Điều gì khiến PS4 thành công?

10 triệu bản trong chưa đầy 1 năm ra mắt, PS4 rõ ràng đang có một khởi đầu cực kì thuận lợi. Nguyên nhân nằm ở đâu?

15.6

Nghe có vẻ nực cười khi mà vấn đề hiện tại của Sony đối với PS4 là tại sao nó lại đắt khách đến như vậy. Shuhei Yoshida, chủ tịch của Sony Worldwide Studio, đã phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây: “Mọi việc vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”. cứ ngỡ đó chỉ là một câu nói mang ý khiêm tốn nhưng chúng ta có thể biết rằng Yoshida nghiêm túc ngay sau đó, khi mà ông hỏi phóng viên rằng liệu đâu là nguyên nhân.

Việc Sony bỏ xa hai đối thủ lớn của mình là Nintendo và Microsoft trong cuộc đua doanh số console quả là một điều khá bất ngờ. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải là không giải thích được.

Mức giá cạnh tranh hơn cả người tiền nhiệm của chính mình

Về giá cả, chắn hẳn ai cũng biết rằng giá ban đầu của PS4 là rẻ hơn 100 USD so với Xbox One. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mà chúng ta đề cập đến lần này. Hãy cùng nhìn lại quá khứ một chút.

Vào năm 2006, khi ra mắt thì PS3 có giá 499 USD hay 599 USD. Mức giá này xét thêm tỉ lệ lạm phát thì ở thời điểm hiện tại, một chiếc PS3 thời đó có giá 708 USD. PS4 ra mắt vào năm 2013 với giá 399 USD, tức thấp hơn khoảng 44% so với PS3 nếu ở cùng một mặt bằng giá.

Ngược lại, Xbox 360 từ những ngày đầu có giá 299 USD và 399 USD, cộng thêm các loại chi phí khác thì mức giá cao nhất của Xbox 360 rơi vào 486 USD - không khác biệt so với giá của Xbox One khi ra mắt. Tất nhiên, mức giá mà Xbox One đưa ra thực sự là không quá xa xỉ cho một cỗ máy chơi game cấu hình như vậy, có điều là Sony đã khôn ngoan hơn. Mức giá chiến lược là một trong những yếu tố quan trọng khiến những chiếc PS4 liên tục bay khỏi kệ hàng trong thời gian qua.

Nắm bắt tốt tâm lý của các game thủ

Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng khả năng lựa chọn thời điểm của Sony là cực kỳ tốt. Xbox 360 ra mắt vào năm 2005, sớm hơn so với PS3 một năm nhưng khi đó PS2 vẫn đang có chỗ đứng vững chắc. PS3 dù chậm chân nhưng nhìn vào kết quả cuối cùng nó vẫn đạt doanh số ngang ngửa so với Xbox 360.

Năm 2013, PS4 ra mắt cùng lúc cùng Xbox One. Có thể nhiều người nghĩ Sony e ngại Microsoft nên mới quyết định như vậy. Tuy nhiên, hãy nhìn lại khoảng thời gian giữa 2 thế hệ console, 7 - 8 năm là đủ dài để người chơi bắt đầu cảm thấy ‘ngán’ một thế hệ console.

Vì vậy, có thể nói thời điểm ra mắt của PS4 hay bất kỳ người tiền nhiệm nào của nó cũng là cực kỳ hợp lý, giống như Sony đi guốc trong bụng đối thủ cũng như người dùng vậy.

Thế mạnh về sự tập trung của console

Đến đây câu chuyện không còn là sự cạnh tranh giữa Sony và Microsoft với nhau mà là giữa console với những thiết bị chơi game khác. Sự phát triển đáng kinh ngạc của casual gaming trên smartphone và tablet, sức mạnh trường tồn của những cỗ máy chơi game cực khủng – PC; tất cả đặt nên câu hỏi liệu console có còn chỗ đứng nữa hay không?

