Hạnh phúc kỳ diệu của chàng ca sỹ khiếm thị

Bằng nỗ lực không mệt mỏi, chàng trai ấy đã vượt qua số phận nghiệt ngã để khẳng định bản thân mình.

15.6004

Nghị lực phi thường

Đó là câu chuyện về chàng ca sỹ khiếm thị nghiệp dư Bùi Thế Thành (SN 1990, ngụ Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cuộc đời thật nghiệt ngã với chàng trai này. Khi mới lên 5 tuổi, cái tuổi háo hức khám phá, nhận biết thế giới xung quanh thì đôi mắt của anh mờ dần rồi mất hẳn ánh sáng. Niềm mơ ước trở thành ca sỹ của anh có lẽ chỉ là ước mơ xa vời, tan biến trong bóng tối. Khi bị mất đi đôi mắt, mọi sinh hoạt hàng ngày của Thành đều phụ thuộc vào đôi bàn tay mẹ. Ước mơ được cắp sách tới trường như bạn bè cùng trang lứa đành gác lại. Thế nhưng, vượt lên mặc cảm, vượt lên chính bản thân, Thành đã làm được những điều mình mong muốn bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân.

Thành đang tập luyện cùng các bạn trong ban nhạc Ước Mơ.

Khi chúng tôi đến, Thành đang say sưa tập luyện để chuẩn bị cho buổi biểu diễn của nhóm. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt của chàng khiếm thị cùng giọng nói hồ hởi, nhiệt tình hướng dẫn các bạn chơi nhạc, người ta càng khâm phục và cảm động cái ý chí và nghị lực của anh. Với nụ cười luôn thường trực trên môi, Thành kể cho tôi nghe về nghiệp cầm ca cũng như cuộc đời gian truân mà anh đang cố gắng vượt qua.

Thích hát và hát khá hay là năng khiếu thiên bẩm của Thành. Mới 3 tuổi, nói chưa sõi tiếng nhưng Thành đã hát được nhiều bài hát thiếu nhi cộng với những bài hát nhạc đỏ bố mẹ dạy. Thành kể, để được bố mẹ hay anh chị cho đi chơi, anh phải đánh đổi bằng giọng hát của mình. Mỗi lần như thế, bố mẹ bế Thành lên chiếc bàn bán nước của mẹ để hát cho mọi người nghe. Hát xong, Thành mới được đi chơi. Mỗi lần Thành hát, những người đi đường đều dừng lại nghe. Sau này, cái sân “khấu nhỏ” ấy được thay thế bằng sân khấu lớn hơn. Nó lớn đến mức bản thân Thành chưa bao giờ nghĩ tới.

Hàng ngày, cậu bé ra ngồi bán hàng cùng mẹ. Mỗi lần nhìn thấy đám bạn đi qua gọi “Thành ơi, hôm nay lại không đi học à?”, nước mắt Thành lại tuôn rơi. Thấy con buồn, mẹ Thành tìm cách xin cho con đi học. Nhờ cô giáo Khanh người quen của gia đình, Thành được đi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu (trường có lớp cho học sinh khiếm thị theo học) để biến ước mơ đi học trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, Thành được thầy Tài, giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội đang cộng tác với trường dạy đánh đàn bầu. Bởi, khi nghe những lời tâm sự của mẹ Thành các thầy cô trong trường không cầm được nước mắt.

“Ngày ấy khi vào trường học, nghe các anh chị lớn hơn đánh đàn bầu, tôi xin các thầy được đi học. May nhờ mẹ tôi đã từng khoe giọng hát nên các thầy cô trong trường giúp đỡ nhiệt tình. Nhưng để đánh được đàn bầu đối với người mắt sáng đã khó khăn chứ nói gì đến người khiếm thị. Lúc cậu mới tập đánh đàn bầu, âm thanh phát ra nghe cọt kẹt như tiếng …đám ma.

