Làm gì để các gallery Việt hiệu quả?

SKĐS - Nhiều năm qua, các gallery (phòng trưng bày, không gian nghệ thuật) ở nước ta không chỉ đơn thuần là nơi tổ chức hội thảo, tọa đàm nghệ thuật...

15.5995

Nhiều năm qua, các gallery (phòng trưng bày, không gian nghệ thuật) ở nước ta không chỉ đơn thuần là nơi tổ chức hội thảo, tọa đàm nghệ thuật... mà còn là điểm trung gian để đưa tác phẩm đương đại đến với công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả thông qua các hoạt động như triển lãm, trưng bày. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các gallery tại Việt Nam chưa phát huy hết hiệu quả vì còn gặp không ít khó khăn.

Muôn màu gallery Việt

Tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại hàng trăm gallery lớn nhỏ và gallery được biết đến ở nước ta từ khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Những cái tên gallery quen thuộc và đình đám không còn xa lạ với những người yêu nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước hiện nay, như: Hanoi Studio, Đào Anh Khánh Studio, Maison des Arts, Nhà sàn collective, ArtVietnam, Bui Gallery (Hà Nội)...; Gallery Quynh; Little Blah Blah; Sàn Art (TP.HCM)…

Ít nhà quản lý có ý thức về một “chiến lược tạo hình ảnh” cho gallery của mình.

Quynh Gallery là một trong những gallery lớn trong nền nghệ thuật hơn 10 năm qua, vẫn đang nỗ lực bảo trợ cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, việc duy trì một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ nghệ thuật như Quynh Gallery là một điều hết sức khó làm song Quynh Gallery đã và đang nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để tìm ra thị trường kết nối. Điều đáng nói, mỗi gallery luôn đi theo hướng phát triển riêng, phù hợp với sự đa dạng của nghệ thuật đương đại. Chẳng hạn như Quynh Gallery chú trọng đến việc trưng bày tranh trừu tượng Việt Nam thì Sàn Art lại hướng đến nghệ thuật thị giác, qua đó góp phần lấp đầy những khoảng trống trong sáng tạo và nghệ thuật.

Tuy nhiên, với Bui Gallery, Nhà Sàn Collective... ngay từ khi ra đời đã chủ trương xây dựng một không gian tương lai đầy đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh với các gallery đã thành danh ở châu Á. Song bên cạnh đó, nhiều gallery ở nước ta vẫn thiếu tầm nhìn và tính chọn lọc. Nhiều người quản lý điều hành phòng tranh mà không có chút kiến thức nào về hội họa. Vài trăm gallery trong nước cùng bán một thứ hàng kém phẩm chất, loanh quanh với một vài tác giả thời thượng, trình bày một thứ hội họa lòe loẹt về màu sắc, hời hợt về ý tưởng. Điều đáng lo ngại nữa, các gallery bắt đầu phát triển mục đích duy nhất là lợi nhuận, chủ yếu ưu tiên cho các khái niệm và ý tưởng, chủ đề để gây chú ý, để được nói đến và cuối cùng là được trưng bày hay bán bất kỳ thứ gì.

Về cơ bản, các chủ gallery đều muốn không gian của mình thuộc hàng sang trọng nhưng lại không có một “chiến lược sản phẩm” gắn liền với “chiến lược tạo hình ảnh” (cho gallery) và một “chiến lược khách hàng rõ ràng”. Đa số họ không hiểu tính chất đồng đẳng trong mối quan hệ giữa gallery và họa sĩ và giữa gallery với khách hàng có ý nghĩa gì. Bởi vì thế mới có chuyện ArtVietnam đóng cửa vào tháng 8/2011 báo hiệu những khó khăn gặp phải trong việc duy trì một không gian nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cũng trong nhiều năm trở lại đây, một số Gallery phải đóng cửa. Nếu không chấp nhận “giã từ sự nghiệp”, để tồn tại, nhiều gallery phải xé nhỏ không gian vừa làm nhà hàng vừa bán tranh hay hàng thủ công mỹ nghệ, đồ cổ, quà lưu niệm... Vai trò hoạt động của các gallery trong đời sống mỹ thuật cứ mờ nhạt dần, ít nhận được quan tâm của giới truyền thông, không còn sôi nổi triển lãm...

Cần được quan tâm để làm tròn sứ mệnh

Khác biệt so với Việt Nam, các gallery ở nước ngoài là một môi trường bảo trợ và phát triển nghệ thuật đương đại, điển hình như: White Cube (Anh), Gallery Hauser & Wirth (Mỹ), Schoeni Art Gallery (Hong Kong)... bởi những nỗ lực thử nghiệm, nghiên cứu, sáng tạo nghiêm túc và bài bản. Về tư duy nghệ thuật và kinh doanh, các gallery ở châu Âu đã từ bỏ các trang trí xa hoa, lãng phí như một cách không tạo sự đối lập với sự phóng khoáng của các nghệ sĩ; Việt Nam lại chạy theo sự bóng bẩy, phù phiếm để nâng tầm “đẳng cấp”. Ở nước ngoài, các cơ quan văn hóa cho rằng, tầm quan trọng của văn hóa và nghệ thuật không chỉ là công cụ để xây dựng quốc gia, tạo doanh thu cho ngành công nghiệp giải trí, du lịch mà còn là nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính từ sự nhạy bén trong tư duy phát triển nghệ thuật, các gallery trên thế giới đã dần nới rộng không gian, trở thành các siêu gallery phục vụ đời sống tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật. Mô hình siêu gallery đang ngày được nhân rộng ở những nước phát triển.

Nói một cách khách quan, để gallery có thể chuyên nghiệp hóa, nghệ thuật đương đại Việt Nam có thể phát triển cần một bệ đỡ xã hội cần thiết - một thiết chế bảo trợ đúng đắn, phù hợp. Cách thức vận hành của hệ thống các gallery nghệ thuật không phải bây giờ mới được mổ xẻ. Số gallery đang hoạt động ở nước ta có đến hàng trăm, song những địa chỉ thực sự có tác dụng cổ súy những gương mặt tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam đến công chúng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không thể phủ nhận sự nỗ lực đóng góp đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng của các gallery ở nước ta nhưng từ thực tế “èo uột” nhìn thấy được, đã đến lúc cần “chuyên nghiệp hóa” các gallery để góp phần cho sự phát triển của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam giàu bản sắc thẩm mỹ và văn hóa truyền thống.

Theo bà Vũ Ngọc Trâm (Chủ không gian nghệ thuật Manzi, từng phụ trách Quản lý văn hóa nghệ thuật tại Hội đồng Anh - Hà Nội), sự tồn tại của các gallery trong nền kinh tế thị trường hiện nay rất khó khăn. Các gallery chỉ có thể phát triển bền vững khi có sự hỗ trợ về kinh phí và sự hỗ trợ từ chính những người quan tâm, yêu văn hóa đương đại. “Với điều kiện trình độ dân trí tốt hơn, tôi tin các gallery sẽ làm tròn sứ mệnh của mình” - bà Trâm nhận định.

Thúy Ngân

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]