Giải pháp nào cho thất thoát điện năng?

SKĐS - Sau nhiều năm tích cực giảm thất thoát điện năng, mức tổn thất này ở nước ta vẫn là 9-10%.

15.5995

Sau nhiều năm tích cực giảm thất thoát điện năng, mức tổn thất này ở nước ta vẫn là 9-10%. Điều đáng nói, thất thoát điện năng hiện nay đang được tính vào giá thành điện của điện lực Việt Nam (EVN), bởi họ không thể tính vào đâu khác. Về nguyên tắc, điều này được phép và cuối cùng là người tiêu dùng vẫn phải gánh.

Không phải chuyện lạ, thất thoát điện đã trở thành vấn đề xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ở góc độ thất thoát điện thương mại, vấn đề trộm cắp điện những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng. Thất thoát điện ở nước ta ngày nay có thể nói là rất lớn, do hệ thống lưới điện ở nước ta cũ kỹ, chắp vá, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Mức thất thoát điện năng thông thường từ 20-35% (điều đó đồng nghĩa với cứ làm ra 100kWh điện thì thất thoát 30kWh). Ở nông thôn do địa bàn rộng, một số mạng điện sơ sài tạm bợ, vì vậy, sự thất thoát điện ở nông thôn cũng rất lớn. Bên cạnh đó, sự quản lý về điện của các cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ và ý thức tiết kiệm điện của người dân chưa tốt.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Sơn Động, Bắc Giang. Ảnh: TM

Ngoài ra, thất thoát điện năng từ các hành vi gian lận trong sử dụng điện là một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay của ngành điện. Trong thời gian qua, để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ngày càng tăng, một số khách hàng thiếu ý thức đã sử dụng biện pháp tiêu cực là lấy cắp điện với đủ mọi hình thức từ thô sơ đến tinh vi.

Qua quá trình lập biên bản kiểm tra, đa số những trường hợp gian lận rơi vào các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt. Tuy nhiên, số vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh ít hơn nhưng thiệt hại gây ra lại nghiêm trọng hơn. Các biện pháp gian lận phổ biến là dùng máy tạo dòng, nam châm có trường độ từ trường lớn đặt phía trên điện kế hoặc bên hông khiến cho điện kế quay chậm hơn thực tế hoặc can thiệp vào đồng hồ điện mở niêm chì thay đổi kết cấu của điện kế, hay khoan một lỗ nhỏ trên điện kế đưa dụng cụ vào làm chậm điện kế. Theo các công ty điện lực, hiện nay công tác kiểm tra vi phạm gian lận điện đang gặp nhiều khó khăn. Lớn nhất chính là những bất cập chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực, chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính, truy thu mà ít vụ tiến tới xử lý vi phạm hình sự do thiếu chứng cứ.

Nghị định số 68/2010/NĐ - CP, Điều 14 quy định rất rõ mức xử phạt vi phạm các quy định về sử dụng điện. Trong đó, hành vi trộm cắp điện sinh hoạt dưới 3.000Kwh có thể bị phạt tiền từ 1 đến 30 triệu đồng. Còn hành vi trộm cắp điện phục vụ các hình thức khác bị phạt tiền từ 5 triệu đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty điện lực, mức phạt cao này khiến cho nhiều khách hàng e ngại nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Để thất thoát điện không còn là nỗi lo riêng của ngành điện, thiết nghĩ ngành điện lực Việt Nam nên đầu tư công nghệ, đầu tư đổi mới quản lý để hạ giá thành sản phẩm, tuyên truyền để nhân dân biết cách sử dụng tiết kiệm điện từ gia đình đến công sở như tắt những thiết bị điện khi không cần thiết. Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp trộm cắp điện. Để thực hiện tốt những điều ấy phụ thuộc rất nhiều công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng, ý thức của người dân và sự chung tay của toàn xã hội.

Lê Hoàng

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]