“Mỗi lần mang đàn ra kéo, các bạn xung quanh cười rúc rích khiến tôi rất ngượng. Nhiều khi ngại quá còn không dám đi học”, Thành kể. Sau những lúc bị bạn bè cười chê ấy, Thành quyết tâm phải chơi đàn bầu thật hay. Hàng ngày, buổi sáng cậu dậy từ 5h sáng mang đàn ra luyện tập. Nhờ sự chăm chỉ của mình, sau 1 tháng, Thành đánh đàn bầu thành công bài hát “Xòe hoa”. Đó là bản nhạc hoàn chỉnh đầu tiên của chàng trai mù.

Trở thành một nghệ sỹ chơi đàn bầu cừ khôi, Thành chuyển qua học thêm về đàn organ, ghi ta, trống. Sau một thời gian ngắn tập luyện, Thành đã chơi đàn organ một cách thành thục và điêu luyện.

Tỉnh yêu giản đơn với cô gái vùng cao

Sau khi học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu xong, Thành bước vào con đường biểu diễn nghệ thuật. Những ngày đi hát, qua sự giới thiệu của bạn bè, Thành quen được với Kiều, cô gái vùng cao xinh xắn. Hai người thường xuyên sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống. Kiều kém Thành 1 tuổi, quê ở Định Hóa (Thái Nguyên).

Biết Thành luôn khát khao có một gia đình ấm êm, hạnh phúc, bạn bè Thành đã giới thiệu Kiều cho anh. Sau một thời gian liên lạc qua điện thoại, chàng trai khiếm thị đã thầm thương trộm nhớ Kiều. Ngày 2/9/2009, cậu quyết định rủ một người bạn của mình đi lên Vĩnh Phúc gặp Kiều. Nói đến đây, Thành bồi hồi nhớ lại buổi gặp đầu tiên ấy: “Khi tôi cùng bạn xuống xe, đứng đợi bên đường, có một người đứng đằng sau đập vào lưng nhưng không nói gì, chỉ cười. Tôi quay lại hỏi người con gái đó là ai nhưng cô không nói gì. Mặc dù không nhìn thấy nhưng linh tính mách bảo tôi đó là Kiều”.

"Sau buổi gặp gỡ ấy, Kiều đưa tôi về thăm gia đình cô ấy ở Định Hóa, Thái Nguyên. Dù lần đầu tiên gặp những người thân của Kiều nhưng tôi thấy rất gần gũi, thân quen. Tôi được mọi người chào đón như những người thân trong gia đình”, Thành tâm sự.

Một thời gian sau, Thành đưa Kiều về giới thiệu với bố mẹ. Nói đến đây, gương mặt Thành chợt đỏ lê. Cậu tâm sự: “Biết tôi yêu Kiều, bố mẹ tôi gọi điện cho cô ấy xuống Hà Nội để xin việc. Đồng thời, bố mẹ yêu thương Kiều như con cái trong nhà”. Từ ngày có Kiều chia sẻ những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống, Thành cảm thấy có trách nhiệm với gia đình hơn. Sau gần 2 năm sống cùng gia đình Thành, Kiều đồng ý làm lễ cưới. Mỗi khi nói đến người vợ của mình, anh luôn dành những lời tự hào chứa đầy yêu thương và lòng biết ơn vợ sâu sắc.

Hiện tại, Thành đang là Cộng tác viên của Trung tâm nhân đạo Sao Mai. Mỗi khi trung tâm tổ chức biểu diễn, anh lại cùng ban nhạc Ước Mơ của mình lên đường. Sau mỗi tối biểu diễn, anh được trung tâm trả 100.000 đồng tiền công. Số tiền này được anh dùng để chăm sóc gia đình. Ngược lại, với những chương trình từ thiện, Thành cùng ban nhạc tớ biểu diễn miễn phí, gây quỹ ủng hộ cho trẻ em nghèo của phường, làng trẻ Hữu Nghị, chùa Bồ Đề.

Hồng Mây


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]