Lấy trí óc thay nguồn vốn - bài học “tay trắng làm nên”

Từ không một xu dính túi bỗng chốc trở nên giàu có, đối với nhiều người đó căn bản là điều không thể. Nhưng thực tế không ít người làm được điều đó. Vấn đề then chốt là họ dám nghĩ, dám làm, dũng cảm biến ước mơ thành hiện thực. Và hơn hết họ biết sử dụng trí óc để thu hút tiền bạc về phía mình. Dưới đây là 7 nguyên tắc cần thiết nếu bạn muốn “tay trắng làm nên”.

15.5776
 
 
Thay đổi số phận, hãy bắt đầu từ thay đổi tư duy
 
Lâu nay mọi người thường quen với cách tư duy thông thường, ví dụ: rất nhiều người nghĩ rằng muốn mở công ty thì việc đầu tiên phải làm là thuê văn phòng, đăng quảng cáo, phát tờ rơi - những thứ này phải tốn một khoản tiền không hề nhỏ, ngoài ra việc đầu tư như vậy không biết có đem lại hiệu quả không? Sự lo lắng ấy là một trở ngại lớn cho tinh thần và nhiệt huyết khởi nghiệp
 
Nhưng trong thời đại ngày nay, khi tư duy luôn là yếu tố đi đầu thì một trong những nguyên tắc để khởi nghiệp thành công đó chính là “giảm dùng tiền bạc, tăng dùng trí não”.
 
Như vậy không nhất định phải tốn tiền thuê một cái văn phòng “tử tế”, cũng không nhất định phải bỏ tiền ra đăng quảng cáo. So với tư duy truyền thống, đây có thể coi là “tư duy nghịch”. Nhưng “tư duy nghịch” này không chỉ cho chúng ta một lối tư duy mới mà còn có thể đem lại hiệu quả bất ngờ.
 
Định vị chính xác là tiền đề của việc làm giàu
 
Đối với những người tay trắng khởi nghiệp, xác định chính xác vị trí còn quan trọng hơn việc kiếm lợi trước mắt rất nhiều. Chỉ khi định vị chính xác mới có thể kiếm được tiền. Bởi thế, nhất thiết không được khởi nghiệp một cách mù quáng, hú họa theo kiểu “cứ thử làm, được đến đâu tính đến đó”.
Định vị chính xác có thể giảm thiểu vốn đầu tư. Thử nghĩ, nếu không xác định chính xác mục tiêu, hôm nay làm một việc ngày mai lại đổi nghề, điều này không chỉ làm lãng phí thời gian mà còn gây hao tổn về kinh tế. Bởi vậy cần ghi nhớ tiền đề của việc làm giàu chính là định vị chính xác mục tiêu, đối tượng, cách thức, biện pháp kinh doanh.
 
Làm việc mình yêu, yêu việc mình làm
 
Một trong những bí quyết thành công chính là kinh doanh sở trường của mình, tức là làm công việc mà mình có khả năng nhất. Có thể tìm được công việc mình vừa yêu thích lại vừa phát huy được sở trường của bản thân hay không là vấn đề quan trọng quyết định sự thành công. Nắm chắc sở trường để phát huy tối đa khả năng sẽ giúp rút ngắn quãng đường bước tới thành công, biến sở trường thành sự nghiệp.
 
Đa phần những người khởi nghiệp thành công đều là những người biết nắm vững sở trường, thế mạnh của mình, đồng thời tìm cách phát huy, đầu tư tuyệt đối vào công việc mình yêu thích nhằm biến niềm cảm hứng, sự đam mê trở thành thành tựu. Vì thế, muốn gây dựng sự nghiệp, câu hỏi đầu tiên bạn bắt buộc phải trả lời là “mình muốn làm gì?”. Có thể suy nghĩ về những công việc mình đã làm để biết mình thích gì, làm tốt việc gì để từ đó hoạch định chính xác hướng đi cho tương lai. 
Người lành nghề dễ kiếm tiền, chuyên gia dễ làm giàu
 
