Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo ISO

(VietQ.vn) - ISO 22000 là một tiêu chuẩn quốc tế mới được ban hành nhằm đảm bảo cho chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn thế giới.

31.1476

ISO 22000:2005, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Yêu cầu cho mọi tổ chức trong chuỗi cung ứng thực phẩm, quy định khung các yêu cầu hài hoà quốc tế cho việc tiếp cận toàn cầu. tiêu chuẩn này do ISO xây dựng với sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm cùng với các đại diện của các tổ chức quốc tế chuyên ngành và có sự phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Thực phẩm- CODEX Alimentarius, cơ quan được đồng thiết lập bởi Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xây dựng các tiêu chuẩn về thực phẩm.

ISO 22000 được ban hành cho phép tất cả các tổ chức trong chuỗi thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Lợi ích chính của ISO 22000 đem lại đó là giúp cho các tổ chức trên toàn thế giới có thể dễ dàng áp dụng Hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) của Codex về vệ sinh thực phẩm theo cách đã được hài hoà mà không bất đồng với những nước hoặc sản phẩm về thực phẩm liên quan.

Thực phẩm đến tay người tiêu dùng qua các chuỗi cung ứng với sự liên kết nhiều loại hình tổ chức khác nhau và có thể phải trải qua nhiều biên giới. Một mắt xích yếu có thể gây ra thực phẩm không an toàn, điều này rất có hại cho sức khoẻ và khi điều này xảy ra, các mối nguy ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thể nghiêm trọng và chi phí phải trả cho nhà cung cấp chuỗi thực phẩm có thể là rất cao.

Khi các mối nguy an toàn thực phẩm thâm nhập vào chuỗi thực phẩm ở bất kỳ giai đoạn nào, thì việc kiểm soát đầy đủ tất cả các quá trình là điều rất cần thiết. An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của tất cả những ai tham gia vào chuỗi thực phẩm và cần phải có những nỗ lực chung của những người này.

Do đó, ISO 22000 được ban hành cho phép tất cả các tổ chức trong chuỗi thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Đó là những người nuôi trồng sản phẩm, người sơ chế, người chế biến thực phẩm, người vận chuyển và cất giữ và các thầu phụ đến những đại lý kinh doanh thực phẩm và bán lẻ cùng với các tổ chức liên quan như nhà sản xuất thiết bị, vật liệu đóng gói, các chất tẩy rửa, phụ gia và nguyên liệu.

ISO 22000 giúp cho các tổ chức trên toàn thế giới có thể dễ dàng áp dụng Hệ thống Phân tích mối nguy. Ảnh minh họa

Một lợi ích khác của ISO 22000 đó là mở rộng phương pháp hệ thống quản lý thành công của tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 hiện đã được áp dụng rộng rãi ở tất cả các lĩnh vực nhưng chưa đề cập một cách cụ thể đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Việc xây dựng tiêu chuẩn ISO 22000 dựa trên sự thừa nhận rằng các hệ thống về an toàn thực phẩm hiệu quả nhất được thiết kế, hoạt động và cải tiến liên tục trong khuôn khổ của một hệ thống quản lý theo cấu trúc và được sáp nhập vào các hoạt động quản lý chung của tổ chức này.

Trong khi ISO 22000 được áp dụng một cách độc lập, nhưng nó được thiết kế hoàn toàn tương thích với ISO 9001:2000 và những công ty đã được chứng nhận ISO 9001 có thể dễ dàng mở rộng việc chứng nhận ISO 22000. Để giúp những người sử dụng có thể làm được điều này, ISO 22000 đưa ra một bảng về sự tương ứng giữa các yêu cầu của tiêu chuẩn này với các yêu cầu của ISO 9001:2000.

ISO 22000:2005 là tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ các tiêu chuẩn bao gồm:

ISO/TS 22004: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Hướng dẫn áp dụng ISO 22000:2005; ISO/TS 22003: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Yêu cầu đối với cơ quan đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; ISO 22005: Khả năng xác định nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi thức ăn và thực phẩm- Nguyên tắc và hướng dẫn chung đối với việc phát triển và thiết kế hệ thống.

Quỳnh Anh

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]