Nhưng có lẽ, cuộc hội ngộ giữa hai người hoàn toàn xa lạ, mà người này lại là ân nhân cứu mạng của người kia, bao giờ cũng là cuộc gặp gỡ đẹp đẽ nhất.

Cuộc gặp gỡ đầy cơ duyên đó xảy ra ngay tại Little Saigon vào chiều chủ nhật qua, giữa người phụ nữ Phi (Philippines) Cheryl Cabrera- 48 tuổi, người đã hiến tủy để cứu cô bé Việt Nam Tiffany Phạm- 6 tuổi, thoát khỏi căn bệnh ung thư máu.

Người hiến và người nhận

Dễ thương, lanh lợi, hoạt bát là điều đầu tiên người ta nhận ra ở Tiffany. Khuôn mặt tròn đầy, không chút rụt rè, em cứ líu lo:

“Con tên là Tiffany Phạm, 6 tuổi, con đang theo học chương trình “home school”, đến tháng giêng con sẽ vào trường học”.

Đây là câu chuyện cảm động về em bé Việt bị ung thư máu, được người phụ nữ Philippines hiến tủy cứu sống.

Người Việt chúng ta không phải không có lòng thiện nguyện, không có tinh thần giúp đỡ đồng loại, nhưng hình như việc hiến tủy vẫn còn khá xa lạ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có phần bởi tâm thức về thân xác của người Việt chăng? Gần đây đã có phần thay đổi, nhiều người Việt đã coi việc hiến tặng, hy sinh một phần thân xác ngay cả khi đang sống là một hành động cao cả, nhân ái.    

Y.T
Em cười vui, em tíu tít bên chị, bên mẹ, bên ba, và bên cả họ hàng, khác hẳn hai năm trước đây.

Chị Tina Vũ- mẹ Tiffany, kể: “Bé là con thứ hai trong gia đình, khi sinh ra bé hoàn toàn bình thường. Nhưng đến một tuổi rưỡi mới thấy bé có hai cục hạch bên mặt. Ði bác sĩ thì được chẩn đoán là bé bị ung thư máu”.

Sửng sốt là tâm trạng của người mẹ trẻ khi nghe tin đó. “Nghe con bệnh là đã buồn rồi, giờ lại nghe bị ung thư máu nữa. Trong khi gia đình không ai bị bệnh này, nên xuống tinh thần lắm, cả nhà ai cũng bàng hoàng hết”- chị Tina nhớ lại.

Như những người bị ung thư máu khác, Tiffany phải trải qua những cuộc xét nghiệm, làm hóa trị, xạ trị trong đau đớn, và hy vọng để cứu sống cô bé đang trải qua những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời là phải thay tủy, cần phải có người hiến tủy để cho em sự sống.

Mẹ em tìm kiếm khắp nơi. “Lúc vô nhà thương, họ có giới thiệu có Hội Hiến tủy Á Châu (Asian for Miracle Marrow Matches - A3M) cũng giúp cho việc kêu gọi người hiến tủy cho bé, và đó là một trong những hy vọng của gia đình”- chị Tina kể tiếp.

Theo lời Tina, “Cô Anh Nguyễn và A3M giúp đỡ rất nhiều trong việc tìm một người cho phù hợp với bé, khi hội đứng ra kêu gọi thì nhiều người sẽ biết đến hơn, mang lại hy vọng nhiều hơn là tự mình đi tìm”.

Trong lúc đó, Cheryl Cabrera- người phụ nữ Philippines có dáng người cao dong dỏng, đôi mắt to đen và mái tóc dài óng ả- lại sống trong một gia đình không có ai trải qua kinh nghiệm ung thư máu như thế. Nhưng theo lời cô con gái đang học ngành chemistry, với ước muốn sẽ vào học ngành y khoa, Cheryl ghi danh đi hiến tủy, vì biết rằng “có rất nhiều người cần tủy để được cứu sống”.

Một thời gian sau, chị Cheryl được bệnh viện gọi báo cho biết tủy của chị phù hợp cho việc cứu một em bé 4 tuổi. “Tôi vui khi nghe điều đó”- Cheryl nói.

