“Làm thầy giáo dạy học ở Trường Sa có nhiều điều để khắc cốt lắm cô ạ! Vất vả có, thiếu thốn có nhưng thiêng liêng lắm, chẳng nơi đâu có được” - lời bộc bạch của anh mở đầu cho câu chuyện về người “gõ đầu trẻ” ở xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) với nhiều điều độc đáo mà đất liền không bao giờ
có được.

Bỗng dưng được làm thầy

Tôi lang thang ở Song Tử Tây chụp ảnh, ghé vào một lớp học được tận dụng từ hội trường của Ủy ban nhân dân xã đảo. Tôi chợt bồi hồi khi nhìn người thầy giáo trẻ tay cầm viên phấn trắng tỉ mẩn, nắn nót từng chữ trên bảng xanh với lớp học có sĩ số 2 học sinh. Tôi bị thu hút bởi cách anh đặt câu hỏi để học sinh trả lời rồi từ đó hiểu được bài. Câu hỏi không đánh đố, cách đặt vấn đề dí dỏm, dễ hiểu cộng với cái giọng trầm ấm và nước da ngăm đen đặc trưng của biển là những phác thảo đầu tiên về bức chân dung thầy giáo Trương Xứ Long.

“Thời gian trôi xa quá, nhìn lại cứ nghĩ mới hôm qua mình làm đơn tình nguyện gửi lên Tỉnh đoàn Khánh Hòa để xin được ra đảo. Đợt đó tỉnh chỉ tuyển có 12 công chức xã đảo ra huyện Trường Sa mà có 70 bộ hồ sơ nộp lên. May mắn là mình đã vượt qua tất cả các vòng xét hồ sơ, phỏng vấn” - anh Long nhớ lại. Chàng thanh niên 21 tuổi nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm là đội viên đội thanh niên tình nguyện xã Sơn Lâm (Khánh Sơn, Khánh Hòa) thuộc biên chế của Tỉnh đoàn Khánh Hòa. Quen với những chuyến đi, quen với những vùng đất mới cho nên khi nghe tin tỉnh tuyển công chức cho Trường Sa anh liền xung phong.

Tháng 4.2008, anh Long cùng với 11 thanh niên ra Trường Sa và được phân công về xã đảo Song Tử Tây cùng với 3 người bạn. “Trước khi lên đường tôi đang học trung cấp tin học nên phải bỏ giữa chừng, tỉnh cho tôi học một lớp sơ cấp về kỹ năng giảng dạy, không ngờ lớp sơ cấp đó là cơ duyên đưa tôi tới cái nghề “gõ đầu trẻ” hôm nay” - anh Long hào hứng kể. Nhớ lại ngày đầu bước chân đến lớp anh không kìm được tiếng cười vang: “Ba người cùng đi với mình cũng là nam, mình trẻ nhất nên được phân công dạy các cháu đang học lớp mầm, lớp lá. Nhận lớp, nhận cháu mà người mình cứ ngớ ra. Cháu cười, ngủ thì sung sướng rồi, cháu mà khóc lên thì bối rối lắm. Các cháu đi vệ sinh thì hốt hoảng như… cháy nhà. Loay hoay cả buổi mà không biết làm thế nào, thế là chạy xuống nhà dân, kêu phụ huynh lên xử lý giúp. Nhìn mẹ bé thay tã, lau dọn mình bắt chước, sau lần đó mình thấy chăm em bé, dạy mẫu giáo cũng không khó lắm”.

“Làm chú nuôi dạy trẻ được một năm, khi các cháu lớn thì mình cũng được vượt cấp lên dạy lớp 1 rồi lớp 2, lớp 3… Thầy cứ được dạy tăng lớp theo trò. Có nhiều cháu lớn đi vào đất liền học lên cấp 2 thì mình cũng thất nghiệp. Khi đó, tôi lại đợi lớp mầm, lớp lá mới, sẽ bắt đầu với tiếng trẻ con khóc, nhưng lần này chắc sẽ không bỡ ngỡ như cái ngày đầu tiên đi làm chú nuôi dạy trẻ” - anh Long cười hóm hỉnh.

Chỉ thầy giáo ở Trường Sa mới có!

Anh Long bên vườn rau tăng gia của mình

“Bỗng dưng được làm thầy giáo, rồi lại làm thầy giáo ở huyện Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây, có gì khác biệt? Anh có cảm thấy thiệt thòi so với thầy cô giáo ở đất liền không?” - trả lời câu hỏi của tôi, anh Long không giấu vẻ tự hào: “Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng được làm thầy giáo ở Trường Sa là một điều may mắn và thiêng liêng, tôi không thấy gì thiệt thòi cả mà tôi luôn xem việc mình làm hôm nay là món quà mà tôi dành tặng cho tuổi trẻ của mình”.

