Di sản tôn giáo độc đáo tại Yogyakarta

15.5962

Là nơi núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Java nhưng Yogyakarta cũng là nơi còn lưu giữ nhiều vết tích hình thành, phát triển và diệt vong của tộc người Java, dân tộc đông nhất tại Indonesia.

Đền ngàn Phật

Đền Borobudur cách thành phố Yogyakarta 40 km về phía tây bắc, một vùng đất linh thiêng trong tín ngưỡng của người dân tại đảo Java. Nằm ở địa thế khá đẹp, đền tọa lạc giữa hai cặp núi lửa Sundoro-Sumbing và Merbabu-Merapi, giữa hai dòng sông Progo và Elo.

Cao hơn mặt nước biển 265 m, đền Borobudur tựa lưng vào núi, từng bị tro bụi núi lửa và rừng rậm bao phủ hàng thế kỷ. Có giả thuyết cho rằng người dân bản địa chuyển sang theo đạo Hồi nên đền Phật giáo bị bỏ trống, trong khi nhiều người cho rằng người dân rời bỏ vùng này để tránh các đợt núi lửa phun trào nên ngôi đền cũng bị lãng quên.

Hàng trăm tháp stupa và khám thờ tượng Phật.

Dù trưa nắng gắt trên đỉnh đầu nhưng nhiều du khách Á - Âu vẫn đi lại quanh cửa đền, ngắm nhìn những bức phù điều khắc các tích trong lịch sử Phật giáo và các triết lý sống trong kinh Phật.

Quấn xà rông cho cả khách và mình, hướng dẫn viên tên Atin nói về ý nghĩa của từng viên đá, bậc thềm trên đường lên đền. Năm 824, những người thợ đã vác đá được mài cắt đầy đủ kích cỡ từ núi lửa quanh vùng về xây đền, đánh dấu thời kỳ phục hưng của Phật giáo tại Java. Những hòn đá được gắn kết, cố định với nhau qua các chốt, không cần vật dính, giống như trò chơi xếp hình.

Ngọn đền có 9 tầng với 504 bức tượng Phật, phần lớn đã mất đầu hoặc tay. Atin giải thích nguyên nhân một phần do sơ suất khi khai quật, một phần bị đánh cắp. Nhiều tháp stupa tại ba tầng trên cùng bị tín đồ Hồi giáo đánh bom hư hại năm 1985.

Khi núi lửa Merapi phun trào hồi tháng 10/2010, dù cách xa 28 km, đền bị tro bụi phủ dầy tới 2,5 cm, phải đóng cửa nhiều ngày để dọn dẹp.

Dấu ấn Hindu giáo

Rời Borobudur, du khách đến với khu liên hiệp thánh đường Hindu Prambanan cách Jogja 18 km về phía đông. Trên đường vào đền, xe đi qua một khu vực bị đất đá từ núi lửa Merapi phun trào còn phủ đầy trên nhà cửa ruộng vườn của người dân. Những chiếc xe ủi kết hợp với những bàn tay cầm xẻng cuốc đang khơi thông lại không gian sống bị phủ đất đất đá bụi mù. Trong khi đó, nhiều người dân bản địa còn ra đường bán những chiếc đĩa VCD hoặc hình ảnh ghi lại ngày núi lửa Merapi phun trào và cảnh người dân đi lánh nạn cho du khách dừng chân tận mắt nhìn một vùng đất rộng bị núi lửa san lấp.

Hình ảnh người dân trở về quê hương bị tan hoang sau cơn thịnh nộ của ngọn núi linh thiêng để dọn dẹp và ổn định, tiếp tục cuộc sống càng làm tăng thêm giá trị của những thứ có thể tồn tại sau thảm họa.

Quần thể đền Hindu Prambanan.

Đến cửa để vào khu vực đền Prambanan, điều dễ nhận thấy nhất là quần thể các ngọn tháp đang chĩa thẳng mũi nhọn lên nền trời xanh phía xa xa. Prambanan có tháp chính cao nhất ở giữa và hàng trăm tháp nhỏ vây quanh.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một điều rất thú vị là các tháp của khu đền Hindu giáo này có kiến trúc và ý nghĩa hài hòa giữa triết lý Phật giáo và Hindu giáo, thể hiện ở thân và đỉnh tháp. Lời giải thích cho sự kết hợp trên vẫn chưa được tìm thấy.

Theo truyền thuyết, những ngôi đền trong khu liên hiệp Prambanan được một hoàng tử xây dựng trong một đêm khi nhận lời thách thức để được cưới một cô gái. Nhưng anh Luna, một hướng dẫn viên thì khẳng định vua Rakai Pikatan đã chỉ huy những tín đồ Hindu mang đá núi lửa về xây đền từ năm 850, đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của đạo Hindu. Tổ hợp như một câu trả lời của triều đại Hindu Sanjaya đối với đền Borobudur và Sewu của triều đại Phật giáo Sailendra khi triều đình Sanjaya nắm quyền lực trở lại tại miền trung Java sau gần một thế kỷ.

Tàn dư của một ngọn tháp bị sập vì động đất.

Vào thế kỷ thứ 10, Prambanan bị bỏ hoang và hư hại dần, sau đó bị phá sập gần hết vì trận động đất mạnh thế kỷ 16. Trong thời gian đô hộ Indonesia, chính người Anh và người Hà Lan đã tìm và khai quật cả hai ngôi đền rồi đưa những tên tuổi này vào bản đồ di sản thế giới.

Nhìn sự hùng vĩ của thiên nhiên kết hợp với công trình nhân tạo khi mặt trời lặn dần phía sau đền, nhiều câu hỏi cứ lãng vảng trong đầu. Những người bản địa thế kỷ thứ 9 đã sống thế nào? Làm sao họ có thể chọn địa thế tuyệt vời và xây dựng công trình vĩ đại như vậy?

Dù bị động đất và tro bụi núi lửa nhiều năm phá hủy, chôn vùi, những công trình vẫn tiếp tục tồn tại nhờ vào chính sự trân trọng các dấu ấn lịch sử của người dân. Ngoài mục đích khai thác du lịch và dành cho các nhà khảo cổ nghiên cứu, hai di tích tôn giáo ở Yogyakartacòn là nơi hành hương lý tưởng hàng năm của tín đồ Hindu và Phật giáo trong và ngoài Indonesia.

Bài và ảnh: Kim Dung

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]