Cũng cần nói rõ rằng, “danh sách đỏ” mà WWF khuyến cáo khác với “sách đỏ” mà WWF tham gia bảo tồn ở chỗ danh sách đỏ bao gồm những sản phẩm mà tổ chức này cho rằng nếu tiêu dùng sẽ tàn phá thiên nhiên (từ lý do quy trình sản xuất); còn sách đỏ liệt kê những loài động vật quý hiếm cần bảo tồn nghiêm ngặt. Chính vì những mục tiêu nhân bản, đẹp đẽ ấy, tiếng nói của WWF rất có trọng lượng. Những “người tiêu dùng thông minh” ở các quốc gia phát triển thường rất tin tưởng ở những tờ rơi tư vấn, khuyến cáo do các tổ chức phi lợi nhuận như WWF phát hành.

Mặc dù bộ 19 câu hỏi của WWF dùng làm tiêu chí đánh giá cá tra của VN chưa đầy đủ, thiếu căn cứ khoa học… nhưng để xoay chuyển tình hình, nhiều người cho rằng thái độ khôn ngoan không phải là chỉ trích, lên án họ một cách cực đoan, mà là cần chủ động cung cấp thông tin chính xác cho họ.

Khi họ nhận ra rằng mình đã dùng những thông tin cá biệt rồi áp đặt cho toàn bộ ngành nuôi cá tra VN (với 6.000 ha năm 2010 tương ứng 1,5 triệu tấn của hơn 10.000 hộ nuôi) thì chính họ sẽ thay đổi cách ứng xử.

Sự thật có quyền lực riêng của nó. Chính WWF chứ không phải ai khác, ngoài việc tự gỡ bỏ thông tin sai lệch, còn có thể “dán” nhãn xanh cho cá tra VN. Trước người tiêu dùng Âu châu, một lời họ nói (thông qua cẩm nang tiêu dùng) sẽ giá trị gấp trăm lời chúng ta tự nói.

VẠN BẢO


Video đang được xem nhiều