Làm gì để những di sản quý không bị mai một?

Quanh năm lao động miệt mài, tháng Giêng là thời gian đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở các vùng miền rộn rã với những lễ hội truyền thống. Mỗi lễ hội đều có giá trị văn hóa và những nét đặc sắc riêng, chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần này cũng chính là giữ lại những bản sắc độc đáo, riêng có của đồng bào DTTS.

15.5948
Quang cảnh lễ hội Lồng Tồng ở Tuyên Quang

Di sản quý đang dần mai một

Cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa đào đã vãn, hoa ban nở trắng sườn non, mạ đã lên xanh, măng đắng đã mọc ngoài rừng, các lễ hội của đồng bào DTTS lại được tổ chức tưng bừng. Tiêu biểu như: Lễ hội Lồng Tồng, Trò Trám (dân tộc Tày), Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông), Lễ hội Roóng Poọc (dân tộc Dáy), Lễ hội Hát giao duyên, Hội nhảy lửa  (dân tộc Dao đỏ), Lễ Hội Căm Mường (người Lào - Lai Châu)...

Với mong muốn năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, mạnh khỏe, hạnh phúc… các lễ hội được duy trì hàng năm. Đặc biệt, do được tổ chức ở không gian vùng cao, núi non trùng điệp; giữa bản làng với những nếp nhà truyền thống; người tham gia mặc trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình, sản vật cúng lễ cũng do bà con tự sản xuất… nên các lễ hội xuân của đồng bào DTTS rất đậm đà bản sắc, là nếp sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn được bà con chờ đón, thu hút sự tham gia của du khách thập  phương.

Với những giá trị đóng góp cho cộng đồng, từ lâu, lễ hội đã được xem là di sản của mỗi dân tộc. Tuy nhiên trên thực tế, những lễ hội còn lưu giữ được bản sắc truyền thống rất hiếm hoi; hàng ngàn lễ hội làng, bản của đồng bào DTTS đang bị quên lãng hoặc bị biến tướng, mất đi những giá trị văn hoá nguyên sơ ban đầu, thay vào đó là những lễ hội mang tính chất thu hút khách du lịch. Vì mang nặng mục đích kinh doanh, nên các lễ hội này thường xem nhẹ những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa và tính truyền thống. Hiện tượng người dân mặc trang phục, dân tộc không giống với trang phục truyền thống, sản phẩm hàng hoá hiện đại bày bán tràn lan, các trò đỏ đen, thiếu văn minh ngang nhiên mời gọi... đã và đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều lễ hội.

Giữ lại cho muôn đời sau

Thời gian gần đây, với sự vào cuộc của các ban, ngành, nhiều lễ hội dân gian đã được phụng dựng ở một số địa phương trên cả nước. Tỉnh Hòa Bình là một ví dụ. Với tỷ lệ người Mường chiếm 63,3%, gắn liền với những địa danh nổi tiếng là Bi, Vang, Thàng, Động… nhiều lễ hội dân gian của người Mường đã được phục dựng. Các nghi lễ tại lễ hội thường gắn với sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Mường như: đánh cồng chiêng, cúng Mo, thổi kèn, múa quạt và những hoạt động vui chơi, giải trí như: đánh mảng, ném còn, bắn nỏ, chơi đu, thi hát đối… Nhiều lễ hội đã trở thành điểm nhấn trong sinh hoạt văn hóa của người Mường, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách.

Từ kinh nghiệm địa phương, đại diện sở Văn hóa - Thể thao  và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Việc phục dựng, khơi dậy các lễ hội truyền thống phải được thực hiện, cơ quan chức năng phải nghiên cứu đồng thời chính quyền địa phương các cấp cũng phải quan tâm để tổ chức lễ hội cho đúng ý nghĩa và quy mô của nó. Việc tổ chức lễ hội phải được chắt lọc phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, phù hợp với từng vùng, từng Mường”.

Nói rộng ra, để gìn giữ và duy trì những lễ hội dân gian của đồng bào DTTS  thì việc đầu tiên là tuyên truyền để bà con hiểu rõ giá trị của các lễ hội dân gian truyền thống đó. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các tổ chức về mặt tinh thần và vật chất để các lễ hội có điều kiện được khôi phục, được tổ chức bài bản, giữ nguyên giá trị lịch sử và bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc cũng là một điều vô cùng cần thiết, nhất là trong khi điều kiện cuộc sống của bà con các DTTS còn gặp nhiều khó khăn.

Trong lúc câu chuyện giữ hay bỏ lễ hội chém lợn, đâm trâu đang là đề tài được tranh luận sôi nổi; thì lễ hội chọi dê ở vùng cao Hà Giang, lễ hội đấu bò ở Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn là điểm hẹn hấp dẫn mỗi dịp xuân về. Việc không giết thịt, mà giữ lại những con dê, bò thắng cuộc để nhân giống chính là yếu tố vừa mang tính nhân văn, vừa phát huy được giá trị kinh tế trong việc phát triển chăn nuôi của đồng bào DTTS. Đây cũng chính là nét đẹp để lễ hội được duy trì và liên tục phát huy.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]