Huế trong hình hài kinh đô nghệ thuật

Kinh đô nghệ thuật sẽ không thuộc về Hà Nội, cũng không phải là TP.HCM, nơi mỗi tuần đều có các cuộc triển lãm, mỗi đêm có biểu diễn nghệ thuật, các sân khấu đỏ đèn. Kinh đô nghệ thuật cần đến chiều sâu văn hóa, đặc biệt nó đủ ma lực thu hút nghệ sĩ từ khắp thế giới đến đây sáng tạo. Có một thành phố đang mơ giấc mơ biến mình thành một kinh đô như vậy, với quá khứ và cả cho tương lai. Đó là Huế.

15.5809

Tôi mang suy nghĩ của lão họa sư Lê Bá Đảng mong muốn đóng góp sức cho Huế vươn mình thành một kinh đô nghệ thuật của Việt Nam đến với nhiều văn nghệ sĩ và nhà nghiên cứu Huế. Thật bất ngờ là tất cả đều tán đồng.

Bộ sưu tập của họa sĩ Lê Bá Đảng
Mỗi người một góc nhìn. Một nhà sưu tập đồ gốm là cụ Nguyễn Tấn Phan thì nhìn thấy qua dòng sông Hương đầy ắp cổ vật chiều sâu của lịch sử và văn hóa Huế cần phải nghiên cứu, khám phá để hiểu về những nền văn hóa đã từng ngự trị trên mảnh đất này. Họa sĩ Đinh Khắc Thịnh nói, chỉ sống tại Huế mới có thể thả sức sáng tạo tác phẩm sắp đặt đúng như mong muốn. Huế như một nguồn cảm hứng bất tận và bất ngờ.

Tôi đến Huế rất nhiều lần để ngắm nhìn nó từ khi công viên tượng đá bên bờ sông Hương còn đẫm hơi sương sớm, những tác phẩm điêu khắc mang phong cách khắp thế giới đang ở đây như một lời giới thiệu về văn hóa Huế đang hội nhập mạnh mẽ. Đến lúc ngồi thuyền lá qua Cồn Hến, ngước mắt lên bờ thấy khách sạn Hương Giang, cầu Tràng Tiền kiến trúc đẹp tuyệt. Tít tắp phía xa là Thành Nội u tịch, rồi Kim Long im ắng cô liêu trong màu xanh của vườn cũ, và bao nhiêu chùa chiền nổi tiếng...

Đến Cồn Hến, tôi lại nghểnh về phía Vỹ Dạ, ở đâu đó giữa phố sá đã quá nghênh ngang, trong những con đường nhỏ phía sau lẩn khuất đôi mảnh vườn cũ, vẻ đẹp của nó đã làm cho Hàn Mặc Tử xuất thần, mộng tưởng Đây thôn Vỹ Dạ. Cố đô này không là Paris hay Milan với những công trình kiến trúc đồ sộ choáng ngợp, nơi dạo gót của các văn sĩ, họa sĩ, các nhà triết học danh tiếng tự cổ chí kim.

Huế với vẻ đẹp sâu sắc của một bài thơ từ phong cảnh thiên nhiên đất cố đô đến kiến trúc cổ Á Đông lẫn một giai đoạn ảnh hưởng văn hóa Pháp đã tạo nên một vẻ đẹp văn hóa lãng mạn, vô hình làm nôi đỡ cho biết bao sáng tạo nghệ thuật. Phố sá bây giờ đã nhiều kiến trúc mới, bên cạnh khách sạn Mo-rin cổ kính nhìn ra cầu Tràng Tiền lại có khách sạn Hoàng Cung kiến trúc mới nhưng nằm trọn vẹn trong cái cổ điển.

Những tòa công sở mới xây dựng nương tựa theo kiến trúc Pháp để không làm hỏng Huế. Có thể vì thế mà khách bốn phương đổ xô đến quanh năm, các nghệ sĩ cũng tụ về đây tạo cho kho tàng văn hóa phong phú, cá tính sáng tạo của người Huế thêm đặc sắc.

Xứ này không chỉ tự hào có Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình, nơi lưu giữ hàng vạn cổ vật của triều đại nhà Nguyễn, mà còn có cả cổ vật của Hoàng đế Quang Trung đưa về khi chinh phục đất Bắc, và tác phẩm thủ công Trung Quốc của người Việt tụ lại chốn đô hội. Hàng trăm bộ sưu tập tồn tại khắp cố đô, với tiền cổ, tranh, gốm men lam, tủ sách cổ hàng trăm năm tạo thành những nhóm nghệ thuật phong phú.