Số liệu thống kê đã trả lời câu hỏi này thay chúng ta. 10 triệu bản PS4 được bán ra chính là minh chứng rõ ràng cho sự vững vàng của console trước những đối thủ đáng gờm kia. Và câu hỏi tiếp tục được đưa ra, điều gì khiến cho PS4 nói riêng và console nói chung có thể làm được như vậy?

Trước tiên, cuộc chiến cấu hình giữa PC và console đã nguội đi phần nào. Đúng vậy, bạn sẽ dễ dàng tìm được một bộ vi xử lý và card đồ họa mạnh hơn bất cứ console next-gen nào. Tuy nhiên, console bây giờ không còn dễ bị lỗi thời, PC thì ngược lại hoàn toàn. Tuổi đời để một cỗ PC không mang mác lỗi thời bây giờ có lẽ tầm nửa năm đến 1 năm, không tính đến sức mạnh thì đây đã là một điểm trừ lớn, nó đánh thẳng vào tâm lý của game thủ. Tuy vậy, các nhà sản xuất thiết bị PC không còn quan tâm nhiều đến vấn đề đó nữa mà tập trung vào việc làm sao để phát triển một cỗ máy có cấu hình thấp mà lại có hiệu năng cao.

Có thể so sánh như thế này cho dễ hình dung, đối với thị trường game smartphone đang phát triển mạnh mẽ thì console giống như là một thị trường ngách (niche market) của nó vậy, tuy nhiên, những cỗ PC hi-end dành riêng cho chơi game lại là một ngách thậm chí còn nhỏ hơn so với cả console. Những bộ môn eSport lại càng khiến cho cái ngách đó nhỏ dần đi.

Tiếp theo, thị trường game của iOS và Android không chỉ không ngừng mở rộng, mà còn tạo ra được những công ty có trị giá lên đến hàng tỉ đôla như Supercell và King. Tuy nhiên, những game thủ hardcore không bao giờ dành hơn nửa con mắt cho những game tính giải trí như Candy Crush cả, nếu có thì những Clash of Clans cũng chỉ có thể làm họ để tâm đến trong vài chục phút hoặc vài giờ là cùng. Đây là phần bù chứ không phải sự thay thế đối với console.

Việc ra mắt và phân phối trở nên dễ dàng hơn trước

Sony hay cả Microsoft đều nhận được lợi ích từ sự phát triển, thay đổi thói quen mua hàng của cả thế giới. PS4 đã có thể ra mắt với nhiều nước trên thế giới nhanh hơn so với những người tiền nhiệm của nó. Sony cũng nỗ lực rất nhiều để đẩy mạnh tốc độ cho việc phân phối PS4. Những yếu tố kể trên đã làm việc mua và bán diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Có một nghịch lý là mặc dù doanh số tăng cao nhưng Sony lại đang tỏ ra lo lắng thay vì vui mừng hết số. Yoshida cho biết: “Liệu chúng tôi đã tiếp cận được hết các bộ phận game thủ rồi hay không? Nếu vậy thì thật đáng lo bởi thời gian tiếp theo chúng tôi chẳng thể bán được cho ai nữa cả.

Đối với cả Sony và Microsoft, thành công vang dội ngay từ sớm như vậy là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, họ - những nhà phát triển console – đang phải giải quyết một bài toán đau đầu: Làm sao để mọi thứ tiếp tục thuận lợi trong khi số người tự xưng là game thủ ngày càng ít, những tựa bom tấn dần trở nên thưa thớt và smartphone cũng như những thiết bị điện tử khác đang dần chiếm lấy thời gian của hầu hết mọi người?

Để đẩy con số từ 10 triệu lên 90 triệu thì có lẽ Sony nên bắt đầu tìm kiếm một chiến lược mới. Đó chắc chắn sẽ không phải là một điều không phải dễ dàng cho Yoshida và tập đoàn của ông.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]