Giải hạn đầu năm: Có nên không?

GiadinhNet - Giáo lý nhà Phật cho rằng, không có nghi lễ cúng sao xấu, sao tốt như người ta thường nghĩ.

15.592

Phố Tây Sơn và cầu vượt Ngã Tư Sở (Hà Nội) chật kín người đứng làm lễ cầu an tại tổ đình Phúc Khánh khiến giao thông ùn tắc kéo dài. Ảnh: Hoàng Hà

 
Thế nhưng, việc cúng sao giải hạn đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt. Do đó, vào những ngày đầu năm mới này, tại các chùa lớn và tại nhiều tư gia, việc cúng sao vẫn diễn ra phổ biến với không ít thủ tục nhiêu khê, phiền hà.

Chùa quá tải vì chuyện “giải sao”

Tại Hà Nội đến các chùa lớn như Quán Sứ, Phúc Khánh, Trấn Quốc, chùa Hà v.v... vào những ngày đầu năm Nhâm Thìn này, đâu đâu cũng quá tải vì chuyện phật tử đăng ký... giải sao.

Tại chùa Phúc Khánh, để đáp ứng như cầu đăng ký giải sao của khách, nhà chùa đã phải bố trí tới 4 bàn đón tiếp để ghi tên tuổi khách thập phương và thu phí nhưng các thư ký phải làm việc không ngừng nghỉ. Phí giải sao nộp theo đầu người với mức 100.000 đồng/người.

Chùa Quán Sứ cũng thu hút khá đông người đến đăng ký giải sao xấu. Nhưng khác với chùa Phúc Khánh thu phí theo đầu người, chùa Quán Sứ thu phí 300.000 đồng mỗi gia đình và không hạn chế số người. Chùa Trấn Quốc cũng thu phí theo gia đình nhưng mức phí thấp hơn với mức 200.000 đồng/người. Số khách thập phương đến những chùa này xin đăng ký giải hạn đông đến mức nhà chùa dù đã chuẩn bị rất kỹ càng vẫn không thể tiếp nhận hết người yêu cầu giải sao.

Chị Phạm Thị Hiền (trú tại phố Huế, Hà Nội) có mặt tại chùa Quán Sứ cho biết: "Tôi đến xin đăng ký cúng sao giải hạn nhưng các thầy cho biết đã khóa sổ tất cả các đợt giải sao". Chị Trần Thị Lý (khu tập thể Văn Công, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay: "Nhà tôi ngay sát chùa Hà nhưng do dịp Tết bận nhiều việc đến đăng ký giải sao chậm nên không được cúng giải sao trong ngày Rằm". Theo chị Lý, từ ngày 6 Tết chị đã đến chùa xin đăng ký giải sao vào ngày rằm tháng Giêng nhưng lúc đó nhà chùa chỉ còn nhận giải sao cho khách thập phương vào đợt cuối cùng ngày 26 tháng Giêng còn các đợt khác đã khóa sổ vì số người đăng ký đã quá tải. Mức phí giải sao xấu tại chùa Hà là 350.000 đồng cho một gia đình song đến muộn là không còn chỗ.

Nhiêu khê “giải hạn tại gia”

Không ít gia đình có điều kiện lại chọn cách giải sao xấu tại nhà do lo rằng, cúng giải sao tại chùa quá đông người sợ đọc sai tên, bỏ sót tên, sợ không linh nghiệm vì quá qua loa...

