Giải pháp cho nghề nuôi cá tra

Với sản lượng trên 1 triệu tấn trong nhiều năm liên tục, nghề nuôi cá tra, cá ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khiến thế giới phải chú ý.

0

Sơ chế cá tra
Từ sau vụ kiện “bán phá giá", năm 2002, đã có nhiều thay đổi trong sản xuất, chế biến và thị trường cá tra, cá ba sa. Sự chuyển dịch hình thức nuôi từ bè sang hầm, quy mô nuôi cá tra của hộ cũng đã thay đổi theo hướng tập trung hơn, quy mô lớn hơn, những ao nuôi nhỏ và kém hiệu quả, không chuyên nghiệp giảm dần. Số hộ nuôi cá tra nhiều hơn cá ba sa vì cá tra có chi phí nuôi thấp hơn, thời gian nuôi ngắn hơn và dễ bán hơn do tỷ lệ phi lê cao hơn.

Sự chuyển đổi này khiến nhu cầu con giống cá tra tăng cao. Thị trường đòi hỏi phải nâng cao chuỗi cung ứng, nhưng khi những tác nhân tham gia chuỗi cung ứng chưa bền vững thì chắc chắn có những mắt xích bị lung lay. Sự co giãn diện tích trong vùng nguyên liệu cá tra, cá ba sa đòi hỏi mối quan hệ nối kết giữa người nuôi với nhau, người nuôi với các công ty chế biến xuất khẩu chặt chẽ hơn. Từ thực tế ấy, nhóm nghiên cứu của chúng tôi (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm Công nghệ phần mềm Trường Đại học Cần Thơ) đưa ra bốn nhóm giải pháp.

Tôi xin tóm lược bốn nhóm giải pháp đó:


1. Các địa phương tiến hành rà soát và đánh giá các chính sách hiện hành của Nhà nước có liên quan đến việc phát triển ngành hàng cá tra, sau đó đưa ra những đề xuất và bổ sung nhằm thực thi một cách có hiệu quả. Các ngành có liên quan cùng với địa phương nỗ lực thực hiện tốt các chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất, giám sát rủi ro cho người nuôi, xúc tiến thương mại, đầu tư kho trữ đông cho các DN chế biến. Tại Cần Thơ đã có nhà đầu tư kho lạnh cho thuê, có dây chuyền chiếu xạ, nhưng chưa dáp ứng nhu cầu, nên phải tăng cường kêu gọi đầu tư vào khâu này.

2. Giảm giá thành sản xuất trong khâu nuôi. Chi phí thức ăn chiếm từ 70-80% trong tổng giá thành và con giống chất lượng kém sẽ làm giảm sản lượng 20-30%, vì thế phải tăng cường quản lý chất lượng con giống và thức ăn từ các nhà cung cấp và phân phối. Trang bị cho người nuôi kiến thức sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho cá, cũng như tiến tới việc xây dựng ao lắng để tránh ô nhiễm môi trường. Phải hướng đến phương thức nuôi cá tra, cá ba sa sạch.

3. Nối kết người nuôi với DN là giải pháp căn cơ để giải quyết tốt mối quan hệ cung - cầu hàng hóa, tránh tình trạng vượt cung hay vượt cầu thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây. Hiệp hội Nghề cá (người nuôi) và VASEP (các nhà công nghiệp chế biến xuất khẩu) là hai tổ chức làm cầu nối cho việc thực thi giải pháp này với sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Chế biến cá tra xuất khẩu

4. Giải pháp thị trường.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để duy trì thị phần hiện có đối với các thị trường truyền thống, đồng thời với việc mở rộng thị phần trên các thị trường tiềm năng được xem là công cụ mấu chốt trong việc thực thi giải pháp. Nên giúp DN chế biến và người nuôi có được phản ứng nhanh trước những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng của từng thị trường cũng như thiết lập hệ thống thông tin thị trường, thống kê thủy sản cho vùng ĐBSCL và phải thống nhất hành động khi đưa sản phẩm từ ĐBSCL tới các nước, tuyệt đối không dùng giá để chèn ép nhau.

Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã đệ trình dự án này với 8 tỉnh có nuôi cá tra và cá ba sa tại UBND tỉnh An Giang. Hy vọng, trong thời gian tới dự án sẽ được thực hiện.

Tôi cũng muốn nói đến việc “vào sân chơi” của 30% số hộ nuôi cá tra, cá ba sa nhỏ lẻ hiện tại ở ĐBSCL. Theo tôi, trong tương lai họ phải là những người nuôi chuyên nghiệp và công nghiệp nếu như họ muốn đeo đuổi ngành, và tất nhiên để giúp họ có được vị trí đó, cần có sự hỗ trợ của cơ quan vận hành chiến lược của Nhà nước. Cần tạo dựng một cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa người nuôi và các công ty chế biến xuất khẩu. Hình thức nuôi gia công cho các công ty chế biến xuất khẩu hay người nuôi tham gia làm cổ đông của các công ty ấy cũng cần được nghiên cứu. Trong cơ chế phối hợp này, họ sẽ cùng nhau chia sẻ những nguồn lực (vốn, kỹ thuật, thông tin thị trường và đặc biệt là chiến lược kinh doanh), chia sẻ rủi ro, lợi ích và tất nhiên phải dựa trên những cam kết kinh doanh một cách chặt chẽ. Cuối cùng, tất cả những vấn đề vừa nêu phải và nên được thực hiện dựa vào Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Tôi xin được điểm qua vài thuận lợi và khó khăn liên quan đến việc tiêu thụ cá tra và ba sa chế biến ở thị trường nội địa.

Về thuận lợi thì xu hướng tiết kiệm thời gian trong việc nấu nướng đã làm cho nhu cầu của sản phẩm chế biến sẵn từ cá tra và ba sa sẽ gia tăng, như cá vò viên, tàu hũ cá ba sa, v.v... Những thức ăn được chế biến từ nguyên liệu cá tra và ba sa ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại và khi người bán loại sản phẩm này được hưởng huê hồng từ 5-15% thì chính họ là kênh quảng bá tốt.

Về khó khăn thì do thói quen dùng cá tươi của người Việt nên trước mắt, sản phẩm chế biến từ hai loại cá này không được nhiều người mua, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, trong khi chi phí cho bảo quản cá đã chế biền là khá cao.

Nhưng giả định chỉ có 1% người dân trong nước sử dụng cá tra (đã trừ tỷ lệ trẻ sơ sinh và những người theo đạo không ăn cá) và bình quân một người tiêu thụ 1kg cá/năm, thì con số này lên đến 800 ngàn tấn, gần gấp đôi sản lượng năm 2005 và chiếm khoảng 70-80% sản lượng cá hiện nay. Do vậy, để thúc đẩy thị trường nội địa về sản phẩm này, theo tôi là không khó, chỉ có điều trước giờ, do lợi nhuận qua kênh xuất khẩu cao nên các DN chưa chú trọng nhiều đến kênh nội địa. Chắc là không quá đáng nếu khẳng định, với năng lực vốn, kỹ thuật và nhân lực thì các công ty chế biến xuất khẩu của VN thừa sức để thúc đẩy thị trường trong nước.

TH.S NGUYỄN PHÚ SON
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]