Kỳ tích của những người 30 năm chăm sóc trẻ sinh non

(ĐSPL) – Em bé sinh non vào tuần thứ 26, chỉ nhẹ 500g nhưng đã sống sót kỳ diệu, trở thành một bé gái xinh xắn, nhanh nhẹn là một trong những kỳ tích của những người lặng lẽ ngày đêm chăm sóc trẻ sinh non.

0

Kỳ 3: 

Kỳ 2: 

Kỳ 1: 

Phép màu kì diệu của tình yêu thương

Đến thăm Khu chăm sóc trẻ sinh non của bệnh viện Phụ sản Trung ương những ngày cuối năm mới thấy được sự vất vả, tất bật của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, điều dưỡng tại đây. Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có 4 phòng Hồi sức tích cực dành cho những bé sinh non còn yếu với tổng cộng trên 40 bé, 3 phòng dành cho những trẻ có sự tiến triển tốt về sức khỏe với khoảng 80 bé.

Đội ngũ y, bác sĩ tại khoa có 21 bác sĩ, 49 điều dưỡng và 5 hộ lý lúc nào cũng phải làm việc hết công suất. Cô Dương Thị Kim Oanh – một nữ hộ sinh đã gắn liền với công việc chăm sóc trẻ sinh non 30 năm nay tâm sự: “Đối với công việc này, nếu không yêu nghề, không yêu trẻ thì khó có thể làm được. Bởi thường xuyên phải trực đêm, ngày thì làm việc luôn tay luôn chân, thời gian trước nếu vào ngày trực, chúng tôi phải làm việc 24/24. Nhưng hiện nay vào ngày trực thì giảm xuống còn 12 tiếng/ngày”.

Phóng to

Cô Dương Thị Kim Oanh chia sẻ về  niềm vui khi thấy những đứa trẻ sinh non lớn lên khỏe mạnh.

Ngày nay, nhờ vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên khả năng sống sót của các bé sinh non cũng cao hơn. Thậm chí, vào năm 2010, một bé gái sinh non vào tuần thứ 26, chỉ nặng 500g nhưng nhờ vào sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ nên sau gần 4 tháng điều trị tích cực, bé đã sống sót kì diệu.

Nhớ lại ngày ấy, cô Oanh chia sẻ: “Đó là một phéo màu đối với gia đình bé, là một món quà vô giá đối với những người làm nghề như chúng tôi. Hiện nay, bé sống cùng gia đình ở Hải Dương, nhưng năm nào bố mẹ cháu cũng cho lên đây chơi và thăm các y, bác sĩ. Nhìn thấy đứa trẻ ngày nào bé xíu, mà nay lớn lên xinh xắn, nhanh nhẹn, chúng tôi thấy không có gì vui hơn”.

Phóng to

Những đứa trẻ ngày nào phải nằm trong lồng kính giờ đã lớn khôn, khỏe mạnh là niềm vui của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.

Hiện nay, bé nhẹ cân nhất của trung tâm chỉ nặng 700g, nhưng với sự chăm sóc ngày đêm của các y, bác sĩ, sức khỏe của bé đang ngày càng được cải thiện. Những bé dưới 1kg cũng nhiều, nếu là ngày xưa thì rất khó có thể sống sót, nhưng bây giờ, được hưởng sự chăm sóc đặc biệt cùng sự trợ giúp của các thiết bị khoa học hiện đại nên khả năng sống và phát triển bình thường của các bé là rất cao.

Thông thường, những trẻ sinh non nếu sức khỏe tiến triển bình thường thì khoảng 4-6 tuần là sẽ được cho về với mẹ, được hưởng sự chăm sóc như bao đứa trẻ bình thường khác.

30 năm gắn bó với buồn, vui trong nghề

Cũng giống như cô Oanh, cô Nguyễn Thị Bích Thủy – Hộ sinh trưởng Khoa sơ sinh cũng đã gắn bó với công việc này hơn 30 năm nay.

30 năm gắn bó trong nghề, có biết bao buồn, vui đều đã trải qua, nhưng điều đó càng giúp cô thêm gắn bó với những đứa trẻ yếu ớt, non nớt đang cần bàn tay chăm sóc.

Phóng to

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy đang ân cần cho các bé ăn sữa.

Cô cho biết: “Những trẻ sinh non hoặc cực non thường bị suy hô hấp nên thường xuyên phải truyền dịch, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Khi thể trạng khá hơn thì đặt xông cho ăn qua đường dạ dày, bởi vậy mà cần có chế độ chăm sóc cẩn trọng từng chút một. Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi, quan sát mọi hoạt động của trẻ, khi trẻ khóc thì phải cho ăn ngay, hoặc kiểm tra xem trẻ có vấn đề gì khó chịu hay không, bởi vậy mà không bao giờ được rời mắt khi chăm các bé. Đối với những trẻ còn yếu thì 1 nữ điều dưỡng hoặc hộ sinh chỉ có thể chăm được 1 - 2  bé”.

30 năm nghe tiếng khóc cười của trẻ thơ, tôi thấy gắn bó lắm. Nhìn bọn trẻ non nớt mở mắt nhìn, giơ tay cử động, thấy yêu vô cùng. Coi trẻ như con, chúng tôi dành tất cả tình yêu thương để chăm sóc cho các bé, mong các bé sớm khỏe mạnh để về với gia đình. Thế nhưng nhiều khi, chăm sóc một thời gian nhưng do tình trạng nặng nên nhiều bé không qua khỏi, chúng tôi cũng đau đớn, xót xa như mất đi đứa con của chính mình vậy. Còn nhớ, cách đây khoảng 6 năm, có một bé sinh non được chăm sóc trong này, nhưng được mấy ngày, do bệnh nặng nên bé không qua khỏi, người nhà cháu bé do quá đau xót và không kịp hiểu chuyện nên đã đẩy cửa xông vào đánh các y, bác sĩ trong trung tâm. Đó cũng là một trong những nỗi buồn không thể nào quên của những người làm trong nghề như chúng tôi” – cô Thủy tâm sự.

Phóng to

Sự khỏe mạnh của các bé sinh non là món quà quý giá nhất đối với đội ngũ y, bác sĩ.

Thế nhưng, ánh mắt cô lại sáng ngời niềm vui khi nghĩ đến những em bé từng được chăm sóc tại trung tâm, nay đã lớn lên khỏe mạnh nhưng vẫn được bố mẹ dắt đến để thăm và trò chuyện cùng các y, bác sĩ nhân dịp lễ tết hay nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Điều đó cho thấy gia đình họ vẫn luôn nhớ và biết ơn những người thầy thuốc đã tận tình, chăm sóc cho các con mình trong những ngày khó khăn nhất, điều đó cũng chứng tỏ rằng, người ta vẫn luôn nhớ đến công lao của họ  khi phải ngày đêm chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho những mầm non yếu ớt. Đối với họ, đó là món quà vô giá.

Hoài Thu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]