Để trẻ không... trộm đồ

Là cha mẹ, chắc hẳn bạn sẽ rất sốc khi biết con mình có tật trộm đồ. Thế nhưng điều gì cũng có thể xảy ra với bọn trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mới lớn

15.6131
>
>
>
>
 
Tại sao trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên lại có hành vi trộm đồ

Các chuyên gia cho biết, trẻ em ở mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo cho đến vị thành niên, đều có thể xuất hiện tính tắt mắt vì một số lý do sau đây:

- Trẻ rất nhỏ đôi khi lấy những thứ chúng muốn mà không hề biết những thứ đó có giá trị về mặt tiền bạc. Chúng cũng không hề biết rằng lấy một vật mà không trả tiền hoặc không được phép là một sai phạm. Trẻ ở độ tuổi đến trường thường nhận thức được đó là việc làm sai trái, nhưng chúng nghĩ rằng vẫn có thể làm vì không thể bị phát hiện.
 
- Trẻ em cận tuổi vị thành niên và vị thành niên không có ý định trộm đồ nhưng có thể vì quá thích thú với thứ đó hoặc là bởi vì bạn bè của chúng cũng làm như vậy. Một số tin rằng mình có thể không bị phát hiện.
 
- Và những nguyên nhân phức tạp khác có thể là do một vài nhân tố đó là trẻ con có thể tức giận hoặc muốn tạo sự chú ý. Trong những trường hợp khác, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên trộm đồ vì chúng không đủ tiền trả cho thứ mà chúng muốn. Cũng có trường hợp, chúng ăn trộm đồ vật để bán lấy tiền dùng vào những việc mà bố mẹ không khuyến khích như ăn quà vặt, chơi điện tử....

Khi con trộm đồ vì bất kể một lý do gì, đừng ngay lập tức đánh mắng chúng. Hãy tìm hiểu gốc rễ của vấn đề rằng tại sao chúng lại trộm đồ và trộm đồ ở đâu, rồi tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Cha mẹ nên làm gì?

Khi đứa trẻ bị bắt về tội ăn cắp, thì phản ứng đầu tiên của cha mẹ phải phụ thuộc vào việc chúng ăn cắp lần đầu hay là đã thành thói quen.

Đối với một đứa trẻ rất nhỏ, cha mẹ cần chỉ bảo cho chúng rằng ăn cắp là một hành động xấu. Hãy nói với con rằng việc lấy một vật gì đó mà không hỏi hoặc không trả tiền là một việc sai trái. Ví dụ như nếu một trẻ mẫu giáo lấy một chiếc kẹo mà không hỏi thì cha mẹ cần yêu cầu chúng để lại. Nếu chúng đã trót ăn thì cha mẹ nên gọi chúng lại và yêu cầu xin lỗi vì đã không hỏi xin.

Đối với trẻ độ tuổi đến trường cũng vậy. Rất là quan trọng khi yêu cầu chúng trả lại vật đã bị lấy cắp. Ở độ tuổi cấp một hoặc cấp hai thì trẻ nên được dạy rằng ăn cắp là một thói quen xấu. Hơn nữa, cha mẹ cần cho chúng biết ăn cắp sẽ gây ra hậu quả như thế nào.

Ví như trường hợp của bé Linh, con chị Thủy (Cầu Giấy - HN). Một hôm, bé về nhà với một chiếc đồng hồ của người bạn. Chị biết chắc rằng cháu bé đã lấy mà không hề có sự cho phép của bạn mình. Chị đã rất đúng khi ngay lập tức hỏi cháu Linh: “Con sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn con lấy của con mà không hỏi?”. Sau đó chị Thuỷ đã khuyên con gọi cho bạn mình và xin lỗi, giải thích về chuyện đã xảy ra và hứa sẽ hoàn trả lại nó.

Khi trẻ vị thành niên ăn cắp, cha mẹ nên nghiêm khắc hơn. Ví dụ, khi chúng bị phát hiện là đã ăn cắp, cha mẹ có thể đưa chúng lại và gặp bộ phận bảo vệ để giải thích và xin lỗi về việc vừa xảy ra. Việc trừng trị mạnh tay hơn, đặc biệt là sự trừng phạt về thể xác là một điều không nên và có thể khiến cho bọn trẻ hờn dỗi, thậm chí sau đó chúng sẽ cư xử tồi tệ hơn.

Trẻ em mọi lứa tuổi cần được biết rằng việc lấy cắp đồ vật ở cửa hàng không đơn thuần chỉ là lấy đồ vật mà là lấy cắp tiền bạc của người khác. Ngoài ra, chúng nên được giáo dục rằng việc ăn cắp, nếu quá sẽ trở thành tội phạm và có thể bị đưa vào trại giáo dưỡng trẻ em vị thành niên, thậm chí là vào tù.

Nếu ăn cắp tiền của cha mẹ, chúng phải được yêu cầu trả lại cùng hình phạt làm những công việc gia đình. Tuy nhiên cha mẹ cũng không nên bẫy bọn trẻ bằng cách để tiền hớ hênh và rình bắt chúng. Như vậy sẽ phá vỡ lòng tin giữa cha mẹ và con cái.

Nếu bọn trẻ vẫn tiếp tục ăn cắp

Nếu con bạn vẫn tiếp tục ăn cắp và trở thành thói quen thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng.

1/3 trẻ vị thành niên bị bắt trong khi đang ăn cắp vặt thú nhận chúng rất khó từ bỏ việc này. Vì vậy việc giúp trẻ con và trẻ vị thành niên hiểu được tại sao ăn cắp là xấu và chúng sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng thế nào nếu tiếp diễn là rất quan trọng.

Một số chuyên gia dưới đây có thể tư vấn cho bạn hoặc con cái bạn về vấn đề này và giúp bạn có thể giải quyết nó; bác sỹ tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn gia đình; bác sỹ gia đình (người có thể giới thiệu bạn đến với 2 chuyên gia trên); cố vấn giáo dục (đặc biệt trong trường hợp con bạn ăn cắp ở trường).

Mặc dù hầu hết các hành vi thông thường của trộm cắp hay ăn cắp vặt đều có chủ tâm, nhưng với một vài đối tượng thì ăn cắp lại là do có tính tắt mắt. Nhưng dù đó là nguyên nhân rõ ràng nào đi chăng nữa, nếu ăn cắp đã trở thành thói quen của con cái bạn thì bạn nên phản ánh vấn đề này với bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý để tìm hiểu gốc rễ vấn đề, từ đó có giải pháp ngăn ngừa, giáo dục. Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên để tâm đến con cái và quan sát những hành vi, cách cư xử của chúng. Đồng thời không được để cho chúng rơi vào những tình thế quá thuận lợi khiến chúng không thể kiểm soát được trạng thái tâm lý hành vi của mình và hãy nói cho chúng biết hậu quả nghiêm trọng của việc ăn cắp. Có như vậy những đức tính tốt sẽ dần được hoàn thiện trong con người chúng thay vì những thói hư tật xấu.
 
Theo Tư vấn tiêu dùng
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]