Khi hỏi về việc cúng sao giải hạn, bà Tạ Thị Quỳnh (xã Phúc Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) hồ hỏi khỏe rằng: "Năm nay nhà tôi nhờ hẳn thầy về nhà cúng sao nên con trai sao La Hầu, con gái sao Kế Đô tôi cũng không sợ. Có thầy về tận nhà làm cẩn thận là hóa giải được hết. Cúng ở chùa chỉ sợ đọc sai tên. Con nhà tôi tên rất khó đọc đứa thì tên Quýnh, đứa lên là Lỉnh". Theo bà Quỳnh thì nhà thầy yêu cầu bà phải làm mâm cúng lễ linh đình thần linh mới dễ chứng giám vì những ngày này toàn mâm cao cỗ đầy mình phải làm thật đặc biệt thì các ngài mới chứng cho. Ngoài thủ tục cần thiết như những lễ bình thường, nhà bà phải chuẩn bị thêm cả hình nhân thế mạng là trinh nữ, xe hoa, ngựa giấy... Ngoài tiền vàng, đô la âm phủ còn phải chuẩn bị cả tiền lẻ thật để... "hóa"(?!). Nghi lễ bà đã chuẩn bị đủ chỉ còn chờ ngày đẹp, sao lên cao, sáng, tiến hành mới có hiệu quả, đổi sao chiếu mệnh dễ được sao đẹp. Ngày hôm đó, con trai con dâu, con gái và con rể bà sẽ mặc lễ phục màu đỏ, để nhờ luôn thầy làm lễ cưới "âm". Theo quan niệm của bà, làm lễ cưới kiểu này sẽ cắt được mọi vương vấn "gió trăng", hai người sẽ vẹn toàn hạnh phúc, chung thủy với nhau hơn. Và bà cho biết, chi phí cho một lễ giải sao tại nhà kể cả tiền lì xì cho thầy lên tới... 12 triệu đồng.

Còn chị Hà Thị Miên (phố Láng Hạ, Hà Nội) cũng nhờ thầy về tận nhà cúng giải sao xấu. Chị Miên bày tỏ: "Tất cả các yêu cầu của thầy, tôi đều đáp ứng đủ nhưng chỉ có một yêu cầu là lấy tóc rối của tất cả những người có hạn tam tai trong gia đình để cúng thì tôi không làm được. Vì cả tôi và ông xã đều để tóc rất ngắn mà lại bị chiếu sao nặng là Kế Đô và La Hầu. Nhà thầy dặn là cứ một sao tam tai phải mang một lễ trong đó có 3 miếng trầu cau, 3 điếu thuốc lá, muối, gạo, rượu, vàng tiền, hoa, quả. Lấy một ít tóc rối bỏ vào một ít tiền lẻ, gói chung lại với gạo, muối, còn tiền vàng thì "hóa". Cúng tại ngã ba, ngã tư đường, vái tuổi và tên của người có hạn tam tai, đem bỏ gói tiền có tóc và muối gạo đó ở giữa đường mà về thì mới đỡ hạn. Tôi không làm đủ yêu cầu chỉ sợ thấy mắng mà cắt tóc ngắn nữa thì có mà như gọt trọc, cả tháng chẳng dám ra đường". Cũng theo chị Miên, để sắp đủ lễ giải hạn cho cả nhà vào ngày Rằm tháng Giêng này, tổng chi phí chị phải bỏ ra cũng ngót chục triệu đồng.

Cúng sao không giải được hạn!
 
Đại đức Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Quang Tự Tam Bình (Vĩnh Long) cho rằng, trong vũ trụ có nhiều vì sao lớn nhỏ, xa gần. Hàng năm mỗi người đều có một sao chiếu mệnh, có sao tốt và có sao xấu. Tuy nhiên, không thể cúng để giải được sao xấu, ngay cả các nhà chùa cũng không làm được. "Nếu cúng sao mà giải được hạn thì cứ dễ dàng gieo nghiệp xấu rồi cúng sao sẽ thoát ách nạn? Phật dạy rằng: Mỗi người là một bán đảo tự thân, hãy tự thắp đuốc lên mà đi", không ai có đủ quyền năng giải nghiệp cho bất cứ ai. Do vậy, không thể cầu xin thần thánh hay bất cứ ai đó giải nghiệp cứu mình mà tự thân phải nỗ lực tu tâm sửa tính", Đại đức Thích Phước Ngọc khuyến nghị.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Vũ Đức Huynh, xu hướng nhiều người đổ đến chùa làm lễ giải sao là không nên. Người dân chỉ nên đến chùa lễ Phật và cúng bái tổ tiên tại nhà. Còn khi biết mình đứng sao xấu thì mỗi người nên cẩn thận hơn trong năm mới như đi lại cẩn thận, giữ lời ăn tiếng nói... Không nên bày vẽ nhất là việc giải sao tại nhà nghi lễ đều do các thầy đặt ra rất nhiêu khê, tốn kém.

Mai Hạnh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]