Giải pháp nào cho kịch bản và biên kịch?

Sự thiếu vắng những kịch bản hay bắt nguồn từ đội ngũ biên kịch chưa thực sự thuần thục, lành nghề. Điều này khiến chúng ta giật mình nhìn lại thực trạng của công tác đào tạo biên kịch cũng như sự phát triển của nghề biên kịch trong nước.

0

Sự thiếu vắng những kịch bản hay bắt nguồn từ đội ngũ biên kịch chưa thực sự thuần thục, lành nghề. Điều này khiến chúng ta giật mình nhìn lại thực trạng của công tác đào tạo biên kịch cũng như sự phát triển của nghề biên kịch trong nước.

Thực trạng biên kịch

Nhìn vào số lượng biên kịch có nghề của Việt Nam hiện nay, hẳn chúng ta sẽ giật mình bởi con số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Biên kịch sân khấu quá ít ỏi, biên kịch truyền hình và điện ảnh cũng rất ít có được những cái tên nổi trội. Đó cũng là một trong những lý do khiến chúng ta phải Việt hóa kịch bản nước ngoài. Và rất hiếm những kịch bản trong nước thực sự tạo dấu ấn sâu đậm. Thậm chí, thiếu thốn biên kịch có nghề tới mức nhiều đạo diễn đã kiêm luôn cả hai vai trò như Quốc Trọng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Hoàng, Vũ Ngọc Đãng, một bước “cứu chúa” nhất thời trong thời điểm rất khó bói ra những kịch bản có nghề.

Cũng từ thực tế này, nhìn cụ thể hơn vào đội ngũ biên kịch rất dễ nhận thấy sự non nghề, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn cũng như vốn sống. Có giai đoạn, viết kịch bản phim đã trở thành một công việc hứa hẹn những món béo bở. Thời điểm đó, nhiều cây bút dù chưa được phổ cập một cách hoàn thiện kiến thức cơ bản cũng như một cốt truyện đủ hấp dẫn và sâu sắc cũng lao vào viết kịch bản. Và kết quả là những đứa con tinh thần không đủ khỏe mạnh ra đời. Hệ lụy của việc thiếu tinh lọc từ khâu kịch bản khiến bộ phim thiếu đi sức cuốn hút.

Một trong những nguyên nhân của việc thiếu những kịch bản hay là việc nhiều cây bút né tránh những vấn đề gai góc, trực diện của cuộc sống. Sự phi thực tế, ngây ngô vì thế hiển hiện rõ nét trong rất nhiều kịch bản. Tâm lý né tránh kiểm duyệt dường như đã tạo nên những dây chuyền kịch bản thiếu sự kịch tính cũng như sâu sắc. Và khán giả chính là người phải thử những món ăn thiếu đặc sắc, khó có thể tìm thấy sự ngon miệng. Thói quen ấy khiến các biên kịch sa đà vào một lối đi sáo mòn, thiếu đi cá tính, mất cả sự vận dụng thành thục và sáng tạo yêu cầu một biên kịch lành nghề phải có.

 Nhà biên kịch Châu Thổ.
Giải pháp cho kịch bản và biên kịch

Ngoài Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội hiện đang có chuyên ngành biên kịch, hiện chưa có một trường đại học nào có chuyên ngành riêng đào tạo chuyên sâu về kiến thức viết kịch bản cho học viên. Khó có thể tìm được những cây bút kịch bản có năng khiếu và tố chất thực sự khi mà số lượng để lựa chọn quá ít, điều kiện thực hành chưa nhiều và điều kiện học tập cũng đang ở tầm nội bộ, bó hẹp.

Mới đây, Câu lạc bộ điện ảnh của Trường Đại học KHXH&NV đã mở lớp biên kịch nhằm đào tạo kỹ năng viết kịch bản cho những người có đam mê với phim ảnh. Hãng phim Hoàng Anh Tú, Hãng Senafilm, Trung tâm đào tạo IICM thời gian gần đây cũng khởi động những dự án đào tạo các biên kịch trẻ. Không khí dạy, học nghề biên kịch dường như đang nóng lên và càng khiến các cây bút háo hức khi con số được trả cho các kịch bản phim hoàn chỉnh lên tới hàng trăm triệu. Thiết nghĩ, lợi nhuận từ công sức của biên kịch, một công việc đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mẩn, kiến thức và tầm hiểu biết rộng là xứng đáng nhưng có vẻ như nhiều người đang bị ảo tưởng vào ánh hào quang cũng như việc “hái ra tiền” của nghề biên kịch. Công bằng mà nói, để thuyết phục được nhà sản xuất sử dụng kịch bản của mình là cả một thử thách, nhất là trong thực trạng phim ngoại đang tấn công thị trường nội địa. Tình hình kinh tế khó khăn cũng không cho phép các đạo diễn làm chơi, ăn chơi.

Trong tình hình chưa thể đào tạo các lớp biên kịch một cách dài hạn, quy mô, việc tinh lọc trong bộ máy giảng dạy các lớp ngắn hạn, câu lạc bộ để truyền tải cho học viên những kiến thức chuẩn mực nhất là điều quan trọng. Những hoạt động thực hành, tiếp cận thực tế, hỗ trợ học phí, điều kiện học tập, giới thiệu kịch bản cũng rất cần thiết để hỗ trợ, động viên những người có đam mê với kịch bản phim. Có như vậy, những kịch bản phim đặc sắc, ý nghĩa mới có cơ may ra đời và chúng ta mới có thể phát hiện ra những cái tên có bản sắc như Phạm Thùy Nhân, Châu Thổ, Nguyễn Thị Hồng Ngát...  
 
  Ngữ Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]