Cơ chế "lỏng tay," thấp thỏm lo an toàn thực phẩm

15.6009
Thực phẩm hết hạn sử dụng, ngâm hóa chất, không kiểm dịch... đang là thực trạng nổi cộm trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thủ đô và chưa có thuốc đặc trị.

Thực phẩm lậu tung hoành

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng Hà Nội đã liên tục bắt giữ được một khối lượng lớn gia cầm nhập lậu.

Điển hình là ngày 24/6 vừa qua, đoàn liên ngành 127 quận Tây Hồ đã kiểm tra và bắt giữ được trên 6 tấn gà thải loại từ Trung Quốc, không có giấy tờ kiểm dịch, hóa đơn và nguồn gốc xuất xứ… đang trên đường di chuyển vào nội thành tiêu thụ. Toàn bộ số hàng trên ngay sau đó đã bị lập biên bản đem tiêu thủy.

Những ngày sau đó, các đội địa bàn thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng liên tiếp bắt được hơn 10 tấn gà lậu đang len lỏi tìm đường đưa vào các chợ đầu mối.

Thống kê chưa đầy đủ thì trong 6 tháng đầu năm, Chi cục thú y Hà Nội đã tiến hành tiêu hủy trên 80 tấn gà lậu có xuất xứ từ Trung Quốc; trong đó hơn 30 tấn đang trên đường vận chuyển về chợ Hà Vỹ.

Đây là con số rất nhỏ so với những gì đang diễn ra, bởi trao đổi với Vietnam+, ông Cấn Xuân Bình, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, hiện nay, với số lượng từ 60-80 tấn gia cầm tiêu thụ mỗi ngày tại chợ Hà Vỹ thì mới kiểm soát được trên 60%, số còn lại bị các đầu nậu phù phép bằng giấy kiểm dịch giả nên rất khó phát hiện.

"Nếu chỉ mai phục, bắt giữ từng xe vận chuyển theo kiểu hiện nay thì chỉ như muối bỏ bể," ông Bình nói.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn "nóng" ở nhiều mặt hàng khác, đáng báo động là việc sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và đăng ký chất lượng dùng làm nước lẩu, gia vị nướng ... vẫn được bày bán tràn lan. Thậm chí, chỉ với vài nghìn đồng là có thể mua được gói gia vị lẩu hoàn chỉnh, nhưng hậu quả để lại thì khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trong một đợt kiểm tra đầu tháng Năm mới đây tại Hà Nội do Thanh tra Bộ y tế tiến hành thì trong 18 ki ốt ở chợ Đồng Xuân và 3 ki ốt khu vực Hàng Buồm đã phát hiện và thu giữ gần 50% sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi chỉ số quốc tế, không ghi ngày sản xuất, không ghi rõ liều lượng dùng cho từng loại thực phẩm. Chủ yếu hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Liệu có nhờn thuốc?

Mặc dù vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là đề tài nóng bỏng, thế nhưng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cuối năm của Ban chỉ đạo 127 Hà Nội, diễn ra sáng 3/8, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại trước tình trạng "nơi làm nơi buông," thiếu phối hợp của một số địa phương từ biên giới.

Theo Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong khi Hà Nội ra quân quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu thì chỉ cách một con sông, thuộc đất Hưng Yên, nơi tập kết chủ yếu gà thải loại từ biên giới để đưa vào thủ đô lại làm hết sức lỏng lẻo.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được công văn của quản lý thị trường Hưng Yên là không thấy có những dấu hiệu buôn lậu như kiến nghị của Hà Nội," bà Mai dẫn chứng.

Không những thế, càng bắt được nhiều gia cầm lậu thì lực lượng chức năng càng lo ngại bởi nếu không làm rõ được chủ hàng thì không có tiền để tiêu hủy. Chính điều này đã làm giảm đi hiệu quả trong việc ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu cũng như kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, hiện gà thải loại bị cấm tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, nhưng vì hám lợi mà nhiều đối tượng buôn lậu đã tìm cách đem vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Theo ông Thăng, có thể nhiều tàn dư trong con gà thải loại tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cũng sẽ được đưa vào nội địa, do vậy cần sớm giám định và đưa ra thông tin chính xác để người tiêu dùng được biết và cảnh giác.

Ông cũng đề nghị các quận, huyện cần chủ động xây dựng chuyên đề theo đặc thù của địa phương, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu để đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng nhấn mạnh, để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng thì bất kỳ gia súc, gia cầm nào khi kiểm tra mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận kiểm dịch sẽ bị tiêu hủy và đây cũng là chủ trương của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

"Kinh tế khó khăn chung nhưng đừng để người dân phải dùng những hàng hóa kém chất lượng của thế giới, có hại cho sức khỏe. Về chất độc hại, nếu có thông tin đầy đủ thì không cần tiêu hủy người tiêu dùng cũng tự khắc tẩy chay," ông Thăng nói./.

Trong sáu tháng đầu năm, lực lượng 127/HN đã kiểm tra 51.158 vụ, xử lý 44.949 vụ. Trong số đó, hàng cấm và hàng nhập lậu là 1.218 vụ; hàng giả, hàng kém chất lượng là 1.197 vụ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là 307 vụ, với số tiền phạt hành chính, thu ngân sách lên đến 666,2 tỷ đồng.
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]