Không thể “lột xác” sau 7 ngày học kỹ năng sống

GiadinhNet - Theo một số chuyên gia, đấy chỉ là những kĩ năng bổ trợ, không phải thuốc tiên giúp trẻ “lột xác” chỉ sau 5-7 ngày.

0
> Kỹ năng sống – Qua thời bất cập, đến thời thái quá:
>
 
Kỹ năng hay nhân cách sống?
 
Một số ý kiến cho rằng, để làm bạn với con và giáo dục con cái theo một tinh thần tự do, cởi mở, tôn trọng ý kiến của trẻ... thì các bậc phụ huynh phải gương mẫu và học kỹ năng sống nhiều hơn trẻ. Người xưa nói, không bất cập nhưng cũng đừng thái quá. Nhiều năm nay không ai đề cập đến kỹ năng sống cũng là một thiệt thòi cho nhiều thế hệ. Nay đề cập một cách thái quá, cũng chưa hẳn là điều hay.
 
Liên quan đến trào lưu này, một thầy giáo đã nghỉ hưu ở quận 3, TPHCM than thở: “Ở bậc học phổ thông, người ta phải tập trung đào tạo nhân cách làm người chứ. Đó mới là nền móng của giáo dục. Kỹ năng kỹ xảo gì đó có thể tính sau, nhưng nhân cách sống mà không uốn nắn, đào tạo ngay từ bé thì nguy lắm. Chỉ chăm chăm kỹ năng, kỹ xảo, sau này lớn lên, các em có tài mà thiếu đức thì biết phải làm sao?”.
 

Học sinh tham gia "học kỳ quân đội" để tìm kỹ năng sống. Ảnh: Đỗ Bá

 
Về điều này, BS Lê Minh Công (Phó Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng, BV Tâm thần Trung ương 2) cho biết, việc sốt sắng cho trẻ đi học kĩ năng sống chỉ là để thay đổi hành vi, thói quen, giúp các em giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, rèn luyện kĩ năng tự giải quyết vấn đề, xử lý căng thẳng.
 
Tuy nhiên nó không giải quyết tận gốc vì nhân cách và giá trị sống của con người mới là quan trọng. Giá trị sống đó được bồi đắp từ gia đình, xã hội và các chương trình giáo dục trong nhà trường.
 
“Theo tôi được biết, Tổ chức UNESCO đã từng khuyến cáo, nên đào tạo các giá trị sống cho trẻ bắt nguồn từ gia đình, nhà trường để nhân cách được phát triển toàn diện” - BS Lê Minh Công chia sẻ.
 
Không phải “thuốc tiên”
 
Đành rằng tâm lý thiếu thì phải bổ sung cho bằng được, tuy nhiên, TS Nguyễn Thu Cúc, chuyên gia tư vấn giáo dục thuộc ABS Training - một trung tâm có đào tạo kỹ năng sống - khẳng định, nội dung các em hấp thụ qua các lớp đào tạo kỹ năng sống chỉ là những kỹ năng bổ trợ, chỉ được học với một thời gian quá ngắn. Các phụ huynh cần hiểu những lớp đào tạo kỹ năng sống chỉ là “thực phẩm chức năng”, không phải là “thuốc tiên” giúp con em “lột xác” sau 5-7 ngày.
 
Theo phân tích của TS Nguyễn Thu Cúc, để hình thành một tính cách là cả quá trình, không thể một ngày, một bữa mà có. Bởi vậy, hơn ai hết, phụ huynh là những người truyền thụ kỹ năng sống cho trẻ nhiều nhất và gia đình chính là môi trường bền vững để trui rèn trẻ những kỹ năng sống cần thiết. “Vai trò gia đình là không thể thiếu, giữ vị trí nòng cốt. Việc tiến bộ và đạt hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá giáo dục của gia đình. Bởi đây mới là môi trường quen thuộc nhất của các em”, TS Cúc khẳng định.
 
Trao đổi qua điện thoại, PGS.TS Phan Trọng Ngọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, không thể đánh giá được ảnh hưởng tốt hay xấu khi cho trẻ học kỹ năng sống tràn lan. Tuy nhiên, có thể nói việc đó giống như cho trẻ uống quá nhiều loại thuốc bổ, nếu không khéo sẽ bị trùng “thuốc”. Thậm chí, nếu quá nhấn mạnh đến một kĩ năng nào đó, sẽ giống như việc bạn dùng thuốc quá liều, gây hậu quả không tốt.
 
Phòng giáo dục quận, huyện chịu trách nhiệm

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết, bộ giáo trình “Kỹ năng sống” đã được xây dựng và phát hành trên cả nước. Hiện, Bộ GD&ĐT đã có lồng ghép vào trường học ở các cấp học cụ thể.
 
Theo ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng giáo dục tiểu học thuộc Sở GD&ĐT TPHCM, các trung tâm có lớp đào tạo kỹ năng sống được cấp phép bởi các phòng giáo dục quận, huyện.
 
Sở GD&ĐT chỉ quản lý những lớp kỹ năng sống trong hệ thống trường học. Liên quan đến vấn đề phụ huynh đưa con em theo học các lớp kỹ năng sống ngoài trường học, ông Điệp cho biết phụ huynh phải tự thẩm định chất lượng và Sở GD&ĐT không thể kiểm tra giám sát vấn đề này.
 
Ngọc Hân

Hà Mỹ - Đỗ Bá

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]