Đào rừng có nguy cơ tuyệt chủng

Một cành đào rừng có giá lên tới 7-8 triệu đồng. Cành trung bình cũng có giá 2-2,5 triệu đồng. Cành rẻ nhất khoảng 500.000 đồng, vẫn đắt gấp 5-7 lần đào cành Nhật Tân, Phú Thượng. Sự lên giá của đào rừng trước Tết khiến nhiều người dân ở Hà Nội giật mình.

0

Tết Bính Tuất năm nay, mặc dù đào Nhật Tân, Phú Thượng và đào từ khắp các tỉnh Nam Định, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... vẫn tràn ngập đường phố Hà Nội, nhưng lại không được “tôn sùng” như những năm trước. Thay vào đó, người dân đổ xô đi mua đào rừng, gồm 2 loại: đào phai và đào bích.

 

Đặc biệt, từ hôm 27 đến chiều 29 Âm lịch, đào rừng rất "hút" khách. Đến chiều tối đêm giao thừa, có tới 95% cành đào rừng ở Yên Phụ, Quảng Bá, Nghi Tàm đã được bán hết. Theo anh Đinh Văn Năm, gần 40 tuổi, quê ở Phú Thọ, sở dĩ năm nay người dân chuyển sang mua đào thế vì người Hà Nội chạy theo phong trào. Ước tính, đến chiều đêm giao thừa, đã có hàng ngàn cành đào rừng được người Hà Nội mua về đón tết.

Về phía khách hàng, anh Nguyễn Xuân Lê, nhà ở phố Thuỵ Khuê cho biết anh đi mua đào rừng vì đọc thấy một số bài báo nói về vẻ đẹp đặc biệt của đào rừng so với giống đào Nhật Tân, Phú Thượng truyền thống. Anh Lê cho rằng, thực sự đào rừng đẹp hơn đào Nhật Tân, Phú Thượng ở chỗ là loại đào cổ thụ. Hoa đằm thắm hơn. Cành chắc và khoẻ hơn, đặc biệt mang vẻ rêu phong, xù xì. Giá trị của những cành đào thế còn ở chỗ đã qua thời gian sương gió, lâu năm ở vùng rừng núi. Nhiều cành còn nguyên dây leo, rêu đeo bám.

Trong khi đó tại thị trấn SaPa (Lào Cai) đã xuất hiện chợ đào rừng từ hôm 20 tháng Chạp âm lịch. Phần lớn đào được khai thác từ các thung lũng đào cổ thụ rất lớn và nổi tiếng ở Tả Phìn và San Sả Hồ, Ô Quy Hồ, Cát Cát... Đa số cây đã có tuổi hàng trăm năm. Người dân tộc Mông, Dao ở đây đã đốn hạ rồi đem về thị trấn bán chủ yếu cho giới lái buôn đem về Hà Nội và Hải Phòng. Cả một rừng đào trải rộng đến gần đây đã bị chặt nham nhở. Một số lái buôn còn tìm vào tận các bản để đặt mua nguyên cả cây đào rừng với giá trung bình là 2 triệu đồng/cây, sau đó đốn hạ và chở về Hà Nội.

Cũng tương tự, dọc đường từ Yên Bái về Hà Nội, đào rừng cổ thụ cũng được hàng trăm trẻ em chặt xuống, mang ra chào mời du khách dọc hai bên đường.

Trước hiện tượng trên, nhiều người bày tỏ lo ngại. Cứ theo đà trên, chỉ cần vài ba cái Tết nữa, đào rừng ở Tây Bắc, mà trọng điểm là Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái... sẽ biến mất. Đây cũng là một hành vi phá rừng, xâm hại đến tài nguyên quốc gia, tài sản có giá trị văn hóa của dân tộc, cần phải kịp thời ngăn chặn.

 

Theo Văn Phúc Hậu
Sài Gòn giải phóng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]