Coi chừng dị vật khi chăm sóc trẻ

Nếu pin bị mắc trong thực quản hoặc bất kỳ chỗ nào trên ống tiêu hóa có nguy cơ gây phỏng do hóa chất hoặc dòng điện thoát ra

0

Gần đây, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị dị vật rất nguy hiểm như có đinh nằm 20 ngày trong cuống phổi, kẹp giấy trong thực quản, hạt dưa làm bít phế quản trẻ gây ho khò khè, kim băng nằm trong dạ dày trẻ...


1.001 loại dị vật


Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, Khoa Cấp cứu – BV Nhi Đồng 1, trẻ em vốn hiếu động, nghịch ngợm nên hay nhét bất kỳ vật lạ vào các lỗ hổng trên cơ thể mình.

Hoặc do người lớn cho trẻ bú, ăn, uống thuốc không đúng cách như cố ép trẻ khi trẻ đang khóc khiến cho trẻ bị sặc sữa, cháo, cơm, thuốc hoặc do trẻ hít vào đường thở các chất nôn ói, các vật nhỏ như hạt trái cây, đậu phộng, viên bi, đồng xu, đồ chơi có kích thước nhỏ. Tại Khoa Tai Mũi Họng - BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ cũng nhiều lần gắp dị vật cho trẻ là xương cá, xương heo lẫn trong cháo hầm xương do người mẹ lọc không kỹ.


Theo bác sĩ Phan Gia Duy Linh, BV Nhi Đồng 1, dị vật tai thường gặp khi trẻ chơi đã tự đút vào tai những vật như hạt bắp, hạt đậu, hạt cườm hoặc một số mảnh vụn đồ chơi, bụi hoặc do một số côn trùng như kiến, gián... bò vào tai khi ngủ.


Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ bị vướng dị vật trong tình trạng nguy kịch


Nếu dị vật khá to, gây bít kín, tắc ống tai làm cho tai bị ù, nghe kém hoặc gây cảm giác đau, ho do kích thích thần kinh. Còn kiến, ruồi, gián... khi vào tai, bò, chạy vào trong ống tai, gây nên tiếng sột soạt, cắn vào da trong ống tai, chạm vào màng nhĩ gây rát, đau tai, có khi chóng mặt. Các dị vật sống này nếu không biết cách xử lý tốt có thể gây biến chứng rách màng nhĩ.


Tại BV Nhi Đồng 2 - TPHCM cũng đã tiếp nhận nhiều trẻ bị hóc dị vật trong thời gian gần đây. Đặc biệt là trường hợp trẻ bị hóc dị vật thức ăn là cá viên chiên đã phải chịu đời sống thực vật do gia đình sơ cứu không đúng cách. Bác sĩ Nguyễn Phước An, Khoa Hồi Sức – BV Nhi Đồng 2, cho biết bất kỳ dị vật gì, từ cá viên chiên, đồng xu, nút áo, viên bi hay một loại hạt trái cây nào đó... tất cả đều gây hậu quả đáng tiếc nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.


Pin gây ngộ độc


Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, BV Nhi Đồng 1, khi trẻ hóc dị vật là pin thì mức độ nguy hiểm càng tăng cao do pin còn có thể gây ngộ độc. Trẻ em có thể lấy pin ra khỏi đồ chơi, vỉ chứa hoặc các trang thiết bị có sử dụng pin để nuốt hoặc nhét vào tai, vào mũi.

Pin càng lớn càng nguy hiểm do gây ngộ độc càng nặng. Đặc biệt ở trẻ nhỏ có đường kính thực quản nhỏ, pin nuốt vào dễ bị kẹt lại tại đây gây biến chứng nặng nề. Ngộ độc pin ở trẻ em tuổi biết đi do trẻ nghĩ là kẹo, thức ăn. Ở trẻ lớn do ngậm pin trong miệng và vô tình nuốt phải.


Khi nuốt pin vào thực quản, dòng điện phát sinh trong cơ thể từ pin sẽ gây phỏng niêm mạc thực quản, pin gắn chặt vào đó đồng thời các chất trong pin, đặc biệt là chất kiềm có tính ăn mòn cao, gây viêm loét diễn tiến để lại di chứng sẹo hẹp thực quản. Tùy thời gian pin nằm trong ống tiêu hóa mà pin gây phỏng mức độ nặng hoặc nhẹ, càng lâu phỏng càng nặng hơn.


Rất ít trường hợp có triệu chứng ngay sau khi nuốt, chỉ 10% có triệu chứng như nôn, đau bụng, tiêu máu, sốt, tiêu chảy. Triệu chứng hồng ban lan tỏa do tăng mẫn cảm với các chất có trong pin. Nếu pin vướng lại ở thực quản thì biến chứng nặng nhất gây triệu chứng nuốt khó, nuốt đau, ho, nôn ói, sốt, làm trẻ kém ăn và quấy khóc nhiều.

Phỏng thực quản xuất hiện sau 4 đến 6 giờ, nguy hiểm nhất là gây vỡ thực quản cũng xảy ra ở thời điểm này. Nếu có những vết phỏng và tổn thương ruột, trẻ sẽ có triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng, nôn máu, phân có màu xám hoặc lẫn máu.

Nếu nằm lâu sẽ gây tổn thương kéo dài dẫn đến hẹp thực quản, dò khí phế quản, tràn khí màng phổi hay xuất huyết phổi và ngưng tim. Pin ở trong tai hay mũi đều có thể gây tổn thương nặng với biểu hiện là chảy nước ở tai, ở mũi, trẻ kêu đau nhiều.

Pin ở tai gây hoại tử, tổn thương ống tai, ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Tại mũi, pin làm thủng vách mũi gây biến dạng, liệt thần kinh mặt.

Những điều cần lưu ý

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cho trẻ ăn, bú và uống thuốc đúng cách, không cố ép khi trẻ đang khóc vì dễ gây sặc và hóc dị vật. Nên lưu ý là đừng để trẻ cầm những vật nhỏ có thể đưa vào miệng và nuốt được. Khi phát hiện trẻ nuốt hoặc nghi ngờ trẻ nuốt vật lạ vào miệng, sau đó trẻ có triệu chứng nuốt khó, nuốt vướng, chảy nước miếng, bỏ ăn uống thì phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Bài và ảnh: Nhất Phương

Các bài liên quan

  •   24/04/2012
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]