Bằng giọng sôi nổi, chân thành, Cheryl kể lại những gì đã diễn ra trong ngày chị đi hiến tủy:

“Tôi rất sợ máu và cũng hơi sợ những phương cách đi cho tủy như thế. Khi họ đâm cây kim lớn vô, tôi đâu có dám nhìn. Tôi sợ. Nhưng đứa con gái út của tôi là người khuyến khích tôi nên làm và đừng sợ gì hết. Nó cứ nói: “Mẹ ơi đừng sợ. Mẹ làm được mà. Mẹ làm được mà”.  Ðiều đó giúp tôi bớt sợ”.

Trả lời câu hỏi “Sau khi lấy tủy chị có bị mệt hay có gì khác thường không?”- Cheryl kể tỉ mỉ:

“Thấy người hơi yếu đi là thứ nhất. Thứ hai là hơi đau chút thôi, nhưng có thể những điều này có là do tôi nghĩ ra. Thứ ba là tôi nghĩ tôi không thể lái xe một mình được nên con gái đưa tôi đi và chở tôi về. Tôi đi hôm thứ sáu, đến ngày thứ bảy vẫn cảm thấy mình yếu, nhưng thật ra tôi vẫn làm mọi chuyện bình thường trong những ngày đó. Ba ngày cuối tuần tôi ở nhà, ngày thứ hai cũng không đi học, đi làm gì hết. Đến thứ  ba tôi trở lại đi làm và thấy khỏe hơn, không còn cảm thấy chóng mặt, đau đớn gì. Vậy thôi”.

Vào thời điểm đó, Tina Vũ- người mẹ mang trong lòng nhiều nỗi lo lắng cho đứa con gái bé nhỏ đang mang trọng bệnh- nghe tin tìm được người có tủy phù hợp cho con, chị cảm thấy “vui lắm, mừng lắm”: “Vì bé đã làm hóa trị, xạ trị nhiều quá rồi, hy vọng cuối cùng chỉ còn có chờ chọn tủy phù hợp với bé để cứu sống nó thôi, nên khi nghe tin có người cho tủy hợp với bé, tôi mừng lắm”. “Sau khi được ghép tủy, bé Tiffany cũng bị chút nóng chút sốt, phải đi vào đi ra bệnh viện vì đó là một phản ứng khi thay tủy thôi. Nhưng hiện nay thì bé khỏe rồi” - chị Tina nói thêm về tình trạng sức khỏe hiện tại của Tiffany.

Cầu nối giữa cho và nhận

Hơn một năm sau khi cuộc ghép tủy thành công, bác sĩ báo cho gia đình bé Tiffany biết họ có thể gặp gỡ với người đã hiến tủy để cứu bé, nếu như vị ân nhân kia đồng ý.

Và cuộc gặp gỡ đã diễn ra vào đúng dịp sinh nhật lần thứ sáu của Tiffany Phạm, tại nhà hàng Palace Seafood, thành phố Westminster, vào chủ nhật rồi, giữa hai gia đình người trao tặng và người nhận lấy “món quà” không gì đánh đổi.

Nếu cô bé Tiffany chỉ có thể tươi tắn nhận xét: “Good. I’m happy to see her” (Tạm dịch: Hay quá, cháu rất vui khi được gặp bác ấy! BT) về người đã góp phần mang lại cho em một cuộc đời mới, thì chị Tina Vũ- mẹ của em, tâm sự nhiều hơn.

Tina nói về người phụ nữ Phi lần đầu gặp mặt bằng thái độ trìu mến: “Gặp cô ấy lúc đầu cũng hơi lo sợ không biết cổ ra sao, cổ tiếp nhận mình như thế nào. Nhưng khi gặp thì thấy cổ rất tử tế, rất thân thiện, nên tôi cũng thấy rất vui khi gặp được cổ”.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt “Ngày hôm nay trông thấy em bé mà chị đã cho tủy, chị có cảm xúc như thế nào?”, Cheryl xúc động: “Hôm nay được gặp Tiffany và gặp cả gia đình của em, thấy tất cả đều thật hạnh phúc và vui vẻ. Tôi có thể thấy hết tình yêu thương của họ. Thành ra tôi không cảm thấy hối tiếc gì trong công việc tôi làm. Không hối tiếc gì hết”- cô cười, đưa tay quệt nước mắt.

Trong số những người có mặt tại buổi gặp gỡ, cũng lăn dài những giọt nước mắt của niềm vui và sự xúc động là cô Anh Nguyễn- người giữ vai trò hỗ trợ bệnh nhân gốc Việt của Hội Hiến tủy Á Châu.

