Làm truyền thông về khởi nghiệp tại Việt Nam dễ hay khó?

15.5953

Cách đây một vài năm khi làn sóng khởi nghiệp thứ 2 đang phát triển mạnh mẽ, người ta có thể dễ dàng thấy được khá nhiều trang tin viết riêng về startup công nghệ tại Việt Nam như: Action.vn, Gik.vn, pandora.vn, techdaily.vn rồi đến những trang tin xuất hiện khoảng 1 năm trở lại đây như TechinAsia Việt Nam, Twenty, Vcamp.vn ....Tất cả đều xuất hiện và phát triển song hành với sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp như một định lý tất yếu.

Có thể nhìn thấy thành công từ mô hinh này ngay tại Đông Nam Á, khi 2 startup truyền thông về khởi nghiệp nổi bật nhất là e27 và TechinAsia đang hoạt động rất tốt, trong vai trò làm cầu nối và cung cấp thông tin cần thiết đến tất cả startup khác và nhà đầu tư tại các quốc gia trong khu vực. Ngoài viết bài, 2 startup này còn tổ chức rất nhiều event về khởi nghiệp trong khu vực, làm cho phong trào startup tại Đông Nam Á trở nên rất sôi động. Rõ ràng, vai trò của truyền thông là rất quan trọng, là nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển của cả hệ sinh thái.

Tuy nhiên, điều này lại không hẳn đúng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước khi làn sóng khởi nghiệp thứ 3 đang bắt đầu, những trang tin khởi nghiệp lại lần lượt đóng cửa hoặc ngừng hoạt động. Cụ thể: Action.vn, vcamp.vn đã đóng cửa; Gik.vn, Pandora.vn tạm ngừng hoạt động, Techdaily.vn chuyển hình thức hoạt động sang trang tin công nghệ.

mô hình trang tin khởi nghiệp tại Việt Nam tiếp tục bị đặt một dấu hỏi lớn về cơ hội thành công khi mới đây, TechinAsia Việt Nam thông báo ngừng hoạt động và trang tin duy nhất còn lại là Twenty.vn vẫn chưa tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả. Có lẽ, truyền thông về khởi nghiệp là một mảng không hề đơn giản để có thể thành công. Cho dù đó là startup đã phát triển lâu năm hay được đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản đi chăng nữa thì vẫn không thể tiếp tục cuộc chơi của mình.

Trang tin khởi nghiệp Action.vn đã đóng cửa

 

Truyền thông về khởi nghiệp gặp những khó khăn gì?

Cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, khó khăn lớn nhất không nằm ở khía cạnh chuyên môn mà chính là mô hình kinh doanh của những startup làm truyền thông khởi nghiệp. Nguồn doanh thu của mô hình này chủ yếu sẽ đến từ việc bán quảng cáo, viết bài PR, tổ chức sự kiện hoặc có thể là từ những thương vụ đầu tư, mua bán, sát nhập. Xét trong bối cảnh những quốc gia phát triển thì đây là một mảng rất có tiềm năng, tuy nhiên, khi được đặt trong bối cảnh nước ta, mô hình này lại không phù hợp

-Thị trường chưa đủ lớn: Phong trào khởi nghiệp tại nước ta vẫn còn khá mới mẻ và đây được coi là mảng “ngách” của startup truyền thông. Đối tượng độc giả chính là những người quan tâm đến khởi nghiệp, nhà đầu tư và những startup khác. Điều đáng nói đó là số lượng người thuộc đối tượng này còn quá ít cả về lượng và về “chất”, dẫn đến việc những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho cộng đồng khởi nghiệp như hosting, giải pháp công nghệ, dịch vụ tài chính... không mấy mặn mà để đổ tiền vào quảng cáo trên những trang tin khởi nghiệp.

Trong khi những startup có đối tượng là người dùng cuối lại không muốn viết bài PR hoặc quảng cáo trên những trang tin chỉ dành cho doanh nghiệp. Vì vậy nguồn thu từ quảng cáo và viết bài PR gần như là không có.

-Chi phí hoạt động cao: Hoạt động truyền thông và sản xuất nội dung cần một đội ngũ đủ lớn để có thể hoàn thành tốt công việc, vì vậy để duy trì được cả team thì cần phải có nguồn tài chính lớn và ổn định. Có thể nhìn vào TechinAsia Việt Nam, mặc dù được đầu tư bài bản và chiếm được cảm tình của rất nhiều độc giả nhưng vẫn không đủ nguồn kinh phí duy trì bộ máy của mình và phải ngừng hoạt động sau hơn một năm ra mắt.

Anh Minh Đỗ, trưởng nhóm TechinAsia Việt Nam đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng, nhóm đã đánh giá chưa đúng tình hình, và thị trường Việt Nam cần khoảng thời gian 2 năm nữa mới có thể có một môi trường phù hợp để phát triển.

Tổng kết

Hiện nay, chỉ còn duy nhất Twenty.vn vẫn duy trì hoạt động và một vài bài viết nhỏ lẻ về khởi nghiệp trên những trang báo lớn khác. Bài học nhãn tiền của những startup đi trước và khó khăn của thị trường đang khiến mảng truyền thông khởi nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Giải pháp duy nhất lúc này cho những startup truyền thông là mở rộng đối tượng nội dung để tiếp cận với nhiều độc giả hơn hoặc tối giản bộ máy của mình để tiếp tục duy trì hoạt động, chờ đợi đến thời điểm khi thị trường đã thực sự sẵn sàng.

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]