Nói là nói vậy nhưng vẫn có những khó khăn, năm đầu đi dạy, các phụ huynh không tin tưởng những thầy giáo “tay ngang” như anh bởi anh không tốt nghiệp đại học hay cao đẳng chuyên về sư phạm. “Phụ huynh hay lên lớp xem thầy dạy thế nào? Kiến thức có chuẩn không? Hơn nữa mình lại không soạn giáo án vì đặc thù của lớp, cứ thấy sách giáo khoa có gì thì mình dạy đó, có thể mình giống một gia sư chuyên nghiệp hơn là một thầy giáo. Nhưng khi phụ huynh thấy các con hiểu bài, hỏi đâu cũng biết, thầy hỏi gì cũng trả lời được thì họ yên tâm. Hơn nữa khi các em vào đất liền để học lên nữa các em học rất giỏi”. Nói đoạn anh Long liệt kê những cựu học sinh của mình như em Huỳnh Thị Tố Ngân, đang là học sinh giỏi cấp trường và là thành viên đội tuyển chuyên toán lý của trường cấp 2 Cam Ranh; em Phan Thị Thu Quyền, học sinh giỏi, thành viên đội văn nghệ của trường; Huỳnh Thị Bảo Trâm, em ruột của Tố Ngân đang học lớp 4 ở đảo, học rất khá…

“Vui là vui vậy nhưng mình cũng có rất nhiều cái để lo. Đảo rất đẹp nhưng không đủ để trí tưởng tượng của các em bay bổng. Ví dụ khi nói về cánh đồng lúa mình lên mạng tìm những bức ảnh đẹp về đồng lúa cho các em xem, các em biết mạ màu xanh, lúa chín màu vàng nhưng các em không thể tưởng tượng ra tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu trong cánh đồng, các em không biết mùi thơm của lúa trổ… Ngay cả xe cộ, nhà cửa, một trường học lớn, một lớp học với sĩ số lớp 30, 40 học sinh là như thế nào. Ở đây có 1 thầy, 2 trò cũng có lớp 1 thầy 1 trò, mình vui vì có điều kiện được giảng cho các em tỉ mỉ hơn, thầy hỏi, trò trả lời, không cần đưa tay phát biểu nhưng khi vào đất liền thì muốn phát biểu phải đưa tay, xung phong. Các em cứ giữ thói quen ở đảo, chỉ chờ thầy cô gọi nên trở thành thụ động, thầy cô trong đất liền phàn nàn lắm, sinh hoạt lớp phê bình rằng các em học giỏi nhưng lười phát biểu. Các em buồn, gọi điện về cho thầy, thầy phải an ủi, phải mất một năm hoặc hơn các em mới bắt nhịp được với cách học của đất liền. Sau những lần đó, trong giờ học mình bắt phải giơ tay xin phát biểu để cho các em quen đi” - anh Long bộc bạch.

“Thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn về trang thiết bị phòng học, nhưng không đáng sợ bằng việc thầy cô trên đảo thiếu thốn về kiến thức đâu. Trong đất liền các em có thể đọc thêm sách báo, lên mạng để tìm kiếm thông tin, nhưng ở trên đảo các em chỉ biết trông cậy vào thầy” - anh Long trầm ngâm. Anh kể, trong giờ tự nhiên học sinh hỏi về hệ mặt trời, về vũ trụ, ngân hà… hoặc ai đó nhờ các em giải một bài toán hình học, các em lại mang lên lớp hỏi thầy. “Có những câu hỏi bất ngờ, “làm khó” thầy, thầy phải mang về nhà, không làm được thì cầu cứu đất liền, cầu cứu Internet, mình phải trả lời cho bằng được. Không như ở đất liền, thầy giáo ở Trường Sa phải biết hát, biết múa, kiêm luôn cả giáo viên thể dục, phụ trách trang thiết bị lớp học… bởi không ai có thể làm thay mình những việc đó” - anh Long tâm sự.

Ngoài nhiệm vụ là một công chức xã kiêm thầy giáo, anh Long và 3 người bạn của mình đều là đội viên thuộc Tiểu đội dân quân tự vệ biển, cũng ra thao trường, diễn tập, tập luyện theo kế hoạch của cấp trên. Những năm trước, anh cùng với đội vẫn gác đêm bảo đảm an toàn cho dân. Hiện nay hệ thống đèn pha, đèn điện được trang bị, bao quanh đảo nên bây giờ anh và đội chỉ đi tuần tra theo ca. “Đố phóng viên tìm được thầy giáo nào vừa là lính, vừa là công chức xã, vừa là anh nông dân thứ thiệt như mình đấy, chỉ có ở Trường Sa mới được vậy thôi!” - anh Long cười tươi.

Bố mẹ đã bước qua tuổi 60 mà đứa con út vẫn cứ mải miết ở đảo xa, một chút chạnh lòng, anh bồi hồi: “Gần 5 năm đến với Song Tử Tây, đến với Trường Sa, 4 lần đón tết, những lúc giao thừa gọi điện về nhà, dù đã cố gắng nhưng nước mắt cứ chảy ra. Ông bà muốn mình về để còn kiếm người yêu, cưới vợ nhưng cứ nghĩ đến những đứa trẻ, nghĩ đến Song Tử Tây lúc nào cũng xanh ngắt những hàng cây bàng vuông, phong ba… mình lại xin bố mẹ cho con ở với đảo một thời gian nữa. Bố mẹ nghe rồi cũng đồng tình, sự đồng tình của bố mẹ chính là món quà to lớn dành cho mình trong suốt những năm tháng gắn bó với Song Tử Tây, với Trường Sa. Nếu được chọn lại mình vẫn sẽ xung phong đi Trường Sa” - anh khẳng định.