Gặt mùa vàng với lớp học ‘Trao cần, bày cách câu’

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “trao cần câu” và dạy “cách câu”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có được những kết quả thiết thực, không ít mô hình đã cho thấy hướng đi đúng với hiệu quả rõ nét.

0


Mô hình hiệu quả ở Bắc Giang

Tại huyện Yên Thế, Bắc Giang, trước đây, bà con nuôi gà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm với quy mô nhỏ lẻ, chưa có ý thức phòng tránh dịch bệnh nên năng suất chưa cao. Tuy nhiên từ khi mô hình dạy nghề chăn nuôi gà đồi được triển khai (từ năm 2010) việc chăn nuôi của bà con đã có những thay đổi đáng kể.
 
Sau khi được tìm hiểu về quy trình chăn nuôi gà đồi bền vững, an toàn sinh học như: kỹ thuật chuồng trại, bãi chăn thả, kỹ thuật chọn con giống, yêu cầu về thức ăn, nước uống, cách phòng và chữa một số bệnh thường gặp...hầu hết bà con sau học nghề đã biết vận dụng kiến thức để phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi. 


Cùng với việc tổ chức dạy nghề, các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang còn giúp bà con xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gà đồi...  Với 2 mô hình liên kết “chăn nuôi - thu mua - tiêu thụ” và “chăn nuôi - giết mổ, chế biến - tiêu thụ”, Bắc Giang đã tạo lập được thị trường tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Cùng với đó, bà con còn được hỗ trợ nguồn vốn mua con giống, thức ăn chăn nuôi, mở rộng quy mô chăn nuôi…
 
Sau 3 năm triển khai, hơn 400 lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã được dạy nghề, trên 2.000 hộ chăn nuôi đàn gà từ 1.000 con/lứa trở lên, đặc biệt có những hộ nuôi từ 5.000-7000 con/lứa. Thu nhập của người lao động ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm.
 
Từ hiệu quả thực tế, mô hình này đã được nhân rộng ra 5 huyện trên địa bàn tỉnh là Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên. Sau khi học nghề, trên 80% lao động nông thôn đã biết vận dụng kiến thức trong chăn nuôi gà đồi. Nhờ có kỹ thuật nhiều hộ đã tăng quy mô đàn gà từ 5-10 lần, thu nhập theo đó cũng tăng từ 3-6 lần...
 
Bước tiến trong chăn nuôi ở Hà Nam 
 
Ở Hà Nam, mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học được nhiều hộ gia đình đưa vào thực hiện, đem lại hiệu quả cao với những ưu điểm nổi trội như tránh được bệnh tật, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công, năng suất cao…


Theo bà Nguyễn Thị Dung, xã Vũ Bản - Bình Lục, trước đây gia đình chăn nuôi theo lối truyền thống, phân lợn, nước cọ rửa chuồng trại, chất thải cặn bã… đều đổ ra cống rãnh gần nhà gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhưng từ khi gia đình chuyển sang dùng đệm lót sinh học để nuôi lợn thì những lợi ích mà nó mang lại ngoài sức tưởng tượng. Chuồng trại không bị ám mùi, các chất thải tự tiêu, quan trong hơn lợn lớn nhanh, chỉ cần vài tháng là xuất được một lứa - bà Dung cho biết. 
 
Áp dụng mô hình này, ông Ngô Văn Thêm ở thôn Hạ Vỹ - Lý Nhân đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, lợp mái trên nền đất 230 m2. Theo ông chi phí đầu tư cho mô hình này chỉ “nhỉnh” hơn mô hình cũ chừng 10% nhưng hiệu quả thì hơn nhiều. Với mô hình cũ, phải từ 6 - 7 tháng, lợn nuôi mới có thể xuất chuồng. Nhưng nay chỉ sau 4 tháng, ông đã xuất gần 50 đầu lợn, trọng lượng trung bình trên 1 tạ. Do nền đệm lót sinh học luôn có độ ẩm nên chuồng trại thoáng mát tự nhiên, lợn không cần tắm rửa. Cả lứa, gia đình ông chỉ mất 2.000 đồng tiền thuốc thú y cho mỗi đầu lợn.
 
Để người dân thấy được lợi ích từ mô hình, chính quyền địa phương đã thực hiện mô hình trình diễn tại vài hộ nuôi lợn, tích cực vận động, tuyên truyền để người dân thấy được những lợi ích mà mô hình đem lại... Năm 2013, tỉnh Hà Nam đã xây dựng được 3120 mô hình đệm lót sinh học, năm 2014 thêm hơn 300 mô hình.
 
Đại diện Sở NN-PTNT Hà Nam phân tích, lợi nhuận chăn nuôi theo mô hình này hơn chăn nuôi truyền thống từ 130 - 180 nghìn đồng/con/lứa. Lợn tăng trưởng tốt hơn, giảm mức độ tiêu tốn thức ăn, giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thuốc thú y và điện nước… Thiết thực hơn, mô hình này giúp bà con nâng cao thu nhập, hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
 
Mô hình nuôi gà đồi ở Yên Thế hay nuôi lợn trên đệm lót sinh học ở Hà Nam đều được triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch sản xuất, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây đều là những mô hình hiệu quả, góp phần gia tăng sản lượng chăn nuôi, giúp bà con nâng cao thu nhập, cần được khuyến khích và nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.
 
M.M(tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]