Qua quá trình làm việc, mỗi người đều tích lũy những kinh nghiệm nhất định. Nhờ kinh nghiệm phong phú, dày dạn mà nhiều người được mệnh danh là chuyên gia hay người lành nghề. Nếu biết phát huy triệt để kinh nghiệm ấy trong quá trình khởi nghiệp, con đường dẫn đến thành công sẽ bớt khó khăn, trắc trở hơn rất nhiều so với người “chân ướt chân ráo” mới bước vào nghề.
 
Yêu cầu đầu tiên của người muốn làm giàu là phải hiểu cặn kẽ sở trường của mình, biết kết hợp hài hòa, mật thiết giữa các kỹ năng và kiến thức mình có với nhu cầu của thị trường, có như vậy mới biết phát huy khả năng xuất sắc hơn người ở một lĩnh vực hay phương diện nào đó để làm ra tiền. Những kỹ năng và kiến thức mình đang có vốn dĩ cũng là một dạng “vốn”, hãy tận dụng nó để làm giàu.
 
Từ chối sự “mê hoặc” của ngành nghề “lạ”
 
Có câu “khác nghề như cách núi”, mặc dù giữa nhiều ngành nghề có mối liên quan nhất định nhưng mỗi ngành nghề cũng tồn tại rất nhiều sự khác biệt và đều có con đường kinh doanh riêng. Vì thế, người khởi nghiệp không thể liều lĩnh một cách mù quáng bước vào lĩnh vực xa lạ với mình. Về việc này, thực tế đã có nhiều bài học xương máu rất đáng để chúng ta khắc ghi.
 
Kinh doanh vốn dĩ là nghề chứa đầy rủi ro và mạo hiểm, đối với những người “ngoại đạo” mức độ rủi ro càng tăng. Mặc dù vẫn thường nói “có chí làm quan có gan làm giàu” nhưng “gan” ở đây không có nghĩa là liều lĩnh mù quáng. Vì vậy, đối với mỗi người muốn khởi nghiệp, cần xác định rõ thực trạng bản thân, không thể “liều mạng” xông vào lĩnh vực mà mình không hiểu biết.
 
Không có kinh doanh thất bại, chỉ có thị trường chưa được khai thác
 
Bất kể đối với cá nhân hay doanh nghiệp , tầm quan trọng của đơn hàng đầu tiên có nhấn mạnh thế nào cũng không thái quá. Bởi lẽ đây là dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị sản phẩm của bạn - có người muốn bỏ tiền để có được sản phẩm ấy. Đồng thời điều này cũng thể hiện rằng bạn đã chiến thắng ở bước đi đầu tiên. Muốn vậy, bạn phải “đánh thức” được nhu cầu sử dụng của khách hàng, hay nói một cách khác, bạn phải tìm ra được lý do khiến khách không thể không mua sản phẩm của bạn. Đó chính là chìa khóa để giao dịch thành công. 
 
Cảnh giác với “con dao 2 lưỡi” của đa dạng hóa
 
Chúng ta đều không xa lạ với câu “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết “hay” “Một nghề cho chín còn hơn chin nghề”. Chỉ cần thuần thục một kỹ năng, nắm chắc một nghề và toàn tâm, toàn ý làm tốt công việc đó còn hơn “đứng núi này trông núi nọ” hay tham lam, hám lợi chạy theo trào lưu khi chưa hiểu hết về nó, dẫn đến việc đầu tư dàn trải nhưng không đủ năng lực quản lý và khả năng tài chính, không tính toán kỹ hiệu quả đầu tư dẫn đến thất bại. Bài học này không chỉ hữu ích cho những người lần đầu khởi nghiệp mà còn đối với các doanh nghiệp đã thành công.
 
Trích “Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng”
 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]