Làm bố tốt có khó không?

(PLO) - Thế nào là một người cha tốt? Đó là một khái niệm vẫn còn mơ hồ với nhiều ông bố.

15.5981
Ảnh minh họa: Internet
Câu lạc bộ “Người cha tốt”  là mô hình vừa được ra mắt tại xã Lam Hạ, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bước đầu đã có 30 thành viên là những ông bố có con dưới 16 tuổi trên địa bàn tham gia sinh hoạt
Với chủ đề “Vai trò của người cha trong gia đình”, trong buổi sinh hoạt đầu tiên, các thành viên đã tích cực trao đổi, chia sẻ những nội dung như: vai trò, tầm quan trọng của người cha đối với gia đình, con cái; làm thế nào để người cha thể hiện được sự quan tâm, đồng cảm, làm bạn cùng con ở tuổi mới lớn; cách nuôi dạy, chia sẻ với con những tâm tư, tình cảm trong cuộc sống…
Nhiều ông bố sau buổi sinh hoạt đã tâm sự, làm bố lâu nay nhưng giờ họ mới hiểu công việc đó không đơn giản chút nào, bởi lo ăn mặc, chỉ bảo con cái mới chỉ là nửa trách nhiệm của người làm bố mà thôi. 
Cùng cảm xúc, ông Nguyễn Hồng Tuyên - Bí thư Đảng ủy xã Lam Hạ, thành viên của câu lạc bộ chia sẻ: “Trên cương vị là một người cha cũng như các thành viên trong câu lạc bộ, theo tôi, muốn làm một người cha tốt của con, trước hết chúng ta phải gương mẫu từ hành động đến lời nói trong gia đình cũng như ngoài xã hội để con cái noi theo...”.
Câu lạc bộ “Người cha tốt” nằm trong chương trình thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010-2015” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu: có ít nhất 2 triệu ông bố trong gia đình có con dưới 16 tuổi được tiếp cận với các thông tin về nuôi, dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình thông qua tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hội họp, các sự kiện và tài liệu truyền thông tại cộng đồng. 
Câu lạc bộ “Người cha tốt” ngoài việc cung cấp tài liệu tham khảo còn giúp những người cha - trụ cột của gia đình nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong nuôi dạy con. Bên cạnh đó giúp họ tổ chức cuộc sống gia đình, biết phương pháp nuôi dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình để có hành động thiết thực cải thiện chất lượng cuộc sống của chính gia đình mình.
Như vậy có thể thấy, vai trò của người bố là rất quan trọng trong gia đình. Các nhà giáo dục học cũng đã chứng minh sự thiếu vắng của người cha có thể dẫn đến  tình trạng tâm thần phân liệt trong một số trường hợp mà trẻ đã có những tổn thương về tình cảm hay có những rối nhiễu về tâm lý. 
Trong những trường hợp khác thì một đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc giáo dục của người cha có thể trở thành những con người hèn nhát và dễ nản chí, luôn có cảm giác không an toàn và hay lo âu. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có tính khí thất thường, dễ trở thành tội phạm.

Quan trọng là vậy nhưng trong khuôn khổ của mình, đề án chỉ có thể “với” tới được 2 triệu ông bố, còn rất nhiều những ông bố khác thì sao? Mong rằng qua tuyên truyền, qua nhận thức của các cơ quan, tổ chức và bản thân các ông bố, rồi đây mô hình Câu lạc bộ “Người cha tốt” sẽ được nhân rộng để mỗi đứa trẻ khi vướng mắc hay cần gì có thể tự tin gọi lên hai tiếng: “Bố ơi!”

Minh Minh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]