Độc đáo tranh lá khô mừng đại lễ

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã 'thổi hồn' vào những bông hoa, lá khô, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

15.6056
Những tác phẩm này sẽ được ông mang đến mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
Những ngày này, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu và những học trò của ông đang bận rộn hoàn thành các tác phẩm chuẩn bị cho chương trình triển lãm làng nghề thủ công Hà Nội hướng tới đại lễ 1.000 năm, diễn ra vào ngày 13/9.

Với chiếc kéo trên tay và nụ cười cởi mở, ông cho biết, sẽ mang đến triển lãm hàng loạt tác phẩm tranh ghép lá và hoa khô thật độc đáo về đất nước, con người và đặc biệt là về Hà Nội. Với ông, đây là cách bày tỏ tình yêu với mảnh đất nghìn năm văn hiến thiết thực nhất.

Miệng nói tay làm, nghệ nhân hào hứng kể về niềm đam mê làm tranh từ hoa, lá khô của mình. Ông cho biết, từ thời còn là một cậu sinh viên, vẻ đẹp giản dị của những chiếc lá khô .đã cuốn hút ông vô cùng. Nó là động lực khiến ông quyết tâm ghép muôn vàn những chiếc lá mỏng manh thành những tác phẩm nghệ thuật.

Với hàng trăm tác phẩm đầy tính nghệ thuật, ông được mệnh danh là "cha đẻ" của dòng tranh hoa lá khô Việt Nam và ông cũng là một trong 14 nghệ nhân Hà Nội được đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú. Những bức tranh được tạo ra từ đôi bán tay khéo léo của ông có sức hấp dẫn kỳ lạ. Nó không đơn giản bởi chất liệu độc đáo mà còn bởi mang đậm dấu ấn thiên nhiên với những sắc màu cơ bản mộc mạc, tươi tắn.

Qua hàng chục năm gắn bó với dòng tranh này, không có đề tài nào nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu không thể hiện được bằng lá khô. Ví như tranh sáng tạo chân dung, ông xử lý đơn giản mà vẫn chuyển tải được tâm hồn nhân vật, những suy tư hay niềm vui ánh trên khuôn mặt họ.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu giảng giải: “Muốn làm một tác phẩm phải chủ động suy tư xem bức tranh đó nói gì, hồn nó nằm ở đâu. Ngoài việc làm giống nguyên mẫu, tranh lá phải có lối đi riêng, là sự độc lập với các dòng tranh khác, có nghĩa là sự sáng tạo lần hai”.

Nghệ nhân Mưu cũng cho biết, khi dán lá, không đơn thuần là sự chắp vá thô sơ của những góc lá rách mà phải có sự phối màu chặt chẽ tạo sự mềm mại, sâu lắng cho từng bức tranh. Một bức tranh vẽ màu thì đơn giản nhưng khi xé lá nọ đè lá kia tạo thành màu trung gian và chi tiết từng tranh thì phải nhuần nhuyễn về kỹ thuật và phải hiểu "cái thần" của lá.

Ông đã làm nên “bộ từ điển” về hoa lá, các sắc tố cũng như quy trình tách chất đường, bột, mỡ ra khỏi lá, cách nhuộm màu để giữ độ bền cho những bức tranh hay lọ hoa của mình.

Nghệ nhân Mưu còn nỗ lực mở các lớp đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Rất nhiều người trưởng thành từ lớp dạy làm hoa khô, tranh lá của ông. Trong số đó có không ít thanh thiếu niên khuyết tật. Nghệ nhân Mưu bộc bạch: “Giúp các em có trong tay một cái nghề phù hợp để mưu sinh với cuộc sống là hạnh phúc của tôi”.

Cuối năm 2010, sau dịp đại lễ Hà Nội 1.000 năm, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu sẽ sang Nhật triển lãm loại hình tranh đặc biệt của mình. Đây cũng là một cơ hội tốt để ông góp phần quảng bá tinh hoa, văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Một số tác phẩm tranh hoa, lá khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu:

Rừng thu.

Phố cổ Hà Nội.

Cổng làng.

Những sắc màu vùng cao.

Những biến tấu trong sáng tác

Tháp rùa

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm.


Theo Báo Đất Việt

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]