Đồ gốm trong các bộ sưu tập tư nhân của người Huế
Trong quyết tâm trở thành một kinh đô nghệ thuật, Huế có những quyết định đẹp với văn hóa mà khắp Việt Nam không nơi nào làm được. Họ dành trọn hai khu biệt thự lớn, với khuôn viên vườn hoa trên những con đường đẹp nhất Huế đón hai họa sĩ Việt kiều nổi tiếng trở về sống và làm việc suốt quãng đời còn lại. Đó là Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, đã trở thành tâm điểm chú ý của du khách phương Tây, nơi sinh hoạt của giới hoạt động nghệ thuật.

Những trung tâm văn hóa, hội họa, triển lãm, biểu diễn, festival chiếm hết vị trí đẹp nhất bên bờ Nam sông Hương thơ mộng. Dường như nơi nào cũng có thể gặp một triển lãm nghệ thuật. Vào một quán cà phê nằm sát Đập Đá, vô tình gặp một cuộc triển lãm của vài họa sĩ Huế như Trương Bé, Hoàng Đăng Nhuận.

Chợt nhớ cũng không gian này đã nuôi dưỡng tâm hồn của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, nhớ gam màu nóng đầy tính triết lý của Bửu Chỉ, nhớ những bài tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường hay vần thơ yêu nước của Trần Vàng Sao! Trong từng lĩnh vực nhỏ nhắn, khiêm tốn, Huế sản sinh quá nhiều tao nhân thi sĩ...

Điều thú vị trong khám phá nghệ thuật của người Huế là không chút bảo thủ, dù rất kín kẽ. Đã được công nhận đang gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể thế giới là âm nhạc cung đình, nhưng Huế là nơi tiếp nhận văn hóa - nghệ thuật hiện đại rất nhanh. Chính công viên đẹp nhất bờ Nam sông Hương là nơi người Huế mở lòng đón nhận văn hóa nước ngoài với các tác phẩm điêu khắc cách tân cả về nghệ thuật lẫn đề tài. Người Huế tổ chức festival với slogan “Di sản và hội nhập”.

Buổi sáng ra có thể đi xem một triển lãm nghệ thuật gắn chặt với mặt đất bên công viên về đề tài tâm linh Á Đông mang tựa đề "Oan hồn" làm từ những mảnh gỗ mối mọt, hoang dại của họa sĩ Việt kiều Tô Bích Hải, mà nếu cuộc triển lãm này diễn ra ở địa phương khác chưa chắc đã suôn sẻ vì không có không gian thích hợp.

Buổi tối khán giả vẫn thật mặn nồng với nghệ thuật múa bụng Thổ Nhĩ Kỳ kết hợp với thơ tình. Buổi chiều xem các nghệ sĩ đường phố biểu diễn thì tối đến sân khấu kinh kịch Trung Quốc vẫn đầy khán giả. Ở Việt Nam, nơi tổ chức các triển lãm nghệ thuật sắp đặt nhiều nhất chính là Huế. Triển lãm sắp đặt luôn mang tính thể nghiệm về cách biểu hiện và đề tài, nó luôn thách thức sự tiếp nhận.

Không chỉ Việt kiều, các họa sĩ của Huế như Đinh Khắc Thịnh luôn làm người ta ngạc nhiên với các tác phẩm sắp đặt đầy chất văn hóa dân gian, thiên về cái đẹp và quy mô hoành tráng, thường chiếm hết một công viên, hoặc con đường, bãi biển hoặc đoạn sông. Rồi các họa sĩ Hàn quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng thường đến đây để “sắp đặt”, vì họ tin vào cái nôi của nghệ thuật lâu đời, tin vào hàng ngàn sinh viên của Đại học Huế và chính công chúng Huế. Một nền tảng văn hóa và công chúng như vậy làm sao không thu hút nghệ sĩ quốc tế đến Huế!

Lão họa sư Lê Bá Đảng hơn nửa thập kỷ sống ở Paris, từng thành danh tại châu Âu, nhưng ông chỉ vẽ đề tài Việt Nam, đặc biệt là vẽ về chiến tranh, mong một ngày cố đô trở thành một kinh đô nghệ thuật mới của Việt Nam. Ông nói như dốc bầu nhiệt huyết: “Hãy nhặt hết những giá trị của tôi qua tác phẩm, hãy biến nó thành thực tế Huế”. Những ai chia sẻ ước mơ này của ông sẽ được tiếp đón và cùng làm việc hết mình vì nghệ thuật ở Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, một căn biệt thự rộng lớn và cổ điển nằm ngay bên bờ sông Hương thơ mộng.
 

BÍCH HỒNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]