Làm sao để dạy con học cách chấp nhận thất bại?

Trong cuộc sống hôm nay, bạn luôn được các chuyên gia tâm lý khuyên: hãy dạy con lòng tự tin, tự hào và kiêu hãnh về chính bản thân mình. Rằng tất cả những phẩm chất đó sẽ dẫn con đến với những thành công trong sự nghiệp mai sau. Chính vì thế, khi con mình thất bại, không ít ông bố bà mẹ đổ lỗi cho... ngoại cảnh, thậm chí là đổ lỗi cho những người khác.

15.6028
  • 1
    Hãy giúp trẻ rút kinh nghiệm
     
    Hãy dành lời khen cho con nếu bạn biết rằng nó đã hết sức cố gắng, ngay cả khi nó không thành công như bạn mong đợi, đừng quá thất vọng và đổ lỗi cho người khác. Hãy cùng trẻ tìm ra những gì khiến nó dù hết sức cố gắng nhưng vẫn chưa thành công.
     
  • 2
    Biết động viên con
     
     
    Những điểm số hiện tại không phải là thước đo sức học tập của con, vị trí thứ hai không có nghĩa là con không giỏi. Ngày hôm qua con đã bệnh nặng, con sốt, nhưng con đã hết sức cố gắng và điều đó với mẹ mới là quan trọng nhất. Những lời như thế của bạn sẽ có tác dụng khích lệ con trẻ.
  • 3
    Bạn cũng đừng phóng đại hay thu nhỏ sự việc
     
    Ai cũng đã từng thất bại trong cuộc đời mình, hãy làm cho trẻ hiểu được điều đó bằng cách lấy dẫn chứng từ chính những gì bạn đã từng trải qua. Cũng đừng im lặng khi trẻ thất bại, điều ấy sẽ làm chúng căng thẳng nhiều hơn với thắc mắc: “Vì sao mẹ và bố cũng không muốn nói tới điều đó? Có lẽ mình đã làm họ thất vọng kinh khủng”.
     
  • 4
    Đừng mang những mơ ước của mình áp đặt lên con trẻ
     
    Bạn rất mong con thành công trong môn toán. Bạn nghĩ chỉ có giỏi toán mới được gọi là học sinh giỏi. Thế nhưng con bạn lại thích học… sinh vật. Với bạn điều ấy thật là vớ vẩn. Và vì thế, khi điểm toán của con chỉ trung bình, trong khi điểm sinh vật của nó tuyệt đối, nó được chọn vào đội đi thi học sinh giỏi  môn sinh vật, bạn cũng chẳng thèm để ý, chẳng thèm khen ngợi, chẳng thèm chia sẻ niềm vui với con!
     
    Con bạn sẽ có con đường thành công riêng phù hợp với chúng. Và nhiệm vụ của bạn là khích lệ chúng làm bất cứ điều gì mà chúng mong ước và có thể đặt hết tình cảm, nhiệt huyết của mình vào, chứ không phải bị lôi cổ theo những lối đi mà bạn chọn.
     
  • 5
    Nếu bạn bình tĩnh, con bạn sẽ bình tĩnh
     
    Khi trẻ nổi nóng hay rủ rũ, bạn rất lo lắng. Nhưng có những người thật sai lầm khi họ cũng nổi nóng hay ủ rũ theo. Hãy dạy con cách kiềm chế cảm xúc của mình bằng cách làm gương cho con. Hãy ngồi xuống, trò chuyện với con một cách ôn tồn và lắng nghe con khóc, rên rỉ, than thở một cách điềm tĩnh. Con bạn sẽ học theo gương của bạn ngay lập tức khi nó hiểu rằng chưa có gì là ghê gớm xảy ra và không có gì là không thể cứu vãn.
  • 6
    Và cuối cùng điều quan trọng nhất là bạn hãy thể hiện cho con thấy bạn yêu con!
     
    Dù con thành công hay thất bại, bạn vẫn yêu nó hơn tất cả chứ không phải là những điểm số hay chiến thắng.
     
    Bạn yêu con vì chính con, chứ không phải vì con là một cậu bé tuyệt vời, hơn hẳn những cậu bé khác.  Điều đó sẽ giúp trẻ an tâm và tin tưởng vào chính mình hơn!
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]