửa động. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng thắng cảnh Hương Sơn trùng điệp núi non. Trên vách núi, những gốc mơ cổ thụ bám chặt vào đá, khung cảnh nơi này hoang sơ khác hẳn với hai bên bờ suối Yến. Bất kỳ ai đứng trước bức tranh tuyệt vời được thiên nhiên tạo nên cũng không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp của ngôi chùa cổ nằm sâu trong các dãy núi điệp trùng.

Sân chùa Thiên Trù thanh tịnh

Dịch vụ "lành" hơn mùa chính hội

So với mùa chính hội, dịch vụ ở chùa Hương không rộn rã nhưng cũng đủ để cung cấp những thứ thiết yếu. Dường như so với mùa lễ hội, những người mở dịch vụ thời điểm này cũng "lành" hơn rất nhiều. Hàng quán trước sân Thiên Trù, dọc đường lên động chính cũng chỉ lác đác, chứ không ken đặc như thời điểm chính hội. Giá cả cũng vì thế phải chăng hơn và tuyệt nhiên không có cảnh chèo kéo "chặt chém" khách một cách trắng trợn.

Đem thắc mắc hỏi một chủ quán ngay trước cửa Thiên Trù, chúng tôi được biết, vài năm trở lại đây sở dĩ xuất hiện cảnh mua bán chụp giật ngay trước cửa Phật phần lớn do "người thiên hạ" tranh thủ đến đây kinh doanh theo kiểu chớp nhoáng. Còn khi hội đã tàn, người đi lễ cũng vãn thì chỉ còn lại những người dân trong vùng tranh thủ dựng quán để kiếm thêm thu nhập vào dịp nông nhàn.

Khách thời điểm này chủ yếu đi vãn cảnh chùa là chính nên đều chủ động sắm lễ từ nhà. Phàm những món đồ lễ cầu kỳ gần như không bán được nên họ chủ yếu chỉ phục vụ những đồ ăn uống thiết yếu như: Nước uống, bún phở... Đặc biệt cung cách phục vụ khách thời điểm này với phương châm: "Giá nào cũng bán" nên ít khi khách bước chân vào quán rồi lại phải trở ra.

Theo đó giá một tô bún riêu, phở từ 15 - 25 ngàn đồng/bát, chè củ mài - thứ chè đặc trưng của Chùa Hương cũng chỉ có giá 7 - 10 ngàn đồng/bát còn các loại đồ uống đóng chai chỉ nhỉnh hơn giá đại lýâ 3 - 5 ngàn đồng. "Càng lên cao, phí dịch vụ càng tăng nhưng đối với thời điểm này mức giá cũng chỉ cao hơn vài ngàn đồng/món đồ". Người bán hàng tên Tú tâm sự: "Đối với những người kinh doanh "cò con" như mình thì chỉ dám mướn sạp ở dưới thấp bởi tính riêng chi phí thuê người gánh đồ lên để phục vụ cũng nhiều nguy cơ "âm vốn". Vào mùa lễ hội, giá 1 gánh (40kg) lên của động chính là 150 ngàn đồng nhưng lại dễ gọi người hơn bởi nhu cầu làm thêm cao mà việc lại sẵn.

Trong khi đó thời, điểm này đang chuẩn bị vào vụ gặt nên những người chuyên gánh thuê không mấy mặn mà với việc ngồi không cả ngày chỉ để chờ dăm ba chuyến hàng. Ngoài việc phục vụ khách thập phương đến vãn cảnh chùa, những người dựng quán bán hàng ở đây tranh thủ lúc vắng khách phụ giúp các sư thầy quét dọn ban thờ và làm những việc vặt khác, coi đó như một cách tích đức thiết thực của bản thân mình".

Linh Nhi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]