Điếc đột ngột - căn bệnh còn nhiều bí ẩn

Nhiều người trông rất khỏe mạnh, không có một biểu hiện bất thường nào bỗng một hôm phát hiện không nghe được gì. Chuyên gia thanh thính học cho biết, đấy biểu hiện của điếc đột ngột, căn bệnh đang là một bí ẩn đối với ngành tai mũi họng.

0

Anh Thành, nhân viên văn phòng, một sáng ngủ dậy bỗng dưng thấy bị ù tai trái, không còn nghe được. Kết quả đo thính lực tại phòng khám chuyên khoa thính học cho thấy, sức nghe tai trái giảm 50%. Sau 10 ngày điều trị tích cực, thính lực của anh Thành mới hồi phục hoàn toàn.

Tai luôn dính chặt với headphone có thể làm giảm thính lực. Ảnh: Võ An.

Anh Hoàng 40 tuổi (Trà Vinh) đang điều trị bệnh cao huyết áp. Đến một ngày, anh cảm thấy ù tai và không nghe được. Nghĩ là do bị cao huyết áp anh chỉ tiếp tục điều trị bệnh này mà không nghĩ tai đang có vấn đề. Gần một tháng, thấy vẫn chưa nghe được anh mới đến Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM và được chẩn đoán bị điếc đột ngột. Do nhập viện trễ, thính lực của anh chỉ phục hồi được 30%. Hiện anh Hoàng không thể phân biệt được âm thanh rõ ràng nên rất khó khăn trong giao tiếp.

"Tôi cảm thấy như bị đẩy ra ngoài cuộc sống đời thường vì không nghe, không hiểu những người xung quanh nói gì", anh Hoàng tâm sự.

5 cách phòng ngừa suy giảm thính lực

- Đối với điếc đột ngột, việc phòng ngừa chủ yếu là nghỉ ngơi, thư giãn để giảm lo lắng, giảm stress nhằm hạn chế những tổn thương gây tắc mạch máu nuôi tai.

- Không lấy ráy tai hoặc vệ sinh tai bằng cách đưa vật lạ vào vì điều này dễ gây viêm nhiễm và tổn thương tai, ảnh hưởng đến hệ thống tiếp nhận âm thanh.

- Khi có hiện tượng ù tai, chóng mặt hay giảm sức nghe thì đi khám ngay, không nên chủ quan vì càng để lâu thì khả năng phục hồi thính lực càng thấp.

- Hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá hoặc đề phòng tình trạng chấn thương gây ảnh hưởng đến vùng tai.

- Để phòng ngừa điếc nghề nghiệp, cần thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cá nhân và tập thể như trang bị thiết bị che chắn tai và giảm tiếng ồn.

Theo bác sĩ Lê Long Hải, chuyên gia thanh thính học phòng khám quốc tế SOS, mỗi năm cứ 100.000 người thì có khoảng 5-20 người bị điếc đột ngột, chưa tính những người không đến bệnh viện kiểm tra. Bệnh này thường xảy ra ở độ tuổi 46-49 (cả nam lẫn nữ), rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em và thanh niên. Hầu hết các trường hợp, triệu chứng bắt đầu ở một bên tai.

Khả năng khôi phục thính lực tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nguyên nhân gây bệnh, thời gian phát hiện bệnh, các bệnh có liên quan. Mặc dù rất khó xác định nguyên nhân gây ra bệnh nhưng nếu được điều trị sớm và phù hợp, những bệnh nhân điếc đột ngột có thể khôi phục lại thính lực bình thường. "Điều trị càng sớm cơ hội hồi phục hoàn toàn càng cao", bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Các phương pháp điều trị bao gồm việc tăng cường lưu thông máu trong ốc tai, giảm lượng dịch ở tai trong, điều trị viêm nhiễm và tăng lượng oxy ở tai trong. Các nhà thính học sẽ sử dụng thuốc kích thích vùng não, vật liệu lỏng (như destran), kích thích meglumine hoặc tăng cường lưu thông (trong tĩnh mạch), liệu pháp vật lý bội áp suất oxy, chất chống đông, phẫu thuật tức thời để thông hoặc chống rò rỉ và điều trị ngắn ngày (kết hợp với thuốc) để chữa chứng điếc đột ngột.

Mỹ Lan

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]