Cả một thời gian dài, cô Anh Nguyễn là người đã mang trước ngực mình bức hình của bé Tiffany Phạm cùng lời kêu gọi “Xin cứu con”, đứng trước những nơi đông người qua lại để kêu gọi sự ghi danh hiến tủy của cộng đồng. Cũng chính cô là người đưa mẹ con Tiffany, cũng như nhiều bệnh nhân ung thư máu khác, lên các đài radio để kêu gọi sự giúp đỡ của đồng hương.

Như phần nhiều người làm công việc này, sự mẫn cảm với niềm vui và nỗi đau của người khác là điều đầu tiên người ta có thể nhìn thấy ở cô Anh Nguyễn.

Hỏi “là người kết nối công việc giữa người bệnh và người cho tủy, chứng kiến cuộc gặp gỡ này, cô cảm thấy như thế nào?”. Cô Anh trả lời trong nước mắt: “Mỗi lần được chứng kiến một cuộc gặp gỡ như thế này tôi cảm thấy sung sướng lắm. Cảm động lắm”. Cô kể: “Gặp Cheryl, tôi ôm cổ, tôi khóc, cổ cũng khóc. Tôi cảm ơn cổ đã nghĩ tới và sẵn sàng cứu một mạng người”.

Theo lời cô Anh Nguyễn, “làm công việc này, thấy rõ ràng việc đi kiếm được một người giúp được bệnh nhân ung thư máu khó khăn lắm. Nhiều khi mình phải nài nỉ người ta, còn người bệnh đôi lúc thấy gần như mất hết sự hy vọng vì không kiếm ra được người cho”.

Chính vì thế nên, “biết khó nhưng tụi tôi cứ cố gắng, cố gắng hết sức làm sao để cho mọi người hiểu được là cho tủy không đau đớn gì cả mà lại cứu được một mạng người”.

Vai trò của Hội Hiến tủy Á Châu  

Hội Hiến tủy Á Châu- thường được gọi là A3M (A3M - Asian for Miracle Marrow Matches)- là một cơ quan thiện nguyện phụ trách phổ biến và tuyển chọn những người tình nguyện ghi danh vào chương trình hiến tủy toàn quốc (Be The Match). Hội được một gia đình người Nhật thành lập từ năm 1991 và hoạt động trong các cộng đồng thiểu số như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc, Thái, Lào, Campuchia, Ấn Ðộ và các sắc tộc quần đảo Thái Bình Dương và Châu Á.

Theo thống kê, trong những năm vừa qua, tỉ lệ người Việt Nam ghi danh vào các chương trình hiến tủy hoặc tế bào gốc còn quá ít ỏi, chỉ đạt được 0,5% của tổng số 7.500.000 người tình nguyện trên toàn Hoa Kỳ. Trong khi đó, con số các bệnh nhân ung thư máu và các chứng hoại huyết ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, điều mà cô Anh Nguyễn cảm thấy được khuyến khích nhiều hơn trong công việc của mình là “một vài năm trở lại đây, cộng đồng Việt Nam đã hiểu về chuyện hiến tủy, nên đã giúp hội hiến tủy rất nhiều bằng cách ghi danh nhiều để cứu người”.

“Năm vừa rồi cộng đồng Việt Nam có 49 người hiến tủy, không biết chính xác người nhận là Việt Nam hay người sắc tộc nào, chỉ biết là người Á Ðông. Ðồng thời, cũng có 19 bệnh nhân Việt Nam của tôi được đi thay tủy, những người này đều mạnh khỏe cả”- cô Anh nói thêm.

Là người có kinh nghiệm với bệnh ung thư máu từ con mình, chị Tina Vũ tâm sự: “Thực ra mình đã ghi danh hiến tủy trước khi con mình bị bệnh vì mình cũng đã biết về bệnh này rồi, từ lúc còn đi học, cũng có bạn bè kêu gọi vì trong gia đình họ cũng có người bị ung thư máu, cần thay tủy, nên mình đã ghi danh từ lúc đó”.

Với cô Cheryl Cabrera- người vừa hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng khi mang lại một cuộc sống mới cho bé Tiffany- lại không chút ngần ngại, đắn đo để trả lời ngay: “Dĩ nhiên là tôi sẽ cho”, khi được hỏi “Chị có nghĩ trong tương lai, khi cần phải hiến tủy nữa thì chị có làm không?”.