Hành vi nào cha mẹ nên cấm và không nên cấm bé?

15.5986

Mỗi hành vi ở trẻ nhỏ luôn cần được cha mẹ quan tâm và có phản ứng phù hợp.  Có thể có những cách hành xử rất khác lạ của trẻ khiến bạn băn khoăn hoặc có những phản ứng chưa phù hợp.

Hành vi không nên cấm ở bé

Cắn

Trẻ em khoảng bốn tháng tuổi bắt đầu mọc răng, lợi sưng lên khiến bé rất khó chịu. Để giải tỏa cảm giác này, bé muốn cắn vào đồ chơi hoặc người thân.

Lúc này, bé chưa biết cắn vào người là việc đúng hay sai. Bố mẹ có nhìn vào bé và nói: “Không được cắn” cũng vô tác dụng.

Để bé cảm thấy dễ chịu, bạn nên đưa cho bé một miếng trái cây như táo hoặc lê, một chiếc bánh hoặc vòng ngậm cho bé mọc răng. Bé sẽ không cắn vào người khác nữa.

Xé giấy

Khi gần tám tháng tuổi, bé thích vò hoặc xé giấy để lắng nghe âm thanh của chúng. Bé sẽ cười thích thú vì sự tò mò của mình được thỏa mãn. Đây là một dạng hành vi tìm hiểu những điều mới lạ xung quanh.

Khi xé giấy, bé còn luyện tập khả năng điều khiển phối hợp ăn ý giữa tay và mắt, phát triển khả năng nhạy bén, linh hoạt cho tay cũng như trí tuệ. Bạn nên cổ vũ cho hành động này, hướng dẫn bé xé giấy thành những miếng nhỏ, hình đơn giản.

Lưu ý, bạn cất giữ những giấy tờ có giá trị khỏi tầm tay bé và cũng đảm bảo giấy cho bé chơi phải vệ sinh.

Ném đồ vật

Bé khoảng chín tháng tuổi sẽ rất thích chơi ném đồ vật. Khi cầm được vật gì trên tay, bé cũng muốn quăng đi và còn cười nữa. Khúc gỗ, quả bóng rơi xuống đất đều phát ra những âm thanh khác nhau và bé đang tìm hiểu nó. Vì vậy, bạn đừng lo rằng bé có biểu hiện bạo lực.

Ném đồ vật sẽ giúp bé điều khiển tay theo ý muốn của mắt. Bạn nên lựa chọn những đồ vật chịu lực tốt cho bé chơi và dạy bé biết vật nào có thể quăng, vật nào không.

Thu đồ vật

Bé trên một tuổi thường thích chơi trò “thu đồ vật” như điện thoại của mẹ, chìa khóa của bố. Trò này giúp bé rèn luyện trí nhớ, cho bé cảm giác thành công và tự tin khi tìm ra vật mình cất giấu.

Vì vậy, bố mẹ nên cổ vũ hành động này và có thể cùng chơi với bé. Lưu ý, bố mẹ cất giữ những đồ vật quan trọng, phòng khi bé thấy, muốn cầm nắm và đem giấu đi.

Thích cầm, nắm thức ăn

Khi hơn một tuổi, bé thường cầm, nắm thức ăn trong bát, làm vung vãi khắp bàn và thích thú đưa nó vào miệng. Đây cũng là cách bé muốn nhận biết xung quanh.

Cha mẹ không cần phải ngăn cản khi bé muốn cầm, nắm thức ăn.

Ngoài ra, khi dùng tay tự cho thức ăn vào miệng, thay vì được người lớn đút, bé sẽ có cảm giác thành công. Vì vậy, bạn nên khuyến khích bé tự lấy thức ăn.

Trèo cao

Sau khi bé biết đi, bé sẽ muốn trèo cao. Đây là dạng tập luyện cho cơ thể, có ích cho sự phát triển tiểu não và thùy trán. Vì vậy, bố mẹ không nên ngăn cản, làm giảm sự tự tin của bé.

Khi bé trèo, mẹ nên đứng gần bé khoảng chiều dài một cánh tay để có thể kịp thời giúp bé khi có sự cố. Bạn cũng nên chuẩn bị cho bé một sân chơi an toàn, tránh vật nhọn, đồ vật dễ vỡ, nên đặt lớp đệm dày dưới mặt đất để đảm bảo an toàn cho bé.

Hành vi nên cấm ở bé

Ngoài những điều không nên cấm bé làm, chúng tôi còn mách cho các mẹ những hành vi nên cấm bé như sau:

Sờ bộ phận sinh dục

Khi gần một tuổi, bé trai thường thích dùng tay cầm bộ phận sinh dục của mình, có lúc còn kéo chúng nữa. Việc này làm người lớn khá đau đầu.

Đối với bé, bộ phận sinh dục và ngón tay, ngón chân đều là những phần giống nhau trên cơ thể, nhưng khi sờ vào bộ phận sinh dục bé lại có cảm giác vui vui, nên thích chơi. Bé gái cũng có hành động sờ vào bộ phận này như bé trai. Việc này có thể gây mất vệ sinh.

Để bé bỏ thói quen này, bạn chuyển sự chú ý của con bằng các đồ chơi thú vị hoặc tổ chức những trò chơi phong phú làm cho hai tay của bé bận rộn mà không còn quan tâm tới bộ phận sinh dục của mình.

Khi bé lớn hơn, có sự hiếu kỳ về bộ phận này, bố mẹ có thể dùng những câu nói đơn giản để giải đáp cho bé. Bố mẹ cần kiểm tra bộ phận sinh dục của bé mỗi ngày để xem có vệ sinh hay có dấu hiệu khác thường gì không để kịp xử lý.

Ích kỷ

Bé từ 1 – 3 tuổi sẽ trở nên rất ích kỷ, thích giữ chặt đồ chơi của mình và không muốn chia cho bạn cùng chơi. Ở độ tuổi nhỏ hơn ba, bé nghĩ mình là trung tâm và chưa phân biệt được sự khác nhau giữa mình, bạn và người khác.

Bố mẹ nên từ từ dạy cho bé biết quyền sở hữu của mình, sau đó dạy tiếp cho bé biết cách chia sẻ.

Bạn có thể hướng dẫn con làm quen, chơi với các bạn cùng độ tuổi, nhường nhịn em. Bạn tránh nuông chiều khiến bé trở nên ích kỷ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]