Con nhận thức nhanh, cần dạy thế nào cho thích hợp?

Con trai tôi 3 tuổi rưỡi, thể lực bình thường, hiếu động và rất biết quan sát, 13 tháng tuổi cháu đã nhớ được 10 chữ số, 14 tháng tuổi nhớ được cờ của 11 nước Asean (trên một quả bóng). (Khánh Vương)

15.5943

18 tháng tuổi cháu đã nhớ được 28 chữ cái tiếng Việt và phân biệt được chữ W và chữ M trong bảng chữ cái tiếng Anh. Tôi rất mừng vì sự nhanh nhẹn của cháu, tuy nhiên, sau khi tham khảo một số tài liệu thì tôi nhận thấy trẻ em nhận thức nhanh chưa hẳn đã được coi là thông minh, thậm chí có tài liệu còn cảnh báo rằng để trẻ tìm hiểu sớm có thể còn gây ra bệnh tự kỷ. Điều này làm tôi rất lo lắng, tôi không dạy cháu thêm nữa mà dạy những thứ khác xung quanh. Nhưng thực sự những con số và những con chữ là một điều rất hấp dẫn với cháu, cháu đã tập đánh vần và ghép chữ (vì cháu ở nhà với bà ngoại) và tập kể chuyện và tô màu.

Cháu cũng thích xem ti vi và kể một cách rành rọt câu chuyện mà cháu được chứng kiến, cháu quan sát các hiện tượng rồi hỏi mẹ tại sao lại thế, nếu không có người để hỏi mà có điều kiện cháu sẽ mô tả lại hiện tượng: Ví dụ, con cá sấu nó cắn con ngựa vằn khi đàn ngựa vằn lội qua sông, vì đàn ngựa vằn phải đi tránh rét...

Tôi rất mừng vì sự nhận thức và quan sát của con, nhưng thực sự tôi cũng rất lo vì không biết nên hướng dẫn cháu thế nào để phát triển một cách bình thường và phát huy tối ưu khả năng nhanh nhạy và khả năng quan sát của cháu. Rất mong có một lời khuyên.

Trả lời:

Bạn Khánh Vương thân mến !

Xin chia sẻ hạnh phúc với bạn vì bạn có cậu con trai thông minh nhanh nhẹn. Sự phát triển của một đứa trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố sinh học (bẩm sinh). Con của bạn may mắn đã có được yếu tố "trời phú". Tuy nhiên, đây chỉ là tiền đề để trẻ có thể phát triển tốt. Chính vì vậy, cần phải có cách dạy đặc biệt cho những trẻ đặc biệt thì mới phát huy tốt yếu tố bẩm sinh của trẻ. Nếu người lớn chọn phương pháp dạy sai thì có thể dẫn đến kết quả không mong đợi.

Trẻ tự kỷ cũng có một vài dấu hiệu nổi trội của sự phát trỉển trí tuệ, nhưng dấu hiệu quan trọng nhất để khẳng định bệnh này là việc trẻ không có dấu hiệu giao tiếp với người xung quanh, trẻ chỉ làm những gì mà thế giới "nội tâm mách bảo". Còn theo như bạn mô tả thì tôi thấy cháu nhà mình hoàn toàn giao tiếp bình thường và rất chủ động trong việc hỏi bà, hỏi mẹ về điều trẻ muốn, nên bạn yên tâm.

Vậy nên dạy cháu như thế nào? Đây là một câu hỏi không dễ. Như bạn thấy, chúng ta biết rất nhiều đến hiện tượng trẻ thần đồng, nhưng vì chưa có một cơ sở chính thức nào nghiên cứu và phát triển những năng lực bẩm sinh của trẻ mầm non nên không nuôi dưỡng được những đứa trẻ này thành nhân tài về sau. Sự dạy dỗ những trẻ mầm non như thế còn mang tính tự phát.

Hiện nay có một số cơ sở tư nhân đã chú ý đến những đối tượng này và các chuyên gia đã cố gắng xây dựng các bài giảng và phương pháp để phát huy những tố chất bẩm sinh cho trẻ bên cạnh sự hướng tới phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Với những trẻ đặc biệt thông minh cần trang bị cho trẻ chiến lược tư duy và duy trì cảm xúc tốt thì những yếu tố bẩm sinh sẽ không bị thui chột vì điều kiện sống và giáo dục không phù hợp. Những bài học cụ thể về phương pháp dạy trẻ thì bạn có thể liên hệ với các chuyên gia ở trường Mầm Non Hoàng Gia, 343 Đội Cấn Hà Nội.

TS. Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia Trường mầm non Hoàng gia, Equest Group, tel: 04 762 4788.

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]