Độc đáo tục khảo cây đúng 12 giờ trưa ngày Tết Đoan Ngọ

Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh.

15.6013

Ca dao Việt Nam xưa có câu:

“Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết giết sâu bọ) vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch là một trong những ngày lễ truyền thống đã đi sâu vào tiềm thức người dân Việt từ xa xưa. Cũng giống như nhiều vùng miền khác trong cả nước, ở Thanh Hóa, từ chiều ngày mùng 4, các chợ, đặc biệt là chợ ở quê đầy ắp hoa, quả các loại. Cũng cái rượu thơm lừng được ủ từ vài ngày trước đó, cũng bánh tráng đầy vừng giòn tan, cũng đĩa trái cây đầy ắp, ngoài nồi nước lá vối đặc quánh…tất cả chuẩn bị cho ngày mùng 5 tươm tất.

Tuy nhiên, xuất phát từ vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp, nên nhiều địa phương ở Thanh Hóa còn có tập tục khảo cây (còn gọi là đánh cây) trong ngày mồng 5. Qua đó thể hiện ước mong cuộc sống luôn sung túc như cây cối luôn đơm đầy hoa trái.

Mỗi vùng có một cách khảo cây khác nhau nhưng tất thảy đều diễn ra vào đúng 12 giờ trưa. Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh. Để khảo cây, cần có hai người. Một người đảm nhận nhiệm vụ trèo lên các cây ăn quả trong vườn để “đóng vai” là cây (chủ yếu là trẻ em). Người đứng dưới gốc cầm dao gõ vào thân cây, vừa gõ vừa hỏi tại sao năm nay ra ít quả? Người trên cây sẽ đáp trả lý do tại sao ra ít quả, hoặc không ra quả, do sâu bệnh hoặc do thời tiết. Người đứng dưới lại tiếp tục hỏi mùa tới có ra quả hay không, nhiều hay ít quả và “dọa” nếu không cho quả như ý muốn thì sẽ bị đốn hạ. Người trên cây trả lời những câu hỏi với giọng cuống quýt, van xin đừng đốn, đồng thời hứa sẽ cho nhiều quả to vào mùa sau.

Ở một số địa phương lại không dùng dao mà dùng gậy gộc để gõ vào thân cây để đánh thức và “tra khảo”. Cây khế này bị khảo vì lý do quả rụng nhiều khi đang còn nhỏ.

Với niềm tin khảo cây sẽ cho nhiều hoa thơm, trái ngọt vào mùa tới, tục khảo cây đã trở thành phong tục lâu đời của người dân xứ Thanh. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, chất lượng đời sống ngày càng nâng cao, tục khảo cây trong ngày Tết Đoan Ngọ đã không còn phổ biến như trước.

Sau đây là một số hình ảnh của tục khảo cây còn lại ở một số vùng trong tỉnh Thanh Hóa:

Khảo cả những cây có nhiều quả nhưng không to hoặc bị sâu bệnh cho quả kém chất lượng.

Do trẻ em không còn háo hức với vai đóng vai là cây nữa, hơn nữa nên người đứng dưới sẽ đồng thời đóng vai là cây vừa hỏi vừa trả lời.

Ngoài việc khảo cây cho nhiều quả còn khảo cả sâu bệnh để cây được khỏe mạnh mùa sau.

Khi được hỏi mùa sau cho bao nhiêu quả, tùy thuộc vào từng loại cây mà người đại diện cây trả lời số lượng quả cho phù hợp.

Khảo cây dừa với hy vọng mùa sau hết sâu bệnh và cho nhiều quả.

 

AloBacsi.vn
soha.vn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]