Đặc sản vùng quê – bánh răng bừa

Về Thanh Hóa thưởng bánh răng bừa mới thấy hết được sự quý giá của những hạt gạo và sự khéo léo của những con người nơi đây… Những chiếc bánh dẻo thơm chấm vào bát mắm ngon thì không còn gì tuyệt bằng. Phải thưởng thức thì mới thấy hết vị ngon của hồn quê đọng lại trong từng miếng bánh!

0

Hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng từng lớn lên bằng hạt gạo từ đồng đất quê hương, chắc không thể nào quên mùi cơm gạo mới thấm đẫm bao mồ hôi, công sức của những con người lam lũ. Những hạt ngọc ấy không chỉ “đồng hành” hàng ngày với ta bằng những bát cơm trắng thơm mà còn là chất liệu để làm nên những loại bánh đặc sản dân gian của mỗi miền quê Việt. Về Thanh Hóa thưởng bánh răng bừa mới thấy hết được sự quý giá của những hạt gạo và sự khéo léo của những con người nơi đây…

Thanh Hóa, không chỉ có món nem chua nổi tiếng làm “say” lòng bao thực khách mà món bánh răng bừa cũng để lại nhiều dư vị khó quên. Bánh răng bừa (có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá), riêng người Thanh Hóa gọi tên như thế vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa.

Để làm nên những chiếc bánh thơm ngon, nguyên liệu không có gì đặc biệt, tuy nhiên cũng lắm công phu và đòi hỏi sự khéo léo. Nguyên liệu chính là ngạo tẻ, phải chọn loại gạo dẻo, thơm ngâm nước khoảng 3 – 4 giờ sau đó đem xay thành bột cùng với nước. Bột được xay xong cho lên bếp khuấy, trong quá trình này phải chú ý tay khuấy đũa liên tục sao cho bột không bị vón cục và cũng không quá chín, đây là công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo. Khi thấy nồi bột gạo có độ đặc sền sệt thì ta bắc xuống bếp, chuẩn bị công đoạn gói bánh.

Người ta thường dùng lá dong hoặc lá chuối để gói bánh. Nhân bánh gồm có hành khô, thịt ba chỉmộc nhĩ băm nhỏ trộn chung với hạt tiêu rồi đem xào chín trước khi mang ra làm nhân, nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn, đừng mặn quá mà cũng đừng nhạt quá.

Nếu bánh dùng trong những dịp lễ chay hoặc đi chùa thì nhân sẽ được thay thế bằng nhân đậu hoặc lạc. Những chiếc bánh thon dài, nhỏ như những chiếc răng bừa được xếp vào nồi chờ nổi lửa để “hoàn thiện” mình. Bánh có thể được đem hấp hoặc luộc tới khi chín. Khi mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra mùi thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ, cũng là lúc báo hiệu bánh chín.

Những chiếc bánh dẻo thơm chấm vào bát mắm ngon thì không còn gì tuyệt bằng. Phải thưởng thức thì mới thấy hết vị ngon của hồn quê đọng lại trong từng miếng bánh. Xưa kia, chỉ những ngày giỗ tết, lễ tục thì trên mâm cỗ của người xứ Thanh mới xuất hiện đĩa bánh răng bừa như thể hiện lòng thành của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Giờ đây ta có thể thưởng món bánh răng bừa ở bất kỳ những góc chợ quê, những quán ăn, nhà hàng hay trong các tiệc cưới hỏi trên mảnh đất xứ Thanh này.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]