Học kỹ năng sống trong nhà trường: Khắc khoải mong chờ

Giadinh.net - Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình môn học kỹ năng sống để đưa vào chương trình học phổ thông cho học sinh lớp 1 – 12 trong toàn bộ hệ thống giáo dục công lập.

15.613
Theo ông Nguyễn Công Khanh (Dự án phát triển giáo dục THCS2, Bộ GD&ĐT), vào đầu tháng 8, chương trình sẽ bắt đầu bằng việc tập huấn môn kỹ năng sống cho 300 hiệu trưởng trường công lập trên toàn quốc.
 
Khi người trong cuộc vẫn còn mơ hồ

Cái mà học sinh cần sẽ là có được kỹ năng sống trước khi có được những kiến thức chuyên sâu như toán, lý, hóa, văn... Ảnh: Chí Cường

 
Từ trước đến nay, có rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị bàn nhiều về sự cải cách nền giáo dục Việt Nam. Tại Đại hội tâm lý giáo dục toàn quốc nhiệm kỳ vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục nêu  ý kiến là ta nên học hỏi những tiến bộ của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, ở đó giáo dục của họ là hướng vào học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên phương pháp giáo dục như thế nào, hướng vào đâu thì không ai biết. Chính bởi vậy, khái niệm lấy học sinh làm trung tâm trong giáo dục cho đến nay vẫn là một khái niệm mới mẻ, thậm chí còn mơ hồ không chỉ với người dân mà ngay cả với những người làm trong ngành giáo dục.

Trên thực tế, giáo dục của ta rất tốt trong việc truyền thụ kiến thức, nhưng hiện nay, học sinh ra trường rất kém về khả năng tự vấn, tự chủ và kỹ năng giao tiếp. Trong khi đó khả năng tự vấn là khả năng quyết định sự thành công của một con người. Muốn giáo dục có hiệu quả, có hai vấn đề quan trọng -  đó là giúp học sinh hiểu rõ bản thân, rèn khả năng tự chủ của học sinh. Thứ hai đó là hiểu đứa trẻ, lấy đứa trẻ làm trung tâm.

Vậy cái mà học sinh cần là gì. Trước hết là cần được dạy để biết làm chủ bản thân, để giao tiếp tốt với mọi người và có khả năng giải quyết khi gặp những vấn đề rắc rối. Học sinh chỉ có thể học được những điều đó khi mà nền giáo dục nhà trường chú tâm đến dạy học sinh kỹ năng sống.

Một người khi trưởng thành, muốn sống tốt trước hết phải là người biết giao tiếp tốt, sau đó mới đến kiến thức chuyên sâu. Như vậy, cái mà học sinh cần sẽ là có được kỹ năng sống trước khi có được những kiến thức chuyên sâu như toán, lý, hóa, văn...

Sự khác biệt

Chương trình đưa môn học kỹ năng sống vào nhà trường hiện nay đang được xem là một sự cải cách tiến bộ nhất của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, giáo dục như thế nào là cả một vấn đề. Các chuyên gia cho rằng: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hoàn toàn khác biệt với giáo dục những môn học thuộc về tư duy lôgic khác. Mỗi lứa tuổi, mỗi đứa trẻ phải có cách giáo dục khác nhau. Hơn nữa đó là môn học không khô khan, đơn điệu mà qua hành động, qua thực hành, qua trải nghiệm, qua sự tương tác.
 
Bởi vậy để giáo dục kỹ năng sống có hiệu quả, nhà trường cần phải đầu tư nguồn lực giáo viên, tránh sự quá tải, trang bị mọi cơ sở vật chất cần thiết. Hơn nữa, giáo viên dạy môn học này phải là người có chuyên môn tốt (về tâm lý) và phải thực sự có “tâm” với học sinh. Giáo viên có “tâm” thì học sinh mới có cảm xúc, có tình cảm, có hứng thú trong việc tiếp nhận kiến thức. Bởi vậy nhiều người lo ngại rằng, liệu Bộ GD&ĐT có đủ 300.000 giáo viên về kỹ năng sống có tâm huyết cho 300.000 trường học trên toàn quốc để thực hiện được dự án này hay không. Đó là chưa kể đến những điều kiện dạy học khác. Trong điều kiện cơ sở vật chất trường học nghèo nàn và sự quá tải học sinh như hiện nay thì việc thực hiện giáo dục kỹ năng sống hiệu quả là điều vô cùng khó khăn. 

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo giáo viên môn kỹ năng sống. Dự án cũng mới chỉ bắt đầu từ khâu đào tạo giáo viên. Bởi vậy: Bao giờ học sinh sẽ được dạy kỹ năng sống trong nhà trường, thì vẫn phải... chờ.

Lấy học trò làm trung tâm

Trước nhu cầu được học kỹ năng sống hiện nay của phụ huynh và học sinh, hiện nay một số trường dân lập và tư thục cũng đã chú trọng đến mảng giáo dục này. Nhiều trường lấy tiêu chí giáo dục “phát triển toàn diện” để chiêu sinh nhưng trên thực tế học sinh vẫn chưa thực sự được học môn học này một cách thường xuyên.

Bà Hoàng Ngọc Mai, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội cho biết: Giáo dục toàn diện chính là mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, ở đó học sinh không chỉ được dạy những kiến thức cơ bản (trong chương trình khung của Bộ GD&ĐT lâu nay) mà còn được tạo mọi điều kiện để phát huy những năng lực khác. Trong đó, năng lực về kỹ năng sống là một năng lực cơ bản và rất cần thiết đối với bất cứ đứa trẻ nào.

Tại hệ thống giáo dục tiên tiến, ngoài việc tích hợp môn học kỹ năng sống trở thành một trong những tiết học chính thì họ đã đầu tư về giáo viên cũng như cơ sở vật chất để giúp học sinh có điều kiện được học một cách có hiệu quả nhất. Để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp nhận nhiều sự tương tác khác nhau, hệ thống giáo dục tiên tiến lấy mô hình: Ít học sinh, nhiều giáo viên.
 
Ngay từ lớp 1, học sinh đã được tiếp cận với nhiều giáo viên, ngoài giáo viên chủ nhiệm và giáo viên trợ giảng thì mỗi môn học là một giáo viên riêng. Lớp ít học sinh là một trong những tiêu chí của mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Lớp ít học sinh sẽ giúp cho giáo viên đủ thời gian để tương tác với học sinh. Hay mô hình nhiều giáo viên cũng là một hình thức giáo dục mới mẻ, không chỉ dạy chuyên môn tốt hơn mà cũng là cách tạo điều kiện để học sinh nhận được nhiều sự tương tác khác nhau. Tương tác giữa học sinh với giáo viên, tương tác giữa học sinh với học sinh và tương tác giữa giáo viên với giáo viên. Sự tương tác của học sinh trong nhà trường sẽ mang lại cho các em nhiều kỹ năng sống, không những vậy còn gây hứng thú học tập cho học sinh.
 
Giáo dục “bỏ quên” một số năng lực bẩm sinh

Từ lâu nay, giáo dục của ta chỉ thiên về lôgic: Toán, ngôn ngữ, tiếng Việt mà chưa quan tâm đến những môn học khác, nên khi trưởng thành dễ bị thiếu hụt. Chúng ta mới chỉ chú trọng giáo dục lôgic, ngôn ngữ (não trái quyết định) còn những năng khiếu về nghệ thuật, kỹ năng, khả năng sáng tạo, cảm xúc (não phải quyết định)… thì dường như bị bỏ quên. Những tư chất thông minh không được giáo dục từ bé nên lớn lên sẽ bị thui chột dần và mất hẳn. Giáo dục của ta chưa “toàn diện”, một phần do quan niệm, do tài chính . Ví dụ, giáo dục kỹ năng sống: Như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý cảm xúc (ví dụ nghề giáo viên chẳng hạn) thì giáo dục của ta chưa để ý tới. Năm nay Bộ Giáo dục bắt đầu thực hiện đưa môn kỹ năng sống vào trong nhà trường nhưng theo tôi sẽ rất khó khăn vì muốn dạy thì phải có 300.000 giáo viên kỹ năng cho 300.000 trường phổ thông hiện nay.

Ông Trịnh Minh Giang - Thạc sĩ học ở Pháp, Giám đốc Giáo dục hệ thống giáo dục VIP (Hà Nội)
 
Lâm